Dự thảo Điều lệ Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam
Điều khoản đầu tiên
Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam (tên quốc tế theo tiếng Anh là Vietnam Free and Open Source Software Association, viết tắt là VFOSSA), được các thành viên tự nguyện thành lập trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ các tư tưởng của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) thế giới, với mong muốn là nơi kết nối các cộng đồng FOSS ở Việt Nam, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai cùng các nước trên thế giới tới tiến bộ và văn minh.
Phần 1: Tôn chỉ, mục đích
Điều 1:
VFOSSA là một chi hội mang tên Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn Mở Việt Nam thuộc Hội Tin học Việt Nam, tuân thủ tôn chỉ, mục đích và Điều lệ của Hội;
VFOSSA có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc phi chính phủ, phi lợi nhuận, tuân thủ Luật pháp Việt Nam;
VFOSSA hoạt động dưới nhiều hình thức (thương mại hoặc không), trong nhiều lĩnh vực (nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đào tạo và phổ biến kiến thức, quảng bá, phân phối, dịch vụ, sử dụng), trên nhiều phạm vi, ở nhiều hình thái tổ chức linh hoạt, nhằm đề cao vai trò, tư tưởng, ảnh hưởng của FOSS tới xã hội hiện đại, đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng FOSS ở Việt Nam nhằm xây dựng một nền Công nghệ thông tin vững mạnh dựa trên FOSS, đưa các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của FOSS vào cuộc sống.
Phần 2: Tổ chức
Điều 2: Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của VFOSSA. Đại hội Đại biểu họp mỗi năm (hoặc ba năm, hoặc thời gian mở được quyết định tại mỗi kỳ Đại hội, nhưng không quá 5 năm) một lần. Cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội do BCH quyết định.
Mọi quyết định của Đại hội phải được ít nhất 2/3 số đại biểu chính thức có mặt nhất trí.
Đại hội Đại biểu quyết định các vấn đề: sửa đổi Điều lệ, quy định tiêu chuẩn công nhận thành viên tập thể và cá nhân, quy định mức hội phí thành viên, thông qua báo cáo nhiệm kỳ bao gồm cả báo cáo tài chính, quyết định các định hướng hoạt động nhiệm kỳ sau, bầu Ban Chấp hành mới và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Điều 3: Ban Chấp hành do Đại hội Đại biểu bầu ra. Số lượng ủy viên BCH do Đại hội quyết định.
Ban Chấp hành bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch là thành viên của Ban Thường vụ. Số lượng thành viên Ban Thường vụ không vượt quá 1/3 số lượng Ủy viên Ban Chấp hành. Chủ tịch là đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật của VFOSSA.
Ban Chấp hành có trách nhiệm thay mặt Đại hội quyết định cơ cấu, tổ chức và bố trí nhân sự và điều hành, kiểm tra giám sát Ban Thư ký.
Ban Chấp hành có trách nhiệm chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc.
Giúp việc cho Ban Chấp hành là các Ban chuyên môn và Ban Thư ký.
Điều 4: Ban Kiểm tra được Đại hội bầu với số lượng ủy viên do Đại hội quyết định. Ban Kiểm tra hoạt động độc lập với Ban Chấp hành, có trách nhiệm thay mặt toàn thể thành viên kiểm tra các hoạt động của VFOSSA, của Ban Thư ký.
Điều 5: Ban Thư ký được Ban Chấp hành tuyển dụng và bổ nhiệm có thời hạn, là bộ phận chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động thường xuyên của VFOSSA theo pháp luật, chịu trách nhiệm theo chức trách. Ban Thư ký được đề xuất hoặc được tuyển dụng lao động theo quy định của Ban Chấp hành. Tổng Thư ký là đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động thường xuyên của VFOSSA.
Điều 6: VFOSSA hoạt động trong phạm vi cả nước, tham gia các hoạt động quốc tế, có trụ sở tại Hà Nội và văn phòng đại diện tại các địa phương theo quy định của pháp luật.
Điều 7: Tài chính của VFOSSA có nguồn từ đóng góp của các thành viên, các nguồn tài trợ và tích tụ từ các hoạt động xã hội, có tài sản riêng, chế độ tài chính tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Điều 8: Đại hội bất thường và sửa đổi Điều lệ
8.1. Đại hội bất thường phải được BCH triệu tập khi có ít nhất 1/3 số thành viên tập thể và 1/3 số thành viên cá nhân yêu cầu để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền Đại hội. Đại biểu dự đại hội bất thường có số lượng và cơ cấu phân bổ như kỳ ĐH trước đó đã định và do BCH đề xuất.
8.2. Điều lệ chỉ được sửa đổi khi 2/3 số thành viên chính thức có mặt tại Đại hội đại biểu thường kỳ hoặc Đại hội bất thường biểu quyết thông qua, sau đó phải được Hội Tin học Việt Nam công nhận.
Phần 3: Thành viên
Điều 9: VFOSSA có các thành viên là pháp nhân và thể nhân, tự nguyện, tán thành tôn chỉ mục đích, tuân thủ Điều lệ, không bị luật pháp hạn chế, đạt tiêu chuẩn và được BCH công nhận, hoàn thành tốt các hoạt động tham gia dưới danh nghĩa VFOSSA.
Đăng ký gia nhập VFOSSA phải có ít nhất một thành viên VFOSSA giới thiệu và bảo đảm. Ứng viên đăng ký trực tuyến theo mẫu của CLB. Ban Thư ký có trách nhiệm kiểm tra thông tin do ứng viên cung cấp và báo cáo cho BCH phê duyệt. Quyết định kết nạp (hay từ chối) sẽ được gửi lại cho ứng viên qua email trong thời hạn 1 tuần.
Điều 10: Thành viên có trách nhiệm truyền bá tư tưởng FOSS, đóng hội phí hàng năm theo quy định, được huy động vào các hoạt động của VFOSSA, được tham gia các hoạt động xã hội nghề nghiệp của VFOSSA và Hội Tin học VN. Được đề cử làm đại biểu dự Đại hội VFOSSA và Đại hội Hội Tin học VN.
Điều 11: Ra khỏi VFOSSA:
11.1. Rút tên: thành viên có quyền xin rút tên khỏi VFOSSA. Để rút tên, thành viên phải làm đơn và gửi cho Ban Thư ký VFOSSA qua email. Quyết định xóa tên thành viên cũng được gửi cho thành viên trong thời hạn 1 tuần. Trước đó, thành viên phải bàn giao lại cho Ban Thư ký tất cả các tài sản, tài liệu của VFOSSA mà thành viên hiện nắm giữ (nếu có).
11.2. Khai trừ: thành viên bị khai trừ khi không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm ở điều 9, hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu tới VFOSSA hoặc bị pháp luật hạn chế. Việc khai trừ thành viên do Ban Chấp hành quyết định trên cơ sở ít nhất 2/3 số ủy viên tán thành.
Phần 4: Hoạt động
Điều 12: Hoạt động xã hội nghề nghiệp: VFOSSA thực hiện, đề xuất hoặc tham gia các hoạt động của Hội Tin học VN có liên quan tới FOSS trong nước và quốc tế, kể cả việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng năng lực phát triển và ứng dụng FOSS theo hướng bản địa hóa, phát triển sản phẩm đặc thù, các sản phẩm đóng góp trở lại cho cộng đồng FOSS thế giới,...
Điều 13: Hoạt động pháp nhân VFOSSA: thực hiện tất cả các hoạt động liên quan tới FOSS dưới các hình thức theo quy định của pháp luật, phù hợp với năng lực của các thành viên cá nhân hoặc tập thể mà VFOSSA huy động được.
Điều 14: Giải thể: Việc giải thể VFOSSA do Đại hội Đại biểu Toàn Quốc quyết định với sự tán thành của ít nhất 2/3 số đại biểu chính thức có mặt. Việc giải thể VFOSSA chỉ được hoàn tất sau khi các nghĩa vụ đã được thực hiện, và được Hội Tin học VN ra quyết định chuẩn y.
Điều 15: Hiệu lực thi hành: Điều lệ có hiệu lực thi hành từ khi được Hội Tin học Việt Nam ra quyết định công nhận./.
Tải về file đính kèm: duthao-dieulevfossa-beta3.odt (Kích thước: 46.45 KB, Cập nhật: Thứ bảy, 14 Tháng Một 2012, 00:19:51 +07:00)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn