Hanel đề xuất 4 giải pháp lớn để hiện đại hóa đất nước

Thứ năm - 08/05/2014 23:09
TS. Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho biết, Hanel đã nghiên cứu phát triển và hoàn thiện mô hình và giải pháp tổng thể, đột phá để hiện đại hóa đất nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.
Chiều 7/5/2014, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Hanel về đề xuất Mô hình và Giải pháp tổng thể hiện đại hóa đất nước của DN này.
 
Đề xuất của Hanel có nhiều điểm mới cần quan tâm

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel Nguyễn Quốc Bình cho biết, Hanel đang đề xuất mô hình Quốc hội điện tử (giúp hiện đại hóa các hệ thống nội bộ Quốc hội, giúp công tác điều hành của Quốc hội được hiệu quả, tạo kênh thông tin chính thức, nhanh chóng, liên tục - kết nối các đại biểu quốc hội với đông đảo cử tri); Mô hình và giải pháp chiến lược để hiện đại hóa đất nước (tập trung vào lĩnh vực then chốt là nông nghiệp, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực); Giải pháp giao thông thông minh (giúp khắc phục hiệu quả, dứt điểm những vấn đề nổi cộm hiện nay của giao thông, nâng cao hiệu quả thiết bị quản lý điều hành, giám sát hoạt động của giao thông).

Hoan nghênh Hanel - bằng sức sáng tạo, trí tuệ, nguồn lực, chất xám của mình đã nghiên cứu, đề xuất mô hình giải pháp hiện đại hóa đất nước với hoài bão lớn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định sự quan tâm đến những nghiên cứu, đề xuất của Hanel. “Mô hình, giải pháp mà Hanel đề xuất có nhiều điểm mới mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, đất nước phải đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó chắc chắn phải ứng dụng công nghệ thông tin.
 
TGĐ Hanel Nguyễn Quốc Bình báo cáo đoàn đại biểu những tiến bộ trong nghiên cứu về phương thức quản trị áp dụng CNTT
TGĐ Hanel Nguyễn Quốc Bình báo cáo đoàn đại biểu những tiến bộ trong nghiên cứu về phương thức quản trị áp dụng CNTT

Nông nghiệp thông minh - mảnh đất còn trống

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Trung - Trưởng nhóm Nghiên cứu chiến lược của Hanel nhấn mạnh, nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, thế mạnh này lại chưa phát huy được do tính thủ công trong nông nghiệp. Trong khi đó, ứng dụng nông nghiệp thông minh mới đang bắt đầu trên thế giới. Làn sóng sáng tạo mở đã và đang cho phép tạo ra các hệ thống nông nghiệp thông minh số lượng ít với giá thành chấp nhận được. “Nếu Việt Nam sớm đầu tư vào lĩnh vực này, chúng ta sẽ có cơ hội vượt lên ngang bằng với thế giới” - ông Trung khẳng định. 

Liên quan đến Y tế, ông Trung cũng khẳng định đang có cơ hội lớn để khởi nghiệp trong Y tế thông minh. Cụ thể, theo ông Trung, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào y tế sẽ tạo đột phá về phát triển trong ngành này, mang lại cơ hội nâng cao chất lượng và giảm giá thành cho dịch vụ y tế. “Làn sóng thiết bị y tế cá nhân thông minh như: Máy đo huyết áp, cholesterol, đo sóng não, nhịp tim... đang bùng nổ tạo ra một cơ hội lớn chưa từng có về sử dụng CNTT phân tích dữ liệu lớn (dữ liệu theo dõi sức khỏe cá nhân của hàng tỷ người) để đưa ra các lời khuyên, cách chữa bệnh” - ông Trung nhấn mạnh. Từ đây, ông Trung dẫn ví dụ: Bằng cách chỉ phân tích gen của một người ngay khi sinh ra có thể chỉ ra nguy cơ bị ung thư loại nào và cần tránh những cách sống như thế nào để giảm nguy cơ bị ung thư...
 
Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo STEM

Nhấn mạnh hiện đại hóa đất nước thành công đồng nghĩa với việc phải có những con người hiện đại thành công, tức là học được những kỹ năng phù hợp với thời đại, được lao động sáng tạo trên các nền tảng phù hợp với thời đại và mang lại hiệu quả trong lĩnh vực lao động của mình, đồng thời thành công với các sản phẩm của mình, đại diện Hanel nhấn mạnh cần đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo STEM.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Đứng trên khía cạnh kinh tế, STEM là đề cập đến nghề nghiệp hay việc làm trong các lĩnh vực về: Kỹ thuật máy tính và thông tin, dịch vụ y tế, năng lượng và môi trường. Về khía cạnh giáo dục, giáo dục STEM trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cần thiết về các lĩnh vực trên. 

Một thống kê ở Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng của các công việc liên quan đến STEM gấp 4 lần so với mức độ tăng trưởng trung bình của tất cả các ngành nghề tính từ năm 1960 đến năm 2014.  

“Giả sử 100% học sinh VN được học cơ bản STEM, trong đó có 20% học nâng cao và 10% lấy được chứng chỉ quốc tế. Điều này cũng có nghĩa là đến năm 2020, chúng ta sẽ có ít nhất 10 triệu học sinh tốt nghiệp cấp 3 có kỹ năng STEM, có khả năng tham dự các ngành STEM với khả năng thực làm là động lực cho phát triển hiện đại hóa” - ông Trung phân tích. 
 
4 giải pháp lớn của Hanel

Đề xuất mô hình và giải pháp hiện đại hóa đất nước, TS. Nguyễn Quốc Bình cho biết, Hanel đề xuất 4 giải pháp vĩ mô gồm: Coi sự thành công của những người tham gia nông nghiệp thông minh là động lực hàng đầu trong phát triển nông thôn mới, hiện đại hóa đất nước; Đầu tư vào giáo dục tích hợp kỹ năng STEAM (gồm Science - khoa học, Technology - công nghệ; Engineering - kỹ nghệ; Art - Nghệ thuật; Math - toán học) trong đó đặc biệt chú trọng về công nghệ, đầu tư mạnh vào huấn luyện giảng viên theo hướng hỗ trợ học sinh học và tự làm. Xã hội hóa thúc đẩy doanh nghiệp vào hỗ trợ công nghệ và giảng dạy STEAM; Thông qua các khu công nghệ thông tin tập trung và quỹ KHCN tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh và y tế thông minh. Tạo nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp; Khuyến khích các mô hình sáng tạo mở (phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, tài liệu mở...). Mở chuỗi trung tâm trên toàn quốc tại các trường, các khu công nghệ thông tin về tự làm các thiết bị. 
 
* Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga:
Đẩy mạnh đào tạo STEM là cần thiết

Nhấn mạnh Bộ GD&ĐT đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng việc đẩy mạnh đào tạo STEM là cần thiết. “Hanel đã tiên phong thí điểm đào tạo STEM cho 5.000 học sinh. Bộ GD&ĐT ủng hộ ý tưởng mới này. Tuy nhiên, để có thể triển khai sâu rộng, Hanel cần có đề án cụ thể hơn” - ông Ga khẳng định. 
 
* Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh:
Khu sáng tạo mở là tiền đề cho Trung tâm ươm tạo công nghệ cao

Đề cập đến cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế thông minh, trong đó có khu sáng tạo mở và trung tâm việc làm của Hanel, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định, Khu sáng tạo mở là tiền đề cho Trung tâm ươm tạo công nghệ cao đang được Bộ KH&CN triển khai. Đây là nơi để ta tạo điều kiện cho những lực lượng trẻ, nghiên cứu trẻ, đến cùng chúng ta hình thành những sản phẩm mới, công nghệ mới, doanh nghiệp mới. 
 
* Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến:
Ưu tiên dùng hàng Việt

Khẳng định chủ trương của Bộ Y tế là ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh: Nếu chúng ta có sản phẩm nội thì tốt nhất vì nhiều ưu điểm như giá rẻ, dễ bảo trì, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ. Thứ trưởng cũng đề nghị Hanel cần có buổi làm việc cụ thể hơn với Bộ Y tế để đánh giá chất lượng sản phẩm của Hanel đến đâu, phù hợp với tuyến nào. 
 
* Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng:
Đề xuất của Hanel rất sát thực

Đánh giá về Đề xuất mô hình và giải pháp hiện đại hóa đất nước của Hanel, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định, đây là đề xuất hết sức sát thực, là tâm huyết của Hanel với sự phát triển chung. Đề xuất này có tính khả thi và có thể giúp cho sự ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức nói chung và cho sự phát triển xã hội.

Tác giả: Ngân Anh

Nguồn tin: giaothongvantai.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây