Tại Hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM khu vực phía Bắc năm 2014" diễn ra ngày 30/7/2014 ở Phú Thọ, ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ đã chỉ ra khá nhiều nhược điểm của doanh nghiệp PMNM tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp PMNM thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhân sự chất lượng cao còn ít, thường xuyên thay đổi, năng lực tài chính, kỹ năng quản lý kinh doanh còn hạn chế, vì vậy, khi thực hiện dự án thường kéo dài so với hợp đồng. Đặc biệt còn có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, làm giảm lòng tin của khách hàng. Các doanh nghiệp PMNM chưa có sự thống nhất chung trong thiết kế và xây dựng một nền tảng dựa trên mã nguồn mở.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cũng nhận định: "Sự phát triển của cộng đồng PMNM Việt Nam gần đây đã có những dấu hiệu tích cực nhưng chưa đủ để tạo niềm tin cho thị trường. Chưa hình thành được nhóm doanh nghiệp mạnh về PMNM".
Doanh nghiệp phần mềm nguồn mở mong có được sự tin tưởng của khách hàng và thị trường. Ảnh: X.B |
Tuy nhiên, ở góc nhìn của một doanh nghiệp PMNM, ông Trần Kiêm Dũng, Phó Giám đốc Giải pháp Công ty DTT đã phản biện: "Nhiều người vẫn lo lắng rằng Việt Nam chưa có doanh nghiệp PMNM đủ mạnh và thiếu sự tin tưởng vào doanh nghiệp PMNM Việt Nam. Song trên thực tế, doanh nghiệp PMNM nguồn mở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các dự án lớn".
Ông Trần Kiêm Dũng lấy luôn DTT làm dẫn chứng. DTT đã hoàn tất một dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng cho Đà Nẵng. Với dự án này DTT đã làm tới 30.000 trang tài liệu phân tích thiết kế, huy động sự tham gia phát triển của gần 400 người, hơn 80 đầu mối triển khai ở các sở, quận, phường, tổ chức hơn 150 cuộc hội thảo liên quan tới dự án, và 200 hội thảo hướng dẫn sử dụng. Kết quả đầu ra thì có hơn 1.200 dịch vụ công mức 2 và hơn 300 dịch vụ công mức 3, gồm cả cơ sở dữ liệu dân cư toàn thành phố Đà Nẵng hơn 1 triệu dân. Dự án lớn này hoàn toàn sử dụng phần mềm nguồn mở.
Ông Nguyễn Lưu Hoàng, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty NetNam cũng khẳng định: "Đón đầu xu hướng thuê dịch vụ CNTT, NetNam đã triển khai cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng trên nền nguồn mở (gồm máy chủ ảo hóa, dịch vụ trung tâm dữ liệu ảo hóa, dịch vụ ảo hóa hạ tầng mạng và quản trị tập trung...), sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp tại Việt Nam. Trước đây, các tổ chức, doanh nghiệp thường phải đầu tư rất lớn cho hạ tầng, gồm hệ thống phòng máy chủ đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống dự phòng dữ liệu, hệ thống mạng (MAN – WAN – LAN)... Nay nếu sử dụng dịch vụ cơ sở hạ tầng ảo hóa của NetNam, các tổ chức, doanh nghiệp không cần phải tốn kém đầu tư cho hạ tầng vật lý nữa, có thể tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành, đơn giản hóa việc quản lý hạ tầng, đảm bảo hiệu năng và tính bảo mật cho hạ tầng".
Trao đổi với ICTnews, nhiều doanh nghiệp PMNM cho rằng điều cần nhất đối với họ hiện nay là niềm tin của thị trường và khách hàng. Chẳng hạn, chỉ cần Chính phủ, Bộ TT&TT thực sự tin tưởng, tạo cơ hội để doanh nghiệp PNMN triển khai các ứng dụng lớn về chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thì doanh nghiệp PMNM sẽ có thể phát triển rất nhanh. Và chỉ cần một thời gian ngắn tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp PMNM cùng phát triển trên một nền tảng, tạo nên liên minh các doanh nghiệp PMNM lớn mạnh, đủ sức chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Tác giả: Xuân Bách - ICTnews
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn