Mặc dù đối với đa số người dùng, nói “mã nguồn mở”, “phần mềm nguồn mở” hay “phần mềm tự do nguồn mở” là tương đương nhau nhưng thực tế chúng là những khái niệm khác nhau. Phần mềm tự do nguồn mở là một thuật ngữ bao gồm cả phần mềm tự do (free software) và phần mềm nguồn mở (open source software, viết tắt là OSS). Phần mềm tự do nguồn mở cung cấp cho người sử dụng 4 quyền: quyền sử dụng (use), sao chép (copy), nghiên cứu (study), sửa đổi (change) và cải tiến phần mềm thông qua kho mã nguồn được cung cấp của phần mềm.
Lợi ích của việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phần mềm tự do nguồn mở là điều không phải bàn cãi. Mặc dù vậy, sau khi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời, dưới sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng sử dụng phần mềm tự do nguồn mở, cho đến nay, việc ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam vẫn loay hoay ở điểm xuất phát và dường như chưa tìm thấy một hướng đi phù hợp. Dẫu rằng đây đó đã xuất hiện một vài mô hình thành công, tuy nhiên, với phần mềm tự do nguồn mở, bấy nhiêu là chưa đủ để tạo động lực thúc đẩy quá trình ứng dụng và phát triển diễn ra mạnh mẽ.
Động lực nào thúc đẩy sự phát triển của phần mềm tự do nguồn mở?
Phần mềm tự do nguồn mở vốn là phong trào được sinh ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của các viện, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, với bản chất là phi lợi nhuận và mục đích khoa học được đặt lên hàng đầu, vì thế phần mềm tự do nguồn mở nó tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ và nó nhanh chóng lan sang khối người dùng thông thường (sử dụng như một sản phẩm miễn phí) và khối doanh nghiệp (sử dụng như một công cụ phát triển doanh nghiệp hoặc công cụ kinh doanh). Như vậy có thể coi khối giáo dục nói chung, các trường đại học và viện nghiên cứu nói riêng phải là cái nôi của phần mềm tự do nguồn mở. Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam, xuất phát điểm của phần mềm nguồn mở không phải từ khối giáo dục. Không những thế, nguồn nhân lực và nơi tập trung hầu hết trí tuệ và chất xám của chúng ta đang được đào tạo bằng giáo trình giới thiệu những công nghệ và phần mềm độc quyền. Hệ quả là tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng phần mềm lậu phổ biến đến mức trở thành một phần quá đỗi bình thường; lực lượng trí thức không được đào tạo sử dụng phần mềm nguồn mở nên chỉ biết đến phần mềm độc quyền, doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “có thế nào sử dụng thế ấy” và tiếp tục “theo lao” là vi phạm bản quyền từ những phần mềm nhỏ nhất...
Cơ quan quản lý giáo dục đã có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong giáo dục (ví dụ như 08/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 01-03-2010 quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục) tuy nhiên những động thái này tỏ ra không hiệu quả trong việc đẩy mạnh ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở chứ chưa nói tới việc tiến tới là đào tạo học sinh, sinh viên sử dụng phần mềm nguồn mở.
Có một giải pháp toàn diện có thể giải quyết triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền, đồng thời giúp xây dựng nguồn nhân lực biết sử dụng phần mềm nguồn mở, mở lối cho phần mềm nguồn mở phát triển trong khối giáo dục và là chất xúc tác cho việc ứng dụng phần mềm nguồn mở vào hoạt động của các doanh nghiệp, giải pháp này đã được chỉ ra trong các tham luận tại Hội thảo ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở 2013 tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Nội ngày 26/04/2013 vừa qua, đó là đưa phần mềm nguồn mở vào đào tạo cho học sinh, sinh viên. Cụ thể: đối với khối không chuyên có thể thay thế toàn bộ giáo trình hướng dẫn sử dụng phần mềm độc quyền bằng các giáo trình hướng dẫn sử dụng phần mềm nguồn mở tương đương; riêng khối nhân lực chuyên công nghệ thông tin phải đào tạo về quy trình phát triển phần mềm nguồn mở, đưa vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và giải pháp sử dụng phần mềm tự do nguồn mở, giấy phép phần mềm nguồn mở, giấy phép tài liệu tự do vào trong giáo trình như một môn học bắt buộc của chuyên ngành công nghệ thông tin.
Bằng cách này chúng ta đồng thời giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc: có nguồn nhân lực biết sử dụng phần mềm nguồn mở sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, nhanh chóng giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền trong cả khối giáo dục và doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển của phần mềm nguồn mở trong nước...
Bên cạnh đó, sự hiểu biết về phần mềm tự do nguồn mở và về tài liệu tự do sẽ dẫn theo nhiều lợi ích giúp thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo hướng tích cực hơn. Ví dụ như sách giáo khoa phổ cập giáo dục hoàn toàn có thể được cung cấp theo giấy phép tài liệu tự do, giúp nhiều người có thể tiếp cận chúng tự do, miễn phí (không mất tiền mua sách để có được sách mà có thể sử dụng bất kỳ bản sao nào phù hợp).
Lối đi nào cho doanh nghiệp ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở?
Xin tạm thời tách ra 2 nhóm là nhóm ứng dụng phần mềm nguồn mở (sử dụng phần mềm nguồn mở như một giải pháp cho công việc của doanh nghiệp – số này tương đối nhiều và sử dụng tương đối thành công) và nhóm thứ 2 là nhóm các doanh nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở.
Nhóm các doanh nghiệp ứng dụng phần mềm nguồn mở tương đối nhiều, nó cũng muôn hình vạn trạng, nằm ở nhiều khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là việc Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel sử dụng hệ điều hành Ubuntu trong hoạt động kinh doanh của mình suốt nhiều năm qua đã giúp tiết kiệm chi phí không nhỏ và còn nâng cao hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp. Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta đi sâu phân tích vào nhóm doanh nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở.
Nhóm các doanh nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở có 2 dạng: dạng thứ nhất là tham gia vào việc phát triển phần mềm hoặc cung cấp dịch vụ triển khai trên nền những phần mềm nguồn mở có sẵn (dạng doanh nghiệp này hiện nay tương đối nhiều, họ có thể thừa nhận hoặc không thừa nhận việc này) và dạng thứ hai là trực tiếp lãnh đạo sự phát triển của phần mềm nguồn mở (dạng này ở Việt Nam tương đối hiếm vì hiện nay ngoài phần mềm NukeViet có thời gian tồn tại tương đối lâu còn hầu hết các phần mềm nguồn mở khác đều đã ngưng phát triển, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hậu thuẫn cho phần mềm cũng đã đóng cửa hoặc chuyển hướng hoạt động).
Một thực tế rằng trong khi chờ đợi vấn đề được giải quyết từ gốc thì các doanh nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở vẫn phải tìm cách tồn tại.Và ít nhiều vì sự sinh tồn của mình, nhiều doanh nghiệp đã làm cho mô hình phát triển phần mềm nguồn mở trong doanh nghiệp mình trở lên méo mó. Sự méo mó này là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp làm phần mềm nguồn mở chết nhanh hơn và nhanh chóng chuyển sang con đường khác.
Để phát triển phần mềm tự do nguồn mở, đa số phần mềm nguồn mở ở nước ngoài đi theo mô hình xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển cho phần mềm, các quỹ này được dây dựng dựa vào đóng góp tình nguyện của cộng đồng (bao gồm doanh nghiệp, người sử dụng và các nhà hảo tâm), điển hình cho mô hình này là Quỹ phần mềm tự do (Free Software Foundation -FSF) sử dụng để hỗ trợ phát triển phần mềm tự do trong Dự án GNU hoặc Open Source Matters, Inc (tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho dự án Joomla!)... Một mô hình khác cũng phổ biến không kém, đó là sử dụng doanh nghiệp tài trợ cho dự án phát triển phần mềm, doanh nghiệp này sẽ đứng ra để bảo đảm cho sự phát triển của phần mềm cũng như tham gia trong việc dẫn dắt dự án phần mềm (trong đó có việc tham gia của các doanh nghiệp khác), điển hình cho mô hình này là Red Hat, Inc (công ty hỗ trợ phần mềm Red Hat Enterprise Linux, doanh nghiệp 100% PMNM đầu tiên trên thế giới đạt doanh thu trên 1 tỷ USD/năm) hoặc Công ty TNHH Canonical (doanh nghiệp hỗ trợ phần mềm Ubuntu)...
Ở Việt Nam hoàn toàn không thể áp dụng mô hình hoạt động dành cho quỹ vì quy mô dự án trong phạm vi quốc gia thường không huy động được quyên góp tài chính đủ lớn từ người sử dụng để duy trì sự phát triển của phần mềm, mặt khác thủ tục pháp lý cho việc thành lập 1 quỹ đứng dưới tên một tổ chức phi lợi nhuận chưa thực sự dễ dàng. Chính vì vậy con đường phát triển phần mềm nguồn mở duy nhất ở Việt Nam hiện nay là sử dụng mô hình doanh nghiệp để quản lý và dẫn dắt phần mềm nguồn mở, đây chính là mô hình mà phần mềm nguồn mở NukeViet (www.nukeviet.vn) đã áp dụng tương đối thành công. Hướng đi là vậy, tuy nhiên việc phát triển như thế nào lại phụ thuộc vào chiến lược và tầm nhìn dài hạn của từng doanh nghiệp, và nó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp và thậm chí là chính sự tồn vong của bản thân phần mềm nguồn mở đã lựa chọn doanh nghiệp để hậu thuẫn (rất nhiều phần mềm nguồn mở ở Việt Nam không đạt được điều này và đã dừng phát triển).
Nhưng cho dù mô hình và hướng đi như thế nào đi chăng nữa, con đường cho sự phát triển phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật phát triển phần mềm tự do nguồn mở trên thế giới - quy luật “ngược lên dòng trên” (upstream) - quy luật này đồng thời cũng mô tả quy trình để một lập trình viên hoặc một công ty sau khi sửa đổi và cải tiến cho phần mềm trong quá trình sử dụng thì đồng thời sẽ có những đóng góp những sửa đổi đó trở ngược lại cho dự án và giúp dự án ngày một phát triển tốt hơn. Quy luật này điều tiết sự hội tụ công nghệ trong một phân mềm nguồn mở, bất cứ sự rẽ nhánh nào cũng ít nhiều gây ra chia rẽ cho phần mềm nguồn mở, và nếu doanh nghiệp duy trì nhánh rẽ đó không tốt, không những nhánh rẽ đó dừng phát triển mà còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người sử dụng phần mềm thuộc nhánh rẽ đó.
Giải pháp cho việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở cho các cơ quan nhà nước?
Sau rất nhiều các hội thảo về triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước thì một nhận xét chung là phần mềm nguồn mở dường như vẫn dẫm chân tại chỗ với nhiều lý do: thiếu kinh phí, thiếu nguồn lực, thói quen sử dụng phần mềm...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ quyết tâm ứng dụng mà còn có những động thái bước đầu ủng hộ cho việc phát triển phần mềm nguồn mở.
Do đặc thù triển khai nặng về thủ tục hành chính nên việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cho các cơ quan nhà nước cần có cơ chế riêng đế có thể đáp ứng được điều này. Một loạt những giải pháp sau đây cầm phải áp dụng để các dự án ấy đạt được hiệu quả:
- Giám sát chặt chẽ và triệt để trong việc triển khai các quy định về chuẩn mở, định dạng mở đã ban hành.
- Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng phần mềm nguồn mở và ưu tiên các giải pháp phần mềm nguồn mở tương đương.
- Ban hành chính sách về mua sắm/ sử dụng dịch vụ và định mức/ chi phí dịch vụ cho phần mềm nói chung (vì PMTDNM kinh doanh chủ yếu dưa vào dịch vụ).
- Công khai các thông tin về các dự án/gói thầu do các đơn vị đặt hàng sử dụng phần mềm tự do nguồn mở (để tăng tính cạnh tranh và cũng là đảm bảo dự án được triển khai dựa trên PMTDNM).
- Tìm đơn vị tư vấn độc lập cho việc giám sát các gói thầu phần mềm nguồn mở để đảm bảo nó tuân thủ theo đúng quy trình phát triển phần mềm nguồn mở (nhằm đảm bảo dự án được triển khai đúng theo quy trình phát triển PMTDNM).
Trong bối cảnh các dự án và gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy phần mềm nguồn mở phát triển, cơ quan nhà nước cần có đơn vị tư vấn độc lập đủ chuyên môn và khách quan để theo dõi và đảm bảo kinh phí đầu tư cho phát triển phần mềm nguồn mở được rót đúng chỗ, đúng lúc. Có như vậy, nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở mới phát huy được tối đa giá trị của nó. Đặc biệt, cần tránh việc tự các trung tâm công nghệ thông tin trực thuộc chính các cơ quan quản lý nhà nước tự mình triển khai và cạnh tranh với các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở.
Sự ra đời của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) trong thời gian gần đây đã bước đầu thu hút các thành viên là các doanh nghiệp có cùng mối quan tâm đối với phần mềm tự do nguồn mở. VFOSSA đang dần phát huy vai trò là một tổ chức chuyên môn đủ năng lực và uy tín để giúp các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc ứng dụng các phần mềm nguồn mở, tư vấn, giám sát các dự án/gói thầu một cách độc lập, giúp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình triển khai dự án phần mềm nguồn mở.
Có nhiều phương pháp và tiêu chí để đánh giá một dự án phần mềm nguồn mở. Một trong các phương pháp đánh giá hay được sử dụng đó là phương pháp Tính chỉ số khả năng một dự án PMTDNM đang trên con đường dẫn tới Thất bại – Points of FAIL. Phương pháp này sẽ sử dụng một thang điểm chi tiết cho mỗi tiêu chí, điểm càng lớn nghĩa là dự án càng đang tiến gần đến điểm “Chết” và giải pháp cho nó chính là tìm phương án điều chỉnh để giảm điểm chết của dự án. Trên thực tế, để phân biệt và đánh giá một phần mềm tự do nguồn mở đơn giản chỉ cần đặt 3 câu hỏi: Phần mềm có được phát hành theo giấy phép phần mềm tự do nguồn mở hay không? Có kho mã nguồn công khai trên internet hay không? Có cộng đồng người dùng hay không? Với 3 câu hỏi đơn giản này, chúng ta dễ dàng điểm mặt, chỉ tên các phần mềm “mạo danh” phần mềm nguồn mở.
Bài đăng tại Trang 14-18, tạp chí CNTT&TT (ISSN 1859 - 3550) kỳ 2 (8.2013)
Nguồn tham khảo:
- Các tài liệu trong Hội thảo ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở 2013
- Thuật ngữ và mô hình “ngược lên dòng trên” được mô tả trong bài “Mô hình phát triển và ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở bền vững” đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 05/2013, trang 58-63
- “NukeViet bắt đầu được cung cấp như một dịch vụ (SaaS)” – bài viết đăng trên trên tạp chí TH&ĐS số tháng 5/2013
- How to tell if a FLOSS project is doomed to FAIL (Tính chỉ số khả năng một dự án PMTDNM đang trên con đường dẫn tới Thất bại)
Tác giả: Nguyễn Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn