Đà Nẵng: "Nguồn mở hóa" phần mềm một cửa điện tử

Thứ tư - 22/02/2012 09:59
UBND huyện Hòa Vang là đơn vị hành chính cuối cùng cấp quận, huyện của Đà Nẵng vừa khai trương mô hình “Một cửa điện tử” vào đầu tháng 2/2012. Tính đến nay, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt chỉ tiêu 100% quận, huyện có "Một cửa điện tử", đặc biệt 100% phần mềm này đều được "nguồn mở hóa".
 

Nguồn mở hóa 100% phần mềm "Một cửa điện tử"

Trao đổi với báo BĐVN, ông Nguyễn Hữu Hải - PGĐ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (DNICT), đơn vị trực thuộc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: "Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc thực thi nghiêm ngặt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và các phần mềm nói riêng là một trong những điều kiện tiên quyết để nước ta thực hiện hiệp định đã ký. Trong điều kiện kinh phí cho ứng dụng CNTT eo hẹp như hiện nay và xác định xu thế tất yếu của nguồn mở trong thời gian tới thì việc sử dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) rất có nhiều tiện ích. Đà Nẵng đã tiên phong thử nghiệm triển khai phần mềm một cửa điện tử bằng nguồn mở.

Ông Hải phân tích: "Phần mềm Một cửa điện tử là công cụ phục vụ đắc lực cho cán bộ xã, phường trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân. Do đó, phải đáp ứng được tiêu chí: dễ sử dụng, thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, để "nguồn mở hóa" hoàn toàn thì có nhiều trở ngại, chẳng hạn người dùng đã quen sử dụng Window, nếu chuyển sang OpenOffice ngay sẽ không tránh khỏi lúng túng. Vì vậy, trong giai đoạn thử nghiệm, Đà Nẵng đã "nguồn mở hóa" phần mềm Một cửa điện tử trên nền mã nguồn mở PHP (sử dụng Zend Framework và hệ quản trị cơ sở dữ liệu Posgresql) -đây chỉ là ứng dụng giải pháp nguồn mở trên máy chủ. Đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ nguồn mở hóa hoàn toàn trên toàn hệ thống". Giải pháp này đã được vận hành tại 7 UBND quận, huyện và 56 xã, phường trên địa bàn. DNICT có tổ ứng cứu, sẵn sàng hỗ trợ, xử lý kịp thời những trở ngại của các đơn vị cơ sở. Nhờ vậy, mô hình Một cửa điện tử tại Đà Nẵng đã thực sự phát huy hiệu quả.

Phần mềm Một cửa điện tử bằng nguồn mở này do các kỹ sư của DNICT nghiên cứu và xây dựng, do đó kinh phí khá khiêm tốn. Ông Phạm Kim Sơn, GĐ Sở TT&TT Đà Nẵng so sánh: "Triển khai phần mềm này ở 56 xã, phường của Đà Nẵng chỉ mất 280 triệu đồng, trong khi đã có phần mềm Một cửa điện tử trên thị trường được “rao” giá 300 - 500 triệu đồng/1 điểm".

Việc hoạt động ổn định của phần mềm này cũng góp phần nâng hiệu quả của mô hình một cửa tại các quận, huyện. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng cung ứng các dịch vụ công tại UBND các quận, huyện cho thấy: tỷ lệ hài lòng chung là 95% (các quận, huyện tự khảo sát) và 92% từ kết quả khảo sát độc lập của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng tiến hành trong năm 2011. Nhờ những kết quả này mà 3 năm liền (2009, 2010 và 2011), TP Đà Nẵng khẳng định vị trí thứ nhất về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index).

Từ thành công của phần mềm Một cửa điện tử, ông Hải cho biết, DNICT đã nghiên cứu và xây dựng được một số sản phẩm có tính ứng dụng cao như: Xây dựng website trên nền mã nguồn mở Joomla cho 10 đơn vị; Phần mềm một cửa, một cửa liên thông cho 56 xã, phường; Phần mềm quản lý cán bộ công chức; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng; Mô hình cơ quan điện tử đang thử nghiệm tại Sở TT&TT.

Công dân "nguồn mở"

Ông Hải cho rằng, việc ứng dụng nguồn mở của Đà Nẵng mới thí điểm trên một phần mềm. Tuy nhiên, muốn ứng dụng phần mềm nguồn mở "toàn diện" thì phải có lộ trình, bước đi phù hợp để vượt những rào cản. Trong đó, yếu tố con người cần đặc biệt chú trọng. Theo định hướng của Bộ TT&TT về việc đẩy mạnh ứng dụng nguồn mở, TP Đà Nẵng đã giao cho DNICT chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực nguồn mở cho Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên. Năm 2011, DNICT đã tổ chức 1 lớp tập huấn sử dụng Bộ phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice và 1 lớp tập huấn sử dụng Hệ điều hành Ubuntu cho cán bộ chuyên trách CNTT các đơn vị; tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn phần mềm văn phòng mã nguồn mở và các phần mềm tiện ích mã nguồn mở cho cán bộ cấp xã. 

Năm 2012, DNICT tiếp tục đưa ra sản phẩm đào tạo mới, đó là khóa Công nghệ Mã nguồn mở. Khóa học sử dụng bộ giáo trình tiên tiến của nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật và đổi mới công nghệ. Thời gian học trong 7 tháng tập trung đào tạo hệ điều hành Linux, kiến thức cơ bản về Internet, email, OpenOffice trên Linux, máy chủ Web Apache, Hệ CSDL SQL, phát triển ứng dụng web với PHP, Ngôn ngữ lập trình Pert... Đối tượng nhắm đến là các HS-SV, cán bộ chuyên trách CNTT tại các đơn vị... Hy vọng với đội ngũ này trong thời gian không xa Đà Nẵng sẽ có đủ lực lượng làm chủ nguồn mở, tạo tiền đề cho TP về đích sớm trong việc thực hiện chính quyền điện tử.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 23 ra ngày 22/2/2012

Tác giả: Đoàn Hạnh - ICTnews

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay7,862
  • Tháng hiện tại163,355
  • Tổng lượt truy cập31,371,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây