Dự án Tư vấn khung và các tiêu chuẩn ứng dụng CNTT Chính phủ điện tử (dự án MIC 1.4) do Bộ TT&TT là chủ đầu tư, nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, vừa được chính thức khởi động chiều ngày 9/3/2012.
Ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam cho biết sau hơn 1 năm xây dựng hồ sơ và lựa chọn nhà thầu tư vấn, Bộ TT&TT đã chọn được liên doanh III và eDT với đội ngũ chuyên gia tư vấn có rất nhiều kinh nghiệm về xây dựng CPĐT.
Mục tiêu chung của Dự án MIC 1.4 nhằm thúc đẩy ứng dụng CPĐT tại Việt Nam, nâng cao năng lực của Bộ TT&TT và các cơ quan Chính phủ trong hoạt động ứng dụng và phát triển CPĐT.
Theo ông Shun-Jung Tu - Trưởng nhóm Dự án III, Dự án MIC 1.4 sẽ được thực hiện từ năm 2012 - 2016. Những kết quả cụ thể mà dự án nhắm tới gồm: Hình thành khung tầm nhìn 10 năm cho CPĐT, chỉ ra những dự án có tính chất then chốt (bao gồm cả kế hoạch cụ thể của từng dự án); Xây dựng mô hình CPĐT cho các Bộ, các tỉnh thành phố; Nâng cao năng lực cho các cơ quan CPĐT; Xây dựng mô hình quản lý cho phép phát triển CPĐT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Xây dựng khung và các tiêu chuẩn ứng dụng CNTT cho CPĐT có ý nghĩa rất quan trọng. Bộ TT&TT hy vọng và tin tưởng bên tư vấn sẽ thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trong hợp đồng và sẽ hoàn thành các nội dung công việc đảm bảo chất lượng, thời hạn, tiêu chuẩn của WB và Chính phủ Việt Nam; đưa ra những nội dung có giá trị thực sự cho Bộ TT&TT trong việc triển khai CPĐT thời gian tới.
Được biết, III hiện có khoảng hơn 2.000 nhân viên, chuyên gia, đã triển khai dự án CPĐT ở khoảng 15 nước trên thế giới, trong đó có Cô-oét, Trung Phi, Châu Mỹ La tinh... III đã có kinh nghiệm xây dựng những dự án trọng điểm cho Chính phủ Đài Loan (cả Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương), có kinh nghiệm trong việc tích hợp các hệ thống CNTT hoặc tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm ở nước ngoài...
- Mức 1: tuyên truyền những thông tin dịch vụ cơ bản cho công dân.
- Mức 2: cung cấp thông tin có tính chất động, thông tin được cập nhật liên tục.
- Mức 3: bắt đầu có sự tương tác giữa công dân, doanh nghiệp với Chính phủ.
- Mức 4: Thực hiện các giao dịch điện tử thông qua cổng điện tử của Chính phủ.
- Mức 5: tất cả các dạng dịch vụ trong Chính phủ đều được thực hiện qua mạng, kể cả việc trao đổi thông tin và điều hành của Chính phủ cũng được thực hiện qua mạng.
Tác giả: Việt Hà - ICTnews
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn