Khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng: Một thành công minh chứng tính khả thi cao trong xây dựng Chính quyền điện tử các cấp

Thứ ba - 29/07/2014 05:07
Sáng ngày 22/7, UBNDTP Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ Khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử và mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung Việt Nam.

Sáng ngày 22/7, UBNDTP Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ Khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử.

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử và mục tiêu đưa Đà Nẵng “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung Việt Nam” – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBNDTP Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.

Các đại đại biểu danh dự thực hiện nghi thức khánh thành (từ bên phải ảnh sang): Ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng ; Ông Văn Hữu Chiến –Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ; Ông Nguyễn Bắc Son – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ ; Ông Trần Thọ – Bí thư Thành Ủy , Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông).-Ảnh: T.Ngọc.

Như vậy, chưa tròn 1 năm, sau khi hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống hạ tầng CNTT và Truyền thông hiện đại gồm: Mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu, Hệ thống kết nối không dây, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) & Truyền thông (ngày 21/8/2013) ; TP Đà Nẵng đã tiếp tục “không ngừng triển khai những ý tưởng xây dựng, những mô hình quản lý mới ; quyết tâm đầu tư cho chiến lược phát triển CNTT & TT ; nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng hình thành một Chính quyền điện tử hiện đại, hiệu quả, tạo bước phát triển đột phá và năng động, hợp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền” – như phát biểu của ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Trước đó, từ đầu năm 2012, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công (tên cũ là Trung tâm Giao dịch CNTT và Truyền thông) được đưa vào hoạt động đây được coi là những thành phần hết sức cơ bản, thiết yếu, cấu thành hạ tầng CNTT & TT của thành phố ; tạo nền tảng và tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện cải cách hành chính và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, sẵn sàng tâm thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Ông Nguyễn Bắc Son, UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Tuyên Giáo TƯ phát biểu tại buổi Lễ.

 

-Ảnh: T.Ngọc.

Thành công của Đà Nẵng chứng tỏ tính khả thi cao của việc xây dựng Chính quyền điện tử các cấp

Đến dự và là đại biểu Lãnh đạo TƯ cao nhất tham gia thực hiện nghi thức Hệ thống, ông Nguyễn Bắc Son, UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Tuyên Giáo Trung ương khẳng định:

“Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, nhiệm vụ phát triển chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp, được xác định là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng cần tập trung thực hiện. Quyết tâm này tiếp tục được khẳng định bằng Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/01/2014, thành lập Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và gần đây, ngày 01/7/2014 Bộ Chính trị khoá XI đã ban hình Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững và hội nhập quốc tế”. Trong bối cảnh như vậy, việc đưa Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử của TP Đà Nẵng vào hoạt động là một việc làm rất có ý nghĩa.

Thành công này chứng tỏ tính khả thi cao của việc xây dựng Chính quyền điện tử các cấp; đó là, với việc ứng dụng CNTT thực sự có khả năng đưa chính quyền đến gần với người dân hơn, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Từ kết quả thực tiễn này trong triển khai của Đà Nẵng, chắc chắn sẽ là kinh nghiệm rất hữu ích đối với nhiều địa phương khác trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông TP Đà Nẵng tập trung thực hiện tốt việc tổ chức quản lý, vận hành và khai thác một cách hiệu quả nhất, an toàn và an ninh cao nhất Hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Song song với đó, cần tổ chức tổng kết, đánh giá lại quá trình xây dựng, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật, cũng như quá trình tiếp thu ý kiến tư vấn, xây dựng khung kiến trúc tổng thể, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra các nhóm giải pháp để có thể đóng góp những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình Chính quyền điện tử từ thực tiễn của Đà Nẵng cho sự phát triển chung của Ngành.

Không ngoài mục tiêu xây dựng một Chính quyền thực sự là của Dân, vì Dân

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Lãnh đạo các Bộ, Ngành TƯ, Lãnh đạo TP ; ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP nhấn mạnh:

Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xây dựng trên nền tảng Khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử toàn diện và tiên tiến - DTT OpenEgovPlatform, bao gồm các cơ sở dữ liệu nền tảng như CSDL Dân cư, CSDL Thông tin địa lý, Hệ thống thông tin quản lý, CSDL Thủ tuc hành chính, và Hệ thống các Dịch vụ công trực tuyến, …

Đặc biệt, đối với CSDL thủ tục hành chính đã có 1.196 Dịch vụ công mức độ 2 và 498 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được xây dựng hoàn chỉnh, trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm: cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép lái xe, cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư … và các ứng dụng hỗ trợ quản lý chuyên ngành như quản lý giao thông công cộng, quản lý chất lượng nước, quản lý điện chiếu sáng công cộng, quản lý hệ thống thóat nước, quản lý hạ tầng CNTT và TT, Quận/Phường điện tử đồng bộ-liên thông,.…

Trên nền tảng đó, Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được đưa vào vận hành đã trở thành điều kiện căn bản để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cơ quan hành chính Nhà nước, giúp các cấp lãnh đạo nắm bắt, xử lý thông tin nhanh và chính xác; hỗ trợ tích cực công tác điều hành và quản lý công việc; minh bạch hóa quy trình và thủ tục hành chính ; đưa đến hệ quả tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Việc khánh thành và đưa vào hoạt động toàn bộ hệ thống thông tin Chính quyền điện tử trên đây – với những ý nghĩa đã nêu – là một bước đột phá, thúc đẩy sự chuyển đổi từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý điện tử ở tất cả các cơ quan công quyền tại thành phố Đà Nẵng. Thông qua hệ thống này, mỗi người dân, đại diện tổ chức và doanh nghiệp cũng được cung cấp đầy đủ thông tin và theo dõi được toàn bộ quá trình xử lý các thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong giao dịch giữa công dân, tổ chức và doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước.

Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo về Lễ Khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng. -Ảnh: T.Ngọc,

Sự chuyển đổi này thực sự đã và đang tạo ra những sức mạnh mới cho các Cơ quan Nhà nước tại thành phố bởi tính hiệu quả và tính công khai minh bạch cao hơn ; việc cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức cũng tốt hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân cùng đại diện tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, tham gia tích cực hơn vào quá trình giám sát các hoạt động của Cơ quan nhà nước ; dễ dàng đóng góp ý kiến tâm huyết, công tâm cho hoạt động quản lý xã hội.

Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử góp phần phát triển “công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 của TP.Đà Nẵng

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBNDTP Văn Hữu Chiến khẳng định: Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng sẽ góp phần phát triển “công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên” phù hợp với Kết luận số 75/KL-TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX liên quan đến định hướng và chiến lược “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Chủ tịch cho biết, phát huy những kết quả đạt được, ngày 23/4/2014 vừa qua, UBND Thành phố đã có Quyết định số 2574/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhấn mạnh chủ trương tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển 2 lĩnh vực Công nghiệp và Công nghiệp Công nghệ cao, Công nghệ thông tin.

Từ nay đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước, chất lượng đời sống người dân và năng lực của nền nền kinh tế; hỗ trợ, tạo những điều kiện tốt nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố, với một môi trường thật sự thông thoáng, kích thích phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, qua đó sớm khẳng định giá trị của thương hiệu Đà Nẵng khi tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Ghi nhận đóng góp của các Doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Hệ thống thông tin; và cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà tài trợ cho buổi Lễ Khánh thành, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBNDTP Văn Hữu Chiến đã tận tay trao hoa và biểu trưng đến Đại diện Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu ; Công ty Hyundai IT ; Công ty DTT ; Công ty Hanel ; Công ty Dell Việt Nam ; Công ty KDI ; Công ty HP ; Công ty Cisco Systems VietNam Ltd ; Công ty TNHH Oracle Việt Nam ; Công ty FPT Fis ; Công tyHitachi Việt Nam ; (Liên danh) Công ty SunIvy + Avaya ; Công tyIntel Việt Nam ; Công tyTinh Vân ; Công ty CP E&T và Công ty NCS.

 

- Ảnh: T.Ngọc.

Trước yêu cầu mới, Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Thành phố Đà Nẵng được đưa vào vận hành đồng bộ, chính là bước đột phá, làm nền tảng kỹ thuật và giải pháp tiên tiến để thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức quản lý điện tử ở tất cả các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố. Sự chuyển đổi này tất yếu sẽ tạo ra những sức mạnh mới cho bộ máy chính quyền- hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi thực hành quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.

Cùng với việc đưa Tòa nhà Trung tâm Hành chính hiện đại vào hoạt động tới đây, Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng chắc chắn sẽ góp phần thiết thực trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, một Đô thị văn minh, hiện đại – một Thành phố đáng sống.

Để Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP, đạt được hiệu quả tối ưu nhất, Chủ tịch đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP khẩn trương đề xuất kế hoạch tổ chức quản lý, vận hành hệ thống một cách hợp lý, bảo đảm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội TP trước mắt cũng như lâu dài; góp phần cùng cả nước sớm hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành một Quốc gia “mạnh về CNTT CNTT và Truyền thông”.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thăm Trung tâm điều hành hệ thống. -Ảnh: T.Ngọc.

Về mục tiêu hành động sớm đưa nước ta trở thành “Quốc gia mạnh về CNTT CNTT và Truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nêu rõ:

Năm 2015 là năm có vai quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2016, là năm cuối cùng trong Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015. Hiện tại, Bộ TT&TT đang được giao chủ trì xây dựng một số cơ chế, chính sách nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn để thúc đẩy việc triển khai ứng dụng CNTT như: đẩy mạnh triển khai các hệ thống lớn, các cơ sở dữ liệu quốc gia; cụ thể hóa chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 47/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014.

Bộ trưởng bày tỏ và tin tưởng TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong thực hiện các chủ trương này của Nhà nước.

Trong đó, Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng cần tiếp tục tích cực tham mưu cho UBND TP đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, hoàn thành kế hoạch đã đề ra; đồng thời với kết quả trong thực tiễn triển khai ở Đà Nẵng, chủ động đề xuất với Bộ TT&TT về những giải pháp, sáng kiến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay để triển khai ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử và chính quyền điện tử trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao nhất.

Khép lại giai đoạn 7 năm triển khai xây dựng và vận hành, mở ra lộ trình mới

Theo ông Phạm Kim Sơn, là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo thành phố ; cơ quan hỗ trợ và đưa ra các tham vấn chuyên môn về ứng dụng CNTT và Truyền thông cho bộ máy công quyền trên địa bàn; chúng tôi xác định: Lễ Khánh thành hôm nay chỉ mang ý nghĩa khép lại giai đoạn 7 năm triển khai xây dựng và vận hành. Trước mắt chúng tôi, một lộ trình mới đã được mở ra ngay từ hôm nay.

Còn rất nhiều việc phải tiếp tục đầu tư Tâm trí – Sức lực để phát huy tối ưu nền tảng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử QĐT (về hạ tầng kỹ thuật cũng như những giải pháp CNTT & Truyền thông tiên tiến đã được đầu tư), nhằm tạo ra hiệu năng mới của các cơ quan hành chính Nhà nước. Làm sao để mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đều biết và khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất Hệ thống thông tin này ?. Làm sao để tận dụng hạ tầng này, hệ thống thông tin này phục vụ hàng loạt yêu cầu của phát triển bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong tình hình mới…Còn rất nhiều việc cần phải làm và làm một cách quyết liệt để không lãng phí một tài sản – một nguồn lực mà sau 7 năm thành phố mới có được.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia vui với lãnh đạo TP Đà Nẵng.-Ảnh: T.Ngọc.

 Xây dựng Chính quyền điện tử là mục tiêu lớn mà tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều hướng đến khi muốn tạo lập tính bền vững của Nhà nước pháp quyền song hành cùng nền hành chính hiện đại. Tất cả đều nhằm thỏa mãn tốt nhất mọi nhu cầu chính đáng của người dân, tạo nền tảng cho phát triển và nâng cao chất lượng sống của toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững của một địa phương, một quốc gia.

Tuy nhiên, xây dựng Chính quyền điện tử cũng có nghĩa rằng phải đối mặt với những cản ngại, những thói quen của lề lối cũ cùng nhiều thách thức không dễ vượt qua ngày một, ngày hai. Và điều quan trọng nhất cần phải có, đó là quyết tâm mãnh liệt của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các bên liên quan từ cơ quan công quyền, người dân đến tổ chức và doanh nghiệp.

Tác giả: Trần Ngọc–Nguyệt Quế

Nguồn tin: dtt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay15,723
  • Tháng hiện tại246,549
  • Tổng lượt truy cập32,503,792
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây