Chiến lược phát triển hệ sinh thái IoT: Bài học từ Hàn Quốc, Malaysia

Thứ tư - 14/10/2015 05:19
Ý thức được tiềm năng của Internet of Things (IoT), nhiều quốc gia châu Á - đặc biệt là Malaysia và Hàn Quốc - đã sớm có chiến lược phát triển lĩnh vực này và vạch ra những mục tiêu đầy tham vọng trong thời gian tới.
Hàn Quốc vạch ra những mục tiêu chiến lược đầy tham vọng về IoT. Ảnh: Whowired
Hàn Quốc vạch ra những mục tiêu chiến lược đầy tham vọng về IoT. Ảnh: Whowired
IoT trong hệ sinh thái ICT
Để có góc nhìn hệ thống, ta phân tích từ mô hình hệ sinh thái công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) trên thế giới. Hệ sinh thái này gồm 4 thành phần.
Nếu sắp xếp 4 thành phần này thành 4 lớp theo thứ tự được đánh số ta sẽ có: Lớp 1 - các nhà cung cấp thành phần cho các hạ tầng truyền thông, lớp 2 - các nhà vận hành hạ tầng truyền thông, lớp 3 - nhà cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung và lớp 4 – người tiêu dùng.
Cuộc cách mạng Internet đã làm cho vai trò của lớp 3 bứt lên, trở thành nơi tạo ra doanh thu và lợi nhuận lớn nhất; những công ty tại đây đã lớn tới mức có thể đàm phán với lớp 2 và đặc biệt tạo ra các lựa chọn thay thế tại lớp 1. Ví dụ, Facebook, Google, Apple đều có những thỏa thuận 2 chiều với các nhà cung cấp hạ tầng mạng.
Hơn thế nữa, họ cũng đang tạo ra những cấu phần thuộc lớp 2 của chính họ như dự án X của Google dùng khinh khí cầu cung cấp Internet và dự án cung cấp Internet miễn phí của Facebook.
Các công ty dẫn đầu trong lớp 3 cũng đã định nghĩa lại các tiêu chuẩn của lớp 1 và tạo ra những thị trường mở cho các công nghệ mở với giá tốt hơn và sáng tạo hơn.
Với Google, đó là các nền tảng phần mềm middleware nguồn mở như hệ điều hành điện toán đám mây hay các nền tảng dữ liệu lớn như Hadoop và với Facebook, đó là open source hardware - phần cứng nguồn mở.
Sự thay đổi tại lớp 3 cũng dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ tại lớp 1. Đó là việc IBM bán đi bộ phận máy tính cá nhân, HP cũng có thể đang làm điều tương tự.
Ngoài ra, nó còn tạo cơ hội cho những hãng trước kia chỉ làm gia công như các công ty Trung Quốc và Ấn Độ có thể bán thẳng sản phẩm của mình cho Facebook hay Google mà không cần trả chi phí cho nhãn hiệu hàng hóa như trước kia.
Tham vọng của Hàn Quốc, Malaysia
Chính phủ Malaysia đề ra tầm nhìn trở thành trung tâm chất lượng cao về IoT của khu vực, với nhiệm vụ tạo ra một hệ sinh thái IoT cho phép sự phát triển nhanh của ứng dụng và công nghiệp hóa IoT thành một nguồn động lực mới của nền kinh tế.
Để làm việc này, họ đưa ra 3 chiến lược, bao gồm:
1. Tạo ra một hệ sinh thái có lợi về công nghiệp IoT: Liên tục phát triển các định chế hỗ trợ các công nghệ IoT; đến 2020, tăng cường các cơ chế hỗ trợ tạo ra các công nghệ và tiêu chuẩn IoT, tận dụng các hạ tầng và các dự án đang triển khai nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp IoT.
2. Nâng cao năng lực kinh doanh trong lớp các ứng dụng và dịch vụ: Liên tục ươm tạo năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các dự án tiên phong, phát triển các tài năng đến năm 2020, trong ngắn hạn và dài hạn (sau 2020) phát triển năng lực các công ty vừa và nhỏ để khởi động công nghiệp IoT
3. Tạo vị thế Malaysia như là trung tâm phát triển IoT của khu vực: Đến 2020 phát triển Malaysia như là nơi có những ứng dụng chính yếu về IoT; trong dài hạn, định vị Malaysia như là nơi tích hợp các giải pháp IoT và là trung tâm thuê ngoài cho dịch vụ công nghiệp IoT.
Nếu trong ngắn hạn Malaysia tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo ra các dự án ứng dụng IoT tiên phong thì trong dài hạn, chiến lược của Malaysia là để tạo ra một sân chơi rộng lớn và cởi mở cho IoT thông qua 3 chiến lược dài hạn: 1. Tạo ra IoT Malaysia với mô hình liên minh - liên kết các hiệp hội, doanh nghiệp và chính phủ 2. Tạo ra nền tảng sáng tạo mở trong IoT, tập trung vào việc tạo ra không chỉ các tiêu chuẩn mà còn là khung để các công nghệ khác nhau có thể phát triển hài hòa để phát triển công nghiệp IoT; 3. Tạo ra khung dữ liệu mở dành cho cộng đồng, hướng tới mở ra các dữ liệu công để cho phép các ứng dụng IoT được sinh sôi.
Tóm lại, Malaysia phát triển IoT dựa trên một tầm nhìn rõ ràng và “đặt cược” vào việc phát triển năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tạo sân chơi mở cho các công nghệ IoT khác nhau.
Lý do họ chọn làm như vậy có lẽ xuất phát từ thực tế là các doanh nghiệp của Malaysia chưa thể trong thời gian ngắn (2020) có thể thay đổi cuộc chơi, thay thế các ông lớn của thế giới nên vì thế, mục tiêu thực tế là tăng về số lượng (doanh nghiệp vừa và nhỏ) tham gia một sân chơi mở để chiếm thế chủ động trong thị trường khu vực.
Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra kế hoạch tổng thể phát triển IoT vào tháng 8/2014 với tầm nhìn trở thành quốc gia dẫn đầu trong cách mạng siêu kết nối số hóa (A leading country in hyper-connected Digital Revolution), trong đó người dân, doanh nghiệp và chính phủ chủ động phát triển và ứng dụng IoT.
Để đạt được mục tiêu đó, Hàn Quốc vạch ra các chiến lược bao gồm:
1. Tăng cường hợp tác giữa các đối tác trong hệ sinh thái, thông qua: Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển dịch vụ IoT; cung cấp một nền tảng mở: Đầu tư vào hạ tầng định hướng sử dụng; nâng cao tính cạnh tranh của cảm biến và thiết bị; phát triển dịch vụ chú trọng yếu tố an toàn thông tin ngay từ ban đầu.
2. Phát triển sáng tạo mở: Chính phủ xây dựng nền tảng mở cho phép nhiều bên cùng tham gia sáng tạo, các doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng phát triển các dịch vụ sản phẩm và bán lại cho chính phủ.
3. Phát triển và mở rộng các dịch vụ hướng tới thị trường toàn cầu: Thông qua hợp tác với các hãng công nghệ toàn cầu để cùng hướng tới thị trường toàn cầu; tạo ra các dịch vụ phần mềm mới trên nền sản xuất để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của người sử dụng cuối.
4. Phát triển các chiến lược tùy biến phù hợp cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thị trường IoT chia thành 3 nhóm: 1. Các thị trường của sản phẩm gia dụng, ôtô, thiết bị đeo theo người (wearables) dành cho các doanh nghiệp lớn và toàn cầu, chiến lược phù hợp là tạo ra các hợp tác mở với các doanh nghiệp toàn cầu: 2. Thị trường dành cho các ứng dụng mức nhỏ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược phù hợp là tạo ra một nền tảng mở và môi trường thử nghiệm để giảm chi phí phát triển, giảm thời gian đưa ra thương mại hóa và hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác nhau như phần mềm, cảm biến, thiết bị, giải pháp 3. Thị trường của doanh nghiệp khởi nghiệp với các ý tưởng sáng tạo, chiến lược phù hợp là tạo ra hệ sinh thái hiện thực hóa các ý tưởng thành sản phẩm dựa trên phần cứng và phần mềm nguồn mở và Maker, D.Y.I (tự làm).
Tóm lại, Hàn Quốc đặt tham vọng dẫn đầu trong IoT trên toàn thế giới, vì thế họ xác định phải tham gia cuộc chơi ở cả 3 cấp và có chiến lược phù hợp.
Một mặt hợp tác với các doanh nghiệp lớn và toàn cầu để cùng tiến vào thị trường toàn cầu, một mặt tạo ra nền tảng mở để hỗ trợ sáng tạo mở cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đặc biệt, dù là một nước tiên phong về sản xuất phần cứng công nghệ cao, Hàn Quốc đặt chiến lược phát triển phần cứng và phần mềm nguồn mở như là đột phá mới trong IoT.

Tác giả: Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty DTT

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay8,105
  • Tháng hiện tại87,692
  • Tổng lượt truy cập32,767,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây