Tại Đại hội Nhiệm kỳ II CLB Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam diễn ra ngày 16/3/2014 ở Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ I (từ 2012 đến nay) cho biết VFOSSA sẽ cùng với Viện Tin học nhân dân xây dựng và triển khai dự án Trung tâm Đào tạo và phát triển PMNM với mục tiêu xây dựng các chương trình dạy học và cấp chứng chỉ PMNM cho cộng đồng, qua đó sẽ phát triển thêm đội ngũ nhân lực có kỹ năng, trình độ về PMNM để triển khai mạnh ứng dụng PMNM trong cuộc sống, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước nhằm tiết kiệm chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng, tăng sự chủ động về công nghệ, đảm bảo an toàn an ninh,... Hiện tại, ở Việt Nam vẫn thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cao về PMNM, hiểu biết về hệ sinh thái phần mềm tự do nguồn mở, có khả năng tham gia, thực hiện các dự án CNTT lớn trong nước, và có thể đóng góp trở lại cộng đồng PMNM thế giới.
|
Đại hội nhiệm kỳ II VFOSSA vừa diễn ra ngày 16/3/2014 với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu. Ảnh: X.B. |
Cũng trong nhiệm kỳ II, VFOSSA sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá PMNM và nhãn hiệu "VFOSSA certified" (chứng nhận VFOSSA) cho các sản phẩm nguồn mở đạt chuẩn mực nguồn mở theo thông lệ quốc tế.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về phần mềm tự do nguồn mở qua các phương thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, các cuộc thi,... VFOSSA sẽ tích cực tư vấn chính sách về CNTT cho cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những nội dung liên quan đến PMNM, nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho phần mềm tự do nguồn mở với các phần mềm đóng, tham gia các hội đồng thẩm định, đánh giá PMNM, khuyến cáo sử dụng PMNM trên diện rộng,....
Ngoài ra, sẽ đề xuất Chính phủ cho phép đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức PMNM khu vực và quốc tế, đưa một số sự kiện phần mềm tự do nguồn mở lớn trên thế giới về tổ chức tại Việt Nam hoặc mời các chuyên gia, nhân vật nổi tiếng của các cộng đồng PMNM quốc tế đến thăm và thuyết trình tại Việt Nam.
Dự kiến, VFOSSA sẽ xúc tiến vận động thành lập Hiệp hội PMNM Việt Nam hoặc Hiệp hội Nguồn mở Việt Nam như một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân, thay vì chỉ là Câu lạc bộ thuộc Hội Tin học Việt Nam như hiện nay.
VFOSSA được thành lập từ năm 2012, hiện đã có hơn 100 hội viên cá nhân và 33 hội viên tập thể, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, CMC,.. song hầu hết vẫn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa hình thành được liên minh doanh nghiệp PMNM thực sự đủ mạnh để có thể đáp ứng nhu cầu hỗ trợ triển khai phát triển và ứng dụng PMNM của cộng đồng.
Chiều ngày 16/3/2014, Đại hội VFOSSA nhiệm kỳ I đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ II với 25 ủy viên. Ông Nguyễn Hồng Quang tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ II với 100% phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ II.