Năm 2015: Năm chuyển mình của phần mềm nguồn mở trên thế giới

Thứ ba - 29/12/2015 03:59
(PCWorldVN) Một năm qua, các đại gia công nghệ đều có nước đi chung, đó là 'mở' tài sản trí tuệ của họ cho cộng đồng các nhà phát triển cùng tham gia. Vậy mục đích ẩn sau hành động này là gì?
Facebook công bố phần cứng nguồn mở cho Trí tuệ nhân tạo
Facebook công bố phần cứng nguồn mở cho Trí tuệ nhân tạo

Phần mềm nguồn mở là ý tưởng quá cũ. Hồi đầu những năm 1980, có một người tên là Richard Stallman chuyên giảng đạo, lúc ấy ông gọi những bài giảng đó là “free software”.

Sau đó, năm 1991, Linus Torvalds bắt tay viết Linux, là hệ điều hành nguồn mở thành công ngoài sức mong đợi, để rồi đến nay, hệ điều này này hầu như là nền tảng cho mọi thứ. Hệ điều hành Android chạy trên nhiều điện thoại Google cũng dựa trên Linux. Khi bạn mở các app di động như Twitter hay Facebook và kéo xuống xem các cập nhật tweet hay status, là lúc bạn đang chạm đến những trung tâm dữ liệu máy tính khổng lồ với hàng trăm máy tính chạy Linux. Không ngoa khi nói Linux là nền tảng của Internet.

Nhưng 2015 mới là năm phần mềm nguồn mở tiếp cận một bước tiến lớn, nhờ vào Apple, Google và Elon Musk. Hơn lúc nào hết, những công ty công nghệ lớn, hùng mạnh nhất hiện nay và các tập đoàn đang chia sẽ mã nguồn một cách tự do, mà đó là những mã nguồn về những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất. Họ nhận ra rằng điều này sẽ thúc đây không chỉ cho tiến triển công nghệ nói chung mà thôi, mà còn giúp chính họ phát triển. Và đó chính là cách vận hành của thế giới công nghệ lúc này.

Theo Brandon Keepers, trưởng nhóm nguồn mở ở GitHub (dịch vụ trực tuyến được xem là trái tim của cộng đồng nguồn mở), ông cho rằng lúc này không phải là thời điểm chuyển mình, mà là thời điểm đột phá.

2015 có thể là năm bản lề mới của phần mềm nguồn mở, khi nhiều hãng công nghệ lớn bắt đầu công khai công cụ phát triển ứng dụng của họ.
Năm nay, Apple đã công khai ngôn ngữ lập trình Swift của họ, là bước khởi đầu táo bạo mà Apple muốn cho thế giới biết là họ viết mã như thế nào. Trước đây, hầu như Apple giữ mã nguồn Objective-C kín như bưng để đảm bảo là ngôn ngữ này chỉ chạy với thiết bị Apple. Bằng cách mở ra Swift, Apple muốn cho ngôn ngữ này có thể chạy trên bất kỳ thiết bị nào, trong đó có cả các máy chạy nền Linux, Android và Microsoft Windows.

Đúng là Apple đang cho phép ngôn ngữ của họ chạy ngay trên những thiết bị cạnh tranh. Đây là điều mà họ buộc phải làm. Vì nhờ vào cộng đồng nguồn mở rất đông đảo, thế giới hiện đại không còn dựa vào một nền tảng duy nhất nữa như vào thập niên 1990 là quãng thời gian thống trị của Microsoft. Nếu Apple muốn giữ được mức tăng trưởng thì họ phải đảm bảo được công cụ viết mã của mình có thể chạy được ở mọi nơi. Bởi vì các nhà phát triển phần mềm trên thế giới phải tạo ứng dụng trên mọi nền tảng, cho càng nhiều người dùng được càng tốt. Nếu công cụ của Apple chỉ chạy được trên thiết bị Apple thì các nhà phát triển sẽ xa lánh nó.

Nếu lý luận trên chưa đủ thuyết phục bạn, hãy nhìn về năm 2014, lúc ấy Microsoft cũng có cùng cách nhìn như vậy khi họ chuyển .NET thành nguồn mở. Nhiều năm trước, .NET chỉ là nền để tạo ứng dụng chạy trên Windows mà thôi. Đến nay, nó đã là công cụ nguồn mở, cộng đồng phát triển phần mềm có thể viết ứng dụng bằng công cụ của Microsoft để chạy được trên Linux và hai hệ điều hành của Apple.

2015 cũng là năm Google mở TensorFlow, là engine phần mềm chuyên tạo các dịch vụ về trí tuệ nhân tạo, trong đó có nhận diện hình ảnh và giọng nói, phiên dịch ngôn ngữ. Trong hơn 15 năm qua, Google đã tạo được vô vàn công nghệ cho trung tâm dữ liệu để giúp họ giữ được vị thế ông hoàng trên Internet. Những công nghệ này cho phép các dịch vụ của họ cùng lúc xử lý được yêu cầu từ hàng tỷ người dùng, bất kể họ ở đâu trên thế giới. Mà Google trước đây giữ kín những công nghệ ấy. Với TensorFlow, Google đã thay đổi cách nhìn, tự do chia sẻ một công cụ sáng tạo cốt lõi của mình.

Tại sao? Vì Google nhận ra tầm quan trọng của AI đối với tương lai của họ, và biết rằng họ có thể tăng tốc độ phát triển AI nếu họ chia sẻ công cụ này. Google thuê nhiều bộ óc thông minh nhất hành tinh, nhưng không phải là tất cả. Vì những bộ óc bên ngoài ấy là thứ mà Google có thể tận dụng được. Hơn nữa, đó chính là cách mà họ nhận diện được tài năng mới. Ở một góc độ nào đó, mở TensorFlow giúp công ty đào tạo ra được những nhà nghiên cứu thông minh nhất cho công việc tại Google.

Dĩ nhiên, Google không công khai mọi bí mật. Họ vẫn giữ một phần TensorFlow cho riêng mình, trong đó có cả rất nhiều dữ liệu quan trọng để đào tạo các dịch vụ AI của họ. Google chỉ đơn giản chia sẻ mã nguồn đủ để tạo khác biệt.

Elon Musk còn tiến xa hơn cả Apple, Google và Microsoft. Hồi giữa tháng 12 vừa qua, ông ấy và Sam Altman, chủ tịch của Y Combinator, đã công khai OpenAI, là dự án phi lợi nhuận, trị giá 1 tỷ USD giống như những dự án về AI của Google. Họ thậm chí còn lôi kéo được Ilya Sutskever, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Google về làm cho họ. Ý tưởng là bằng cách chia sẻ công nghệ AI mới nhất với mọi người, họ có thể đảm bảo rằng không có cỗ máy AI nào thông minh đến nỗi vượt quá khả năng quản lý của con người.

Đó là nét lớn về nguồn mở trong năm 2015 mà chúng ta được biết, và có thể có một điều mà chúng ta chưa ước lượng được là sức mạnh của nguồn mở sẽ như thế nào trong thời gian tới.

Tác giả: Theo Wired

Nguồn tin: www.pcworld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây