Việc hợp pháp hóa nền tảng phần mềm ở trường đại học không có nghĩa là phải mua giấy phép sử dụng cho các phần mềm đang dùng bất hợp pháp bởi vì, những phần mềm đang dùng bất hợp pháp như: Hệ điều hành (HĐH) Microsoft (MS) Windows, bộ văn phòng MS Office, các ứng dụng khác như: Photoshop, Autodesk, v.v., được dùng chủ yếu do thói quen của người dùng và do họ thiếu thông tin về những phần mềm khác có thể thay thế được. Bài viết của TS Vũ Đỗ Quỳnh - Hiệu phó trường ĐH Thăng Long.
1. Đặt vấn đề
Việc dùng phần mềm máy tính một cách không hợp pháp tại Việt Nam là một tình trạng rất phổ biến đã kéo dài từ trước đến nay.Tuy rằng từ khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tỷ lệ sử dụng phần mềm bất hợp pháp có giảm đi một chút, nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền sử dụng phần mềm ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Cụ thể, theo Hội BSA (Business Software Alliance), mức độ sử dụng phần mềm bất hợp pháp đã giảm từ 92% năm 2004 xuống còn 81% vào cuối năm 2013 và Việt Nam đang hứa phấn đấu để làm mức độ sử dụng phần mềm bất hợp pháp giảm xuống tiếp đến chỉ còn 70% vào năm 2018 (nguồn: Vietnam Net). Để đạt được mục tiêu đó, những cuộc kiểm tra phần mềm tại các doanh nghiệp lớn, đặc biệt có nguồn vố đầu tư nước ngoài, sẽ phát triển thêm. Các doanh nghiệp đã bị phát hiện dùng phần mềm lậu sẽ phải đồng ý hợp pháp hóa phần mềm bằng cách mua các giấy phép bản quyền hoặc/và đền bù các công ty thương mại phần mềm đã kiện họ như Microsoft và Lạc Việt (xem bài minh họa này). |
Một trong những phòng tự học, có trang bị máy tính dành cho sinh viên, do Thư viện Trường Đại học Thăng Long quản lý. |
Vậy, bên các trường đại học ở Việt Nam cũng sớm hay muộn phải xem xét việc hợp pháp hóa các phần mềm đang dùng ở tình trạng bất hợp pháp.Việc hợp pháp hóa nền tảng phần mềm ở trường đại học không có nghĩa là phải mua giấy phép sử dụng cho các phần mềm đang dùng bất hợp pháp bởi vì, những phần mềm đang dùng bất hợp pháp như: Hệ điều hành (HĐH) Microsoft (MS) Windows, bộ văn phòng MS Office, các ứng dụng khác như: Photoshop, Autodesk, v.v., được dùng chủ yếu do thói quen của người dùng và do họ thiếu thông tin về những phần mềm khác có thể thay thế được. 2. Thay thế MS Windows bằng GNU/Linux ?
Những bước đi để hợp pháp hóa nền phần mềm tại một đơn vị như trường đại học phải căn cứ vào phân tích tình trạng hiện tại, xem xét những phần mềm có thể sử dụng để giải quyết những yêu cầu nghiệp vụ cho từng nhân viên, cán bộ hoặc phòng ban. Trong đó, đương nhiên phải đặc biệt quan tâm đến những phần mềm có giấy phép sử dụng tự do (và đa số là dùng miễn phí), như giấy phép GPL, có chất lượng cao, được nhiều người dùng đến.Ví dụ thay thế HĐH MS Windows bằng các HĐH GNU/Linux như bản phân phối Ubuntu, dùng bộ văn phòng LibreOffice thay thế cho MS Office (nhất do LibreOffice vẫn dùng được trong môi trường MS Windows nữa) là biện pháp ít tốn kếm để hợp pháp hóa phần mềm đối với các máy tính có mục đích dùng công việc bình thường như duyệt web, soạn thảo văn bản và dùng bảng tính một cách cơ bản.Các máy tính dành cho sinh viên ở các thư viện trường đại học chủ yếu được dùng để tra cứu biên mục trực tuyến của thư viện và tìm kiếm các tài liệu khoa học trên mạng. Sinh viên đến làm việc giữa 2 lớp học hoặc để nghỉ trưa cũng chỉ dùng trình duyệt web như Chrome hoặc Firefox là chính. Và 2 trình duyệt web này đều có phiên bản dùng trong môi trường MS Windows và GNU/Linux.Do đó, chuyển đổi các máy tính công cộng của thư viện sang dùng HĐH GNU/Linux như Ubuntu sẽ mang nhiều lợi ích như sau: - Có hệ điều hành máy tính dùng hợp pháp, góp phần cho việc làm giảm tình trạng dùng phần mềm bất hợp pháp ở Việt Nam nói chung và ở trong trường nói riêng.
- Đơn giản hóa việc quản lý các giấy phép dùng phần mềm do các phần mềm tự do cho phép sao chép và cài đặt trên bao nhiêu máy cũng được, không bị hạn chế như đối với HĐH MS Windows.
- Các bản phân phối GNU/Linux như Ubuntu hướng về người dùng cuối, không phải là chuyên gia tin học, cho nên tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, dễ dùng và có sẵn các ứng dụng thông dụng như bộ văn phòng LibreOffice, trình duyệt web, bộ xem ảnh và phim, v.v. không cần phải cài thêm.
- HĐH GNU/Linux được công nhận có độ an toàn tốt và cao hơn HĐH MS Windows, không bị ảnh hưởng bởi các phần mềm độc hại, như các virút tin học, thường chỉ nhắm vào người dùng máy tính dùng HĐH MS Windows. Do đó không cần mua hoặc cài phần mềm chống virút và cũng có thể cắm các ổ USB đã bị nhiễm một cách hoàn toàn vô hại.
Do HĐH GNU/Linux Ubuntu có giấy phép bản quyền miễn phí, chỉ cần tải từ trên mạng xuống để cài đặt vào máy tính. Cho nên tại thư viện của Trường Đại học Thăng Long có hàng trăm máy tính dành cho sinh viên và nhân viên, việc cài đặt Ubuntu còn cho phép tiết kiệm mua bản quyền dùng HĐH MS Windows và MS Office, ước tính bằng khoảng 3 triệu đồng/máy. Mà, nếu phải mua các bản quyền trên cho 100 máy, sẽ phải tốn 300 triệu đồng, là một số tiền hoàn toàn không nhỏ.Tuy nhiên muốn chuyển đổi sang một môi trường làm việc trên máy tính không phải là MS Windows đòi hỏi phải có chuẩn bị tốt và đầy đủ cho việc hỗ trợ người dùng HĐH và các ứng dụng mới, tổ chức các lớp tập huấn cho người dùng, kể cả cho sinh viên, thì mới chuyển đổi được một cách hiệu quả và bền vững. 3. Khảo sát sinh viên đến thư viện về việc hợp pháp hóa phần mềm
Một trong các bước cần thiết khi chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ một HĐH máy tính sang một HĐH khác hoàn toàn là phải giải thích tại sao cần đổi hệ điều hành và đánh gía những người sẽ phải trải nghiệm việc chuyển đổi HĐH sẽ phản ứng như thế nào, có ủng hộ hay không ủng hộ.Vì vậy, thư viện Trường Đại học Thăng Long đã tổ chức khảo sát các sinh viên đến làm việc tại các phòng do thư viện quản lý xem họ có thái độ như thế nào đối với việc hợp pháp hóa phần mềm. Cuộc khảo sát này được tiến hành bằng cách phát một phiếu khảo sát cho các sinh viên khi họ tới thư viện và các phòng tự học do thư viện quản lý trong tháng 12/2015. Các phiếu trả lời được xử lý một cách ẩn danh.Tổng cộng 252 phiếu trả lời đã được thu gom trong thời gian chủ yếu từ 4 cho đến 24 tháng 12/2015. 3.1. Thành phần sinh viên tham gia khảo sát
|
2/3 sinh viên được khảo sát ở phòng tự học tầng 5 nhà B và tại tầng 3 nhà thư viện. |
|
Thành phần sinh viên tham gia đông nhất thuộc khoa Kinh tế quản lý (gần 70%), kế tiếp là của khoa Ngoại ngữ (15 %) |
3.2. Sinh viên đối với việc chuyển đổi và hợp pháp hóa phần mềm
Trước khi đặt câu hỏi sau đây, chúng tôi đã cho sinh viên biết về khái niệm phần mềm tự do nguồn mở như sau:Phần mềm tự do nguồn mở là phần mềm được ban hành với một giấy phép sử dụng tự do, cho phép hợp pháp sao chép, phân phối lại và cài đặt thoải mái trên bao nhiêu máy tính của mình cũng được, thường khong phải mất phí. |
Đa số sinh viên (gần 40 %) sẵn sàng tìm một giải pháp phần mềm khác, cùng tính năng và là miễn phí, nếu như bị bắt phải mua bản quyền sử dụng phần mềm đang dùng. Một tỉ lệ sinh viên khá lơn (20%) cũng khai sẽ tiếp tục dùng phần mềm một cách bất hợp pháp và chỉ có 1/4 sinh viên tỏ ra sẵn sàng mua bản quyền sử dụng phần mềm. |
Sau đây là những trả lời mà sinh viên đã lựa chọn để đáp lại câu hơi "Thay mà phải tốn vài trăm triệu đồng mua giấy phép sử dụng HĐH Windows và bộ văn phòng Microsoft Office, nếu Trường chuyển một phần các máy tính ở Thư viện sang dùng một hệ điều hành và mọt bộ phần mềm văn phòng khác, có cùng tính năng với MS Windows và Office nhưng có giấy phép sử dụng miễn phí, và nếu Trường cung cấp tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn và hỗ trợ sử dụng hệ điều hành và phần mềm văn phòng mới,...": |
Nói chung khoảng 2/3 sinh viên ủng hộ lý do chuyển đổi để nhà trường tiết kiệm được số tiền mua bản quyền nếu như phần mềm mới có cùng tính năng và nếu nhà trường tổ chức tập huấn và hỗ trợ sử dụng phần mềm mới. |
4. Kết luận
Như cuộc khảo sát nhỏ bé trên có thể cho thấy, đa số sinh viên sẽ thông cảm và sẵn sàng ủng hộ nhà trường trong việc chuyển đổi phần mềm để tiết kiệm phí mua bản quyền sử dung các phần mềm thương mại như HĐH MS Windows và bộ văn phòng MS Office.Đây là một tín hiệu tốt cho việc hợp pháp hóa các phần mềm máy tính tại Thư viện Trường ĐH Thăng Long bằng cách chuyển đổi sang một hệ điều hành máy tính tự do nguồn mở như GNU/Linux Ubuntu.Tuy nhiên, để đáp lại sự ủng hộ đó, nhà trường sẽ phải chuẩn bị kỹ việc chuyển đổi phần mềm, đi từng bước và tổ chức tập huấn và hỗ trợ sinh viên về cách sử dụng hệ điều hành máy tính và những phần mềm ứng dụng mới.
----
Nguồn: http://thuvientlu.blogspot.com/2016/01/hop-phap-hoa-phan-mem-may-tinh.html
Tác giả: Vũ Đỗ Quỳnh (ĐH Thăng Long)Giấy phép:
(Bài viết này được chia sẻ với các điều khoản của
giấy phép Creative Commons Attribution-NonCommercial-ShareAlike.)