Làn sóng internet của vạn vật: Khuyến nghị chiến lược để Việt Nam tham gia và thắng lợi

Thứ tư - 14/10/2015 05:09
Theo báo cáo tháng 6/2015 của McKinsey về Internet of Things, thì IoT có tiềm năng ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội và hướng tới doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.
LTS: Internet of Things (IoT) được Hãng nghiên cứu Gatner đánh giá là ngành có doanh thu hàng chục tỷ USD trong vòng 5-10 năm tới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho IoT, có thể có những sản phẩm IoT không chỉ dùng cho Việt Nam? Báo Khoa học và Phát triển giới thiệu một góc nhìn mới về IoT của ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty DTT, đối tác đầu tiên của Intel tại Việt Nam về IoT. Trong loạt bài viết này, ông Trung đưa ra một số phân tích nhằm phát triển IoT tại Việt Nam trên cơ sở ứng dụng và quan trọng hơn là trên cơ sở phát triển công nghiệp, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị của IoT. Trên cơ sở những phân tíchnày, ông Trung đưa ra khuyến nghị về chiến lược phát triển công nghiệp IoT Việt Nam.
BÀI 1: IOT- XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ TIỀM NĂNG NHẤT THẾ GIỚI
Chiếc máy bán Coca-cola tự động tại khoa Khoa học máy tính của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) năm 1982 có thể là một trong những “vật” đầu tiên được kết nối Internet để phục vụ sinh viên tốt hơn. Sinh viên trong toàn tòa nhà qua Internet có thể theo dõi máy còn nước hay không trước khi chạy một quãng đường dài tới máy để mua. Chiếc máy này đã đi vào lịch sử của làn sóng Internet của vạn vật (IoT), một làn sóng đang và sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống.
IoT đang đứng trên đỉnh cao nhất
Theo báo cáo tháng 6/2015 của McKinsey về Internet of Things có tên là Mapping the value beyond the hype - định ra các giá trị Internet của vạn vật bỏ qua những sự phóng đại, thì IoT có tiềm năng ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội và hướng tới doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.
Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty DTT, giới thiệu với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Quân về bài viết này trên báo Khoa học và Phát triển.
Nguyễn Thế Trung (phải) - Tổng giám đốc Công ty DTT - giới thiệu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng các quan khách bài về bài viết này trên báo Khoa học và Phát triển. Ảnh: Lê Loan
Báo cáo đưa ra tổng kết là chúng ta (ở đây là thế giới và bao gồm cả nước Mỹ) đang đánh giá tiềm năng của IoT thấp hơn thực tế, bởi IoT không chỉ có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, mà nó còn tạo ra nhiều ý niệm và lĩnh vực mới trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh.
Giống như các làn sóng công nghệ khác, độ trễ của Việt Nam thường dẫn tới tình trạng chúng ta chỉ biết về một làn sóng khi nó đã lên tới đỉnh của sự nổi tiếng và sẽ giảm dần sự đánh bóng (hype) để đi vào sự phát triển chuyên nghiệp. Một loạt hội thảo tại Việt Nam về IoT vào quý III năm 2015 là minh chứng cho điều này. Việc này vừa có điểm mạnh, vừa có điểm yếu; điểm mạnh là chúng ta tương đối an toàn trong ứng dụng công nghệ mới, nhưng điểm hạn chế là có thể chúng ta sẽ chậm chân trong việc tham gia chuỗi giá trị của làn sóng công nghệ mới.
Theo biểu đồ Gartner Hype Cycle 2015, Internet of Things đang được kỳ vọng mang lại doanh thu hàng chục tỷ USD trong vòng 5-10 năm tới.
Theo biểu đồ Gartner Hype Cycle 2015, Internet of Things đang được kỳ vọng mang lại doanh thu hàng chục tỷ USD trong vòng 5-10 năm tới.
Trong biểu đồ Gartner Hype Cycle 2015, Internet of things hiện đang đứng trên đỉnh cao nhất, điều đó có nghĩa là nó đang nhận được sự chú ý lớn nhất và phần nào đang trong trạng thái bị thổi phồng.
Trong biểu đồ này, IoT cũng được đánh giá là công nghệ đột phá nhất và có nhiều cơ hội nhất trong vòng 5 năm tới. Năng lực lớn nhất của IoT là khả năng biến dữ liệu thành hành động không cần tới những thực thể đứng giữa (như con người hay máy móc).
Việc IoT đứng ở điểm cao nhất trong biểu đồ là kết quả của rất nhiều hoạt động mang tính ảnh hưởng toàn cầu đẩy mạnh thương hiệu IoT. Trong đó, dĩ nhiên phải kể tới các sáng kiến và các động thái của các hãng công nghệ và ngành công nghiệp lớn nhất thế giới tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Tại châu Âu, mặc dù tới tháng 3 năm 2015 Ủy ban châu Âu mới tạo ra các liên minh cho Internet of Things Innovation (AIOTI), nhưng các chương trình về IoT đã được ủy ban thực hiện từ năm 2009.
Đặc biệt trong lĩnh vực đô thị thông minh, các thành phố của Tây Ban Nha, Phần Lan hiện đang dẫn đầu trong việc tạo ra các phiên bản mới của đô thị thông minh sử dụng IoT. Chính phủ Đức đã đưa ra tầm nhìn chú trọng về IoT: “Industrie 4.0”. Đây là một tầm nhìn có thể giúp Đức lấy lại thị phần từ châu Á và cho phép tập trung vào công việc có giá trị gia tăng cao. “Industrie 4.0” khá giống với “Internet công nghiệp” - một thuật ngữ được phát minh bởi General Electric để mô tả công nghiệp IoT. Lấy cảm hứng từ Industrie 4.0, Chính phủ Phần Lan đã công bố một báo cáo nghiên cứu và tầm nhìn 2020, trong đó Phần Lan sẽ trở thành thung lũng Silicon của IoT - một môi trường linh hoạt với các quy định, hệ thống thuế, giáo dục và cơ sở hạ tầng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới của công ty trong nước và nước ngoài.
Tại Mỹ, sự kiện tháng 1/2014 Google sáp nhập Nest - công ty chuyên làm về IoT cho nhà thông minh - với mức giá hơn 3 tỷ USD đánh dấu sự chín muồi về thương mại của IoT tại thị trường lớn nhất thế giới này. Sau đó Google cùng Qualcom, Cisco sáng lập ra liên minh AllSeen - một liên minh theo chuẩn nguồn mở cung cấp tiêu chuẩn và nền tảng cho IoT - với mục tiêu ban đầu tập trung vào IoT trong nhà thông minh. Với tham vọng lớn hơn, Intel, Samsung, Google, IBM, GE cũng đã thiết lập nên liên minh OIC và IIC nguồn mở để đưa ra các chuẩn kết nối IoT với một cách tiếp cận rộng hơn cho các ứng dụng trong xã hội, công nghiệp, nhà thông minh và đặc biệt cho tích hợp liên hệ thống IoT.
Hiện nay, ngay tại châu Á, nhiều nền kinh tế đã có những chiến lược, kế hoạch để tiến sâu vào IoT. Trong đó cần kể đến kế hoạch trở thành đất nước thông minh của Singapore, kế hoạch tổng thể phát triển IoT của Malaysia và hệ sinh thái các doanh nghiệp IoT tại Đài Loan và Hàn Quốc.
Phần mềm nguồn mở định dạng tương lai của công nghệ và an ninh
Tuy nhiều tiềm năng như vậy, IoT cũng đã bộc lộ những vấn đề của nó. 2015 đang là một năm khó khăn cho Internet of Things.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra lỗ hổng bảo mật đáng sợ trong các sản phẩm khác nhau - từ xe hơi đến cửa nhà để xe đến ván trượt. Các sự cố cúp điện tại các tiện ích dịch vụ nhà thông minh của Wink và Google Nest tạo ra những khủng hoảng đáng kể với người sử dụng.
Sự kiện Volkswagen lừa dối bằng cách dùng phần mềm để điều chỉnh giảm hàng chục lần lượng khí thải khi kiểm tra nhằm qua mặt cơ quan đánh giá tiêu chuẩn đã đặt ra một vấn đề về những phần mềm đang điều khiển những đồ vật chúng ta sử dụng hằng ngày, hay nói cách khác, đây là một vấn đề của Internet of things.
Vấn đề này không chỉ đặt ra những yêu cầu về an toàn, bảo mật, an ninh thông tin, đảm bảo tính riêng tư mà nó còn đụng tới một vấn đề cốt lõi của hệ sinh thái IoT, đó là quan điểm cần nguồn mở hóa IoT. Hai liên minh hàng đầu về IoT là AllSeen và OIC đều chọn phương thức nguồn mở, AllSeen sử dụng giấy phép ISC và OIC-IOtivity sử dụng giấy phép Apache 2.0.
Các nền kinh tế muốn phát triển về công nghiệp IoT như Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đều nhấn mạnh tính mở trong hệ sinh thái IoT và đi đầu trong việc tham gia các liên minh nguồn mở nói trên. Như vậy, nguồn mở và hệ sinh thái nguồn mở là những yếu tố cần được quan tâm khi Việt Nam đi vào IoT.
Về nguồn mở và phần mềm mã nguồn mở, dựa trên phản hồi của 1.300 chuyên gia và nhân viên kinh doanh CNTT trên toàn ngành công nghiệp, kết quả từ khảo sát tương lai của nguồn mở phản ánh việc nguồn mở ngày càng được áp dụng rộng rãi và sự gia tăng nhanh chóng của các tổ chức tham gia vào cộng đồng mã nguồn mở.
Có đến 78% số người được hỏi cho biết công ty của họ chạy một phần hoặc tất cả các hoạt động của mình trên phần mềm mã nguồn mở và 66% nói rằng công ty của họ tạo ra phần mềm cho khách hàng xây dựng trên mã nguồn mở. Điều này gần như tăng gấp đôi số người được hỏi - 42% - trong năm 2010.
93% ứng dụng nguồn mở trong tổ chức của họ tăng hoặc vẫn giữ nguyên trong năm qua.
64% các công ty hiện đang tham gia vào các dự án mã nguồn mở - tăng từ 50% trong 2014 và trong vòng 2-3 năm tới, 88% dự kiến sẽ tăng đóng góp để mở các dự án nguồn.
Nguồn mở đã trở thành phương pháp mặc định cho phần mềm với hơn 66% số người được hỏi nói rằng họ xem xét phần mềm nguồn mở (PMNM) trước khi xem xét các lựa chọn khác.
58% tin rằng mã nguồn mở dành những khả năng lớn nhất để mở rộng quy mô và 43% nói rằng PMNM cung cấp sự dễ dàng vượt trội khi triển khai so với phần mềm độc quyền. 55% tin mã nguồn mở cung cấp an ninh ở mức độ cao nhất và con số này dự kiến sẽ tăng lên 61% trong vòng 2-3 năm tới.
Khi đánh giá các công nghệ bảo mật để sử dụng nội bộ, 45% số người được hỏi cho biết tùy chọn mã nguồn mở đang được xem xét đầu tiên. Điện toán đám mây (39%), dữ liệu lớn (35%), hệ điều hành (33%), và Internet of Things (31%) dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi nguồn mở trong 2-3 năm tới.
Điều rõ ràng nhất là các công nghệ mới hiện nay đều bị chi phối bởi PMNM, đặc biệt chúng ta đều biết trong dữ liệu lớn, không ai có thể quay lại chỉ dùng các hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn đóng mà bỏ qua Hadoop hay Apache Kafka; các hạ tầng điện toán đám mây hiện nay trừ Microsoft (thực ra cũng đã áp dụng Docker một hệ nguồn mở) và VMWare (cũng có phiên bản riêng của PMNM OpenStack) đều chạy trên PMNM. Trên cơ sở này, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng PMNM cũng sẽ là cốt lõi trong làn sóng IoT.
Tới đây, người viết hi vọng đã cung cấp được một số thông tin cho bạn đọc về các kế hoạch phát triển IoT trên thế giới và các xu hướng công nghệ, đặc biệt là PMNM trong IoT.
Trong bài viết phần 2, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích Việt Nam sẽ ứng dụng IoT như thế nào và các thành phần trong CN IoT VN tương tác với nhau như thế nào, nhằm đưa ra một khuyến nghị về việc phát triển IoT tại Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty DTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay8,377
  • Tháng hiện tại182,615
  • Tổng lượt truy cập32,862,907
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây