Khuyến nghị chiến lược về IoT: Để Việt Nam thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo

Thứ tư - 14/10/2015 05:22
Trên cơ sở những phân tích về xu hướng công nghệ Internet of Things (IoT), chiến lược IoT của các nước châu Á và thực trạng IoT tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty DTT, đưa ra khuyến nghị một kế hoạch phát triển IoT ở mức cao tại Việt Nam.
Khuyến nghị chiến lược về IoT đối với Việt Nam
Quan điểm: 
Xây dựng một hệ sinh thái IoT sáng tạo và bền vững tại Việt Nam, có khả năng cung cấp các giải pháp toàn diện cho thị trường quốc nội.
Mục tiêu:
Tham gia vào chuỗi cung ứng IoT hướng tới doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo IoT của khu vực.
Chiến lược:
1. Trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo IoT: Chính phủ khởi tạo một hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ và DN khởi nghiệp thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu để định chuẩn và khởi tạo hệ sinh thái này, ưu đãi để thu hút các DN khởi nghiệp của khu vực và thế giới tham gia, tận dụng thế mạnh của nguồn nhân lực và chi phí sản xuất tại Việt Nam.
2. Tạo ra hệ sinh thái sáng tạo mở: Chính phủ tạo định chế hỗ trợ DN khởi nghiệp thông qua việc tạo nền tảng nguồn mở dựa trên phần cứng và phần mềm nguồn mở, mở hóa các dữ liệu công và nêu ra các nhu cầu của xã hội, qua đó DN khởi nghiệp có thể nhanh chóng tạo ra các ứng dụng linh hoạt và phù hợp với nhu cầu xã hội. 
3. Xây dựng lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng và đặc thù: Định hướng thị trường IoT vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, quốc phòng, tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cho các DN vừa và nhỏ để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và hướng tới thị trường quốc tế.
Hiện trạng IoT Việt Nam
Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng từ lâu, tuy nhiên hiện chưa có ứng dụng thực sự nào có ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội Việt Nam. Trong thời gian tới, các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh được dự báo sẽ trở nên phổ biến, có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Thế Trung có những khuyến nghị chiến lược rất đáng chú ý về IoT. Ảnh: H.L.A
Đó là về ứng dụng, còn từ góc độ công nghiệp thì hầu hết các hệ thống ở trên nếu dùng công nghệ IoT đều là của các DN nước ngoài, các DN trong nước cơ bản mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính. Và đặc biệt, các thiết bị phần cứng thì hầu hết là nhập khẩu như camera, thiết bị rfid, các cảm biến hóa học.
Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam khó còn cơ hội để chen vào lớp 1 trong hệ sinh thái công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) (các nhà cung cấp thành phần cho các hạ tầng truyền thông) - nơi đã chật hẹp với các nhà cung cấp như Cisco, Huawei, HP, Dell... Đáng nói là các DN Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT đã làm tốt ở lớp 2 (các nhà vận hành hạ tầng truyền thông) và vì vậy, sự tập trung của chúng ta sẽ là vào lớp 3 (nhà cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung).
Trên thế giới, sự thay đổi tại lớp 3 đang dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ tại lớp 1. Tại Việt Nam, những thay đổi này cũng đang diễn ra dù chưa trên toàn cục nhưng ở một lĩnh vực nhỏ hơn và theo một cách khác, đó là lĩnh vực chính quyền điện tử.
Trong mô hình này, Việt Nam đã làm chủ cả lớp 2 và lớp 3, vì vậy đã bắt đầu có những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chính quyền điện tử. Chính phủ đã lên kế hoạch để đến hết năm 2016 có được 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho toàn quốc. Đây là một kế hoạch tham vọng, tuy nhiên nó khả thi vì các DN Việt Nam đã làm chủ được lĩnh vực này.
Mặc dù nền tảng phát triển chính quyền điện tử nguồn mở (OEP) mới chỉ được triển khai tại một số bộ, ngành, địa phương nhưng nó cũng đã góp phần tạo cú hích để các đơn vị khác có những đầu tư nghiêm túc vào các công nghệ trong chính quyền điện tử, ví dụ như Viettel, HCM Egov FrameWork,... Điều này là minh chứng cho sự hình thành hệ sinh thái sáng tạo trong chính quyền điện tử mà người sử dụng - chính quyền và người dân - đã ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn. Việc chính quyền điện tử phát triển cũng đã tạo ra cơ hội để các công ty Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Điều cần cải thiện trong mô hình phát triển chính quyền điện tử Việt Nam đó là sự thiếu vắng của các DN khởi nghiệp - vốn là nguồn lớn nhất của sáng tạo. Trong thời gian tới, nếu Chính phủ có những chính sách hợp lý, hoàn toàn có thể tạo ra sự bùng nổ sáng tạo của các DN khởi nghiệp để mang lại những ứng dụng, nội dung nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của người dân, DN. Chính quyền điện tử sẽ có hiệu quả hơn nhiều lần nếu có những ứng dụng trên điện thoại di động dễ dàng sử dụng, tương tác với chính quyền. Dữ liệu khi được chia sẻ (theo mô hình dữ liệu mở - open data) sẽ được các DN khởi nghiệp khai thác một cách sáng tạo để tạo ra các ứng dụng.
Nếu Chính phủ chưa tạo ra những cơ chế cho việc này thì các DN khởi nghiệp sẽ phải chờ đợi các DN tại lớp 3 phát triển các nền tảng cho phép họ truy cập, tích hợp và sử dụng dữ liệu một cách nhanh chóng. Điều này còn tùy thuộc vào thiện chí và năng lực của các DN ở lớp 3. Tuy nhiên, dẫu sao thì hệ sinh thái đã hình thành và đây chỉ là vấn đề thời gian.
Kinh nghiệm rút ra từ các phân tích trên cho thấy hiện nay, lớp 3 đóng vai trò quyết định trong việc phát triển hệ sinh thái sáng tạo tại Việt Nam.
Việt Nam có thể nội địa hóa các sản phẩm IoT tới đâu?
Có thể nói đây là thời điểm sống còn để bàn về việc tham gia chuỗi giá trị IoT, bởi:
1. IoT đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển, chưa được định hình hoàn toàn, đặc biệt là các chuẩn công nghiệp trong kết nối và bảo mật.
2. Số lượng thiết bị IoT cho thị trường Việt Nam còn ở mức thấp, chưa đủ hấp dẫn để các hãng quốc tế tập trung cung cấp giải pháp toàn diện.
Chính vì vậy, cơ hội để các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị là rất lớn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi toàn ngành KH&CN Việt Nam cần vào cuộc. Bởi vì giải pháp IoT không chỉ là phần mềm, phần cứng tiêu chuẩn mà còn là các phần cứng đặc thù. Có thể thấy ngay, các hệ thống này liên quan tới các ngành vật liệu, hóa học, sinh học, vật lý, y tế và đây chính là cơ hội cho các ngành KH&CN tại Việt Nam phải phối hợp để làm ra những ứng dụng hữu ích. Hãy nghĩ về nông nghiệp - một thế mạnh chiến lược của Việt Nam - để thấy tiềm năng lớn tới mức nào.
Khi các nhà khoa học vào cuộc cùng đội ngũ công nghệ thì việc nội địa hóa sản phẩm IoT mới thành hiện thực, nó có thể là một hiện thực rất tươi sáng.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm ra những thiết bị 100% Việt Nam như Công ty Mimosa đã làm với cảm ứng độ ẩm, nhiệt độ trong nông nghiệp hay DTT đã làm với các bộ TUHOC STEM trong giáo dục và chúng ta hoàn toàn có thể tiến tới các thiết bị phức tạp hơn như rfid của Icdrec hay thậm chí là những IP camera thông minh tiên tiến nhất.
Đây là lý do để chúng ta tin rằng công nghiệp IoT tại Việt Nam có cơ hội phát triển, ít nhất là phục vụ phần lớn nhu cầu quốc nội.

Tác giả: Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty DTT

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay5,870
  • Tháng hiện tại90,220
  • Tổng lượt truy cập32,087,903
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây