Ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tiếp đoàn đại diện của công ty Linagora (Pháp), dẫn đầu là Tổng giám đốc Céline Zapolsky tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, đại diện của công ty đã thảo luận về vấn đề Chính phủ điện tử và mã nguồn mở. Theo đó, bà Céline Zapolsky chia sẻ mong muốn các công ty, chính phủ Pháp và Việt Nam có nhiều hợp tác hơn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, bao gồm cả CNTT và Chính phủ điện tử.
Linagora là một công ty phát triển mã nguồn mở lớn tại Pháp, nổi tiếng với mô hình Free Free (tự do và miễn phí) và quan điểm FOSS 100%, không giữ bất kỳ bí mật công nghệ nào. Phần mềm mã nguồn mở là miễn phí cho tất cả mọi người, việc sử dụng mã nguồn mở tốn một khoản chi phí dịch vụ về đào tạo con người, chuyển giao công nghệ hỗ trợ, nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều đối với việc mua các phần mềm bản quyền vốn rất đắt đỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thảo luận cùng bà Céline Zapolsky - Ảnh: Thành Lương |
Linagora đang sở hữu nhiều giải pháp về mã nguồn mở, đặc biệt công ty này được Chính phủ Pháp hỗ trợ 10 triệu Euro để phát triển phần mềm Open Paas, phần mềm này hỗ trợ các công việc văn phòng, hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, tương tự như Microsoft Office 365.
Tuy mã nguồn mở là miễn phí, nhưng phải có lộ trình đi từ thấp đến cao và nguồn nhân lực sử dụng phải được đào tạo. Bà Céline Zapolsky chia sẻ, việc hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp sẽ có những bước đầu tiên để mở ra những cơ hội hợp tác giữa hai Chính phủ, các công ty của hai nước với nhau, đó là hội thảo về phát triển Chính phủ điện tử mã nguồn mở tại Đà Nẵng sẽ diễn ra vào tháng 7/2016.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cảm ơn những chia sẻ từ phía Linagora, ông cũng đồng ý rằng trong việc phát triển Chính phủ điện tử và mã nguồn mở thì nền tảng giáo dục là vô cùng quan trọng, đồng thời chia sẻ về việc Việt Nam đã có những chính sách thân thiện về mã nguồn mở và Chính phủ điện tử, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, sử dụng mã nguồn mở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hưng nói, Việt Nam luôn có thiện chí chào đón những công ty công nghệ đến để mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam và hi vọng vào việc cải thiện các chỉ số CNTT của Việt Nam, cùng với việc học hỏi các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Tác giả: Thành Lương
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn