Nhiều địa phương muốn xây chính quyền điện tử bằng phần mềm nguồn mở

Thứ tư - 03/09/2014 00:02
Các địa phương đang có xu hướng ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) để xây dựng chính quyền điện tử. Đã có một số điển hình thành công ban đầu song vẫn còn nhiều khó khăn cần Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp, địa phương chung tay tháo gỡ.

“Xây dựng chính quyền điện tử trên nền tảng phần mềm nguồn mở” là chủ đề chính của Hội thảo Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở khu vực phía Bắc do Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức sáng nay, 30/7/2014 tại Việt Trì, Phú Thọ.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết từ năm 2012 đến nay đang hình thành xu hướng ứng dụng PMNM trong xây dựng các phần mềm phục vụ chính quyền điện tử tại địa phương. Bộ TT&TT đã hỗ trợ một số địa phương xây dựng và thử nghiệm thành công một số sản phẩm PMNM là ứng dụng cơ bản để xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó có 2 loại phần mềm nền tảng trong xây dựng Chính phủ điện tử là phần mềm một cửa điện tử nguồn mở, phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở. Đây chính là một trong những tiền đề cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong xây dựng Chính phủ điện tử.

phần mềm nguồn mở

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo về phần mềm nguồn mở tại Phú Thọ sáng 30/7/2014. Ảnh: X.B.

Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) nhấn mạnh: “Chính phủ điện tử có thể được triển khai đến tận xã, phường, không thể phụ thuộc vào một hoặc một số nhà cung cấp phần mềm, càng không thể phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Chính phủ điện tử gắn liền với hệ thống quản lý hành chính quốc gia, phụ thuộc thể chế chính trị, luôn bị biến động và phải cập nhật theo sự thay đổi của hệ thống hành chính, pháp quy. PMNM sẵn sàng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu này”.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, đến nay, nhiều doanh nghiệp thành viên của VFOSSA đã và đang ứng dụng và xây dựng PMNM thành công cho Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Chẳng hạn, DTT vừa khánh thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử cho Đà Nẵng, gần như hoàn toàn trên nền PMNM, máy chủ hoàn toàn PMNM (nền tảng DTT eGov Platform đang được chuẩn bị để công bố PMNM). VINADES có PMNM thuần Việt có tên gọi NukeViet đang được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục và có cộng đồng người dùng rất mạnh. Tâm Việt với PMNM dịch vụ một cửa ePar được ứng dụng tại nhiều tỉnh phía Bắc. EcoIT, iWay có hệ thống ứng dụng quản trị tài liệu, thư điện tử xây dựng hoàn toàn bằng PMNM sẵn sàng cung cấp dịch vụ hoặc chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Một số trường đại học, trung tâm đào tạo sẵn sàng cung cấp dịch vụ huấn luyện kỹ năng PMNM. Nhiều thành viên của VFOSSA sẵn sàng cung cấp máy tính, thiết bị cài đặt và cấu hình sử dụng PMNM và dịch vụ bảo hành, bảo trì.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định thời gian qua, hoạt động ứng dụng PMNM tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực. Nhưng còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, thói quen sử dụng… của các cơ quan Nhà nước. Bản thân PMNM cũng cần cải thiện để thân thiện hơn nữa trong quá trình sử dụng. Các doanh nghiệp PMNM cần nâng cao năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.

Để hỗ trợ các địa phương xây dựng chính quyền điện tử bằng PMNM, Bộ TT&TT đã phối hợp với các địa phương xây dựng một số PMNM cụ thể, phục vụ tốt công việc của các địa phương. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng kiểm định chất lượng phần mềm để đảm bảo chất lượng của các PMNM này trước khi chuyển giao cho các địa phương.

Mặt khác, Bộ TT&TT  đang phối hợp với các cơ quan liên quan để sửa đổi Thông tư số 41 về Danh mục các PMNM đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan Nhà nước. Dự kiến số lượng PMNM trong danh mục được nâng từ con số 13 trước đây lên 30 sản phẩm để các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương có thêm sự lựa chọn.

Những điển hình về triển khai phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cấp quận, huyện gồm: UBND thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), UBND thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), UBND thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), UBND thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), UBND huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), UBND huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).

Nghệ An là điển hình về triển khai mô hình một cửa điện tử cho các sở, ngành. Bắc Giang là mô hình tốt về triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành. Phú Thọ là điển hình về triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: ictnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập137
  • Hôm nay5,668
  • Tháng hiện tại201,018
  • Tổng lượt truy cập32,881,310
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây