Buổi lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 13 của VFOSSA vừa qua đã thực sự thành công với sự tham gia của đông đảo các thành viên và khách quý. Chương trình không chỉ là dịp để nhìn lại hành trình phát triển của VFOSSA mà còn là cơ hội để cộng đồng cùng nhau giao lưu, học hỏi.
Tham dự chương trình, chúng ta đã vinh dự đón tiếp nhiều vị khách quý là chuyên gia đến từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng phần mềm nguồn mở:
PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
ThS. Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội tin học Việt Nam
Ông Đinh Duy Hợi, Tổng biên tập Tạp chí Tin học & Đời sống
Ông Nguyễn Xuân Trinh, Chuyên viên Trung tâm Phục vụ Hành chính công Hà Nội.
PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký CLB FISU Việt Nam
Ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông
PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trường Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN
Bà Chu Thắm, Chuyên viên Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia
Ông Bùi Quốc Huy, Founder & CEO cole.vn
Ông Lê Thanh Hưng, DevRel Manager tại FOSSASIA và Admin & AI Researcher của cộng đồng Bình dân học AI
Về phía câu lạc bộ đã có sự tham gia của các vị:
TS. Nguyễn Hồng Quang, Nguyên Chủ tịch VFOSSA
PGS.TS Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn Mở - VFOSSA
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ Tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin (iWay)
Ông Khương Công Trung, Phó Chủ tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH SmartBooks
Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Chủ tịch VFOSSA, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ CGS - IMIP GROUP
Ông Nguyễn Quang Toán, Phó Chủ tịch VFOSSA, Giám đốc Công ty TNHH ĐỈNH QUANG
Đặc biệt, sự kiện còn vinh dự chào đón sự xuất hiện của các đại diện doanh nghiệp là các nhà tài trợ của chương trình:
Ông Lưu Văn Hậu, Chủ tịch Công ty i3 Network Systems
Ông Trần Kiêm Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS
Ông Trần Vương Anh, Phó Tổng Giám Đốc - Tập Đoàn Công Nghệ Vietsens
Ông Trần Đức Khoa, Công ty VNPT IT
Ông Lê Quý Tuấn, Công ty Cổ phần Công nghệ HiNet Việt Nam
Khai mạc chương trình, PGS.TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch VFOSSA đã mang đến một bức tranh tổng quan về những hoạt động sôi nổi của câu lạc bộ trong năm qua. Từ việc tổ chức thành công sự kiện nguồn mở quy mô lớn, thực hiện dự án mở khóa phần mềm đến việc duy trì các hoạt động thường niên, VFOSSA đã khẳng định vị thế tiên phong trong cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của mã nguồn mở trong kỷ nguyên số, Chủ tịch VFOSSA cho rằng đây chính là "chìa khóa vàng" giúp chúng ta làm chủ công nghệ và tạo ra những đột phá sáng tạo. Đồng thời ông Ngô Hồng Sơn đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người đã đóng góp vào sự thành công của câu lạc bộ.
Năm 2024, VFOSSA đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng hội viên, đặc biệt là sự tham gia của các đơn vị giáo dục chuyên môn như Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Việc trao Bằng chứng nhận hội viên mới tại sự kiện này không chỉ là một nghi thức mà còn là lời khẳng định về sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa các bên, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam.
Chương trình đã mang đến một cái nhìn toàn diện về vai trò quan trọng của công nghệ mở, đặc biệt là phần mềm nguồn mở trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển số tại Việt Nam. Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc xây dựng và triển khai các giải pháp dựa trên công nghệ mở, như hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp (GRP) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Chu Thắm, đại diện Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở. Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể như cập nhật danh mục phần mềm nguồn mở ưu tiên, xây dựng bộ định mức triển khai, và nâng cao năng lực nguồn nhân lực.
Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào các hoạt động thúc đẩy các giải pháp mở khác như tiêu chuẩn mở, dữ liệu mở và phần cứng mở, nhằm tạo ra một hệ sinh thái công nghệ mở sôi động và bền vững.
Tiếp nối chương trình, ông Khương Công Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SmartBooks đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về Giải pháp hoạch định nguồn lực Chính phủ (GRP). Ông cho biết, GRP đã được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó Mỹ và Singapore là những ví dụ điển hình. Trong khi Mỹ gặp phải những thách thức nhất định trong quá trình triển khai GRP như phân mảnh hệ thống và chi phí cao thì Singapore lại thành công trong việc xây dựng một hệ thống GRP tích hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên việc triển khai GRP vẫn còn nhiều hạn chế. Các hệ thống hiện tại còn rời rạc, thiếu kết nối và chia sẻ dữ liệu. Để học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược GRP toàn diện, đầu tư vào công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực.
Sau cùng, ông Khương Công Trung đã đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về việc ứng dụng GRP tại Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến với chương trình, ông Bùi Quốc Huy, CEO của Công ty TNHH Edtech Cole, đã mang đến những chia sẻ vô cùng bổ ích về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đào tạo công nghệ, diễn giả đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về cách xây dựng một kiến trúc AI hiệu quả, từ việc chuẩn bị dữ liệu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đến việc lựa chọn thuật toán phù hợp và xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp.
Cũng tại sự kiện, ông Lê Thanh Hưng, DevRel Manager tại FOSSASIA, ông cũng là Admin & AI Researcher của cộng đồng Bình dân học AI và là chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm. Tại chương trình, ông Hưng đã mang đến một góc nhìn sâu sắc về tương lai của AI với chủ đề "Autonomous AI Agents Workflow - Nhân sự cho kỷ nguyên số". Với hơn 12 năm trong ngành, ông Hưng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và những bài học quý báu về việc xây dựng và triển khai các AI Agent. Ông nhấn mạnh rằng AI Agent không chỉ là một công nghệ mới mà còn là một trợ lý đắc lực, giúp chúng ta tự động hóa các công việc hàng ngày, từ đó giải phóng thời gian để tập trung vào những nhiệm vụ sáng tạo hơn. Ông Hưng đã minh họa bằng một ví dụ thực tế về cách sử dụng AI Agent để tìm kiếm việc làm, cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ này trong cuộc sống và công việc.
Qua các phần trình bày của các vị diễn giả, chương trình đã khẳng định rằng công nghệ mở không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố cốt lõi để xây dựng một xã hội số hiện đại và thông minh.
Tại buổi lễ kỷ niệm, VFOSSA không chỉ nhìn lại những thành tựu đã đạt được mà còn tạo cơ hội để vinh danh và tri ân những cá nhân, tập thể đã có đóng góp tích cực, góp phần vào sự thành công của câu lạc bộ trong năm qua.
Trong không khí ấm áp của buổi lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Hồng Quang và PGS.TS. Ngô Hồng Sơn - hai thế hệ lãnh đạo của VFOSSA đã cùng nhau cắt chiếc bánh sinh nhật, chiếc bánh với logo VFOSSA. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu thêm một năm VFOSSA trưởng thành mà còn thể hiện sự kế thừa và phát triển bền vững của cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam.
Tác giả: Thủy Nguyễn Bích
Ý kiến bạn đọc