Hội thảo phát triển Phần mềm nguồn mở (PMNM) 2016 chủ đề “Triển khai nguồn mở tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT phối hợp với Câu lạc bộ tự do nguồn mở VFOSSA tổ chức sáng nay, ngày 14/12/2016 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực phần mềm nguồn mở.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, phát triển và ứng dụng PMNM là một trong những giải pháp hiệu quả để ngành CNTT tiếp cận và làm chủ những công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT sử dụng nguồn mở giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể tự chủ trong việc đảm bảo an toàn thông tin, cho phép vừa thực thi quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm mà vẫn giảm được chi phí mua sắm phần mềm, tránh phụ thuộc vào các hãng sản xuất phần mềm. |
Hơn 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM từ sớm, điển hình như Quyết định 235 ngày 2/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án tổng thể ứng dụng CNTT và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008. Với vai trò quản lý ngành, Bộ TT&TT đã ban hành một số chính sách nhằm định hướng và thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM tại các Bộ, ngành, địa phương, điển hình như Chỉ thị 07 ngày 30/12/2008 về thúc đẩy sử dụng PMNM trong cơ quan nhà nước; Thông tư 20 năm 2014 của Bộ TT&TT quy định về các sản phẩm PMNM được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, nhờ các chủ trương chính sách này, thời gian qua, PMNM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, điển hình là 2 nền tảng chính quyền điện tử nguồn mở được sử dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo số liệu ICT Index 2015, tỷ lệ cài đặt bộ phần mềm văn phòng nguồn mở đạt gần 50% tại các địa phương; gần 30% cổng thông tin điện tử của các địa phương sử dụng PMNM. Nhiều sản phẩm, giải pháp PMNM đã được sử dụng trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước như: cổng thông tin điện tử nguồn mở, phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở, phần mềm thư điện tử nguồn mở, phần mềm một cửa điện tử nguồn mở… Cộng đồng nguồn mở Việt Nam đã bước đầu được hình thành và ngày càng lớn mạnh.
“Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát triển PMNM thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập, do nhiều nguyên nhân như: sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ mới, sự hình thành các hình thức kinh doanh mới, thực tiễn khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, vấn đề kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT và cả những rào cản về mặt cơ chế, chính sách, vấn đề thói quen người sử dụng…. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc và sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ TT&TT, Bộ KH&CN và Bộ GD&DT cũng như các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học… trong hoạt động ứng dụng và phát triển PMNM”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hội thảo phát triển phần mềm nguồn mở 2016 có chủ đề “Triển khai nguồn mở tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội.
Chia sẻ rõ hơn về những thách thức đối với việc ứng dụng và phát triển PMNM tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng, trong cơ quan nhà nước, ứng dụng PMNM còn yếu, chưa đi vào thực chất; quyết tâm của lãnh đạo đứng đầu tác động rất lớn đến quyết định lựa chọn giải pháp nguồn mở; kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT hạn hẹp tác động đến công tác ứng dụng CNTT nói chung, ứng dụng và phát triển PMNM nói riêng. Ngoài ra, quy hoạch, kiến trúc tổng thể về CNTT, chuẩn kết nối hệ thống, dữ liệu tác động không nhỏ đếnviệc lựa chọn giải pháp giải pháp công nghệ.
Còn trong các doanh nghiệp, theo ông Tuyên, thách thức lớn chính là nguồn nhân lực nguồn mở còn yếu, mỏng; chưa có nhiều nghiên cứu, sản phẩm đáp ứng các xu thế mới đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng nhấn mạnh, chủ trương sử dụng nguồn mở đã được khẳng định trong các văn bản như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26 của Chính phủ.
Những năm qua, Bộ TT&TT cũng đã tích cực ủng hộ nguồn mở, thể hiện qua các văn bản: Chỉ thị 07 năm 2008 về đẩy mạnh sử dụng PMNM trong cơ quan nhà nước; Thông tư 19 năm 2011 quy định sử dụng định dạng tài liệu mở ODF trong cơ quan nhà nước; Thông tư 20 năm 2014 quy định về các sản phẩm PMNM được ưu tiên đầu tư, mua sắm, sử dụng trong cơ quan nhà nước; Thông tư 03 năm 2014 quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT trong đó quy định chuẩn sử dụng nguồn mở.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực PMNM. Cụ thể, từ giữa năm 2016 đến nay Bộ đang tiến hành xây dựng bộ định mức triển khai áp dụng PMNM và dự kiến sẽ được hoàn thành và ban hành trong năm 2017. Gồm định mức triển khai của gần 20 loại sản phẩm PMNM được ưu tiên đầu tư, mua sắm, sử dụng trong cơ quan nhà nước theo Thông tư 20 năm 2014 của Bộ TT&TT, bộ định mức này sẽ là cơ sở để lập dự toán kinh phí cho hoạt động ứng dụng PMNM, tạo cơ hội tốt để thúc đẩy triển khai nguồn mở tại Việt Nam.
“Đề nghị VFOSSA và các doanh nghiệp PMNM, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ Bộ TT&TT và đơn vị tư vấn trong việc khảo sát, góp ý xây dựng bộ định mức triển khai áp dụng PMNM cũng như tiếp tục cập nhật danh mục các sản phẩm PMNM đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan tổ chức nhà nước”, ông Tuyên nói.
Liên quan đến định hướng cơ chế, chính sách về PMNM, theo đại diện lãnh đạo Vụ CNTT, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ KH&CN để đóng góp ý kiến vào Luật chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ được ưu tiên chuyển giao như công nghệ mở, những công nghệ không bị rào cản của bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ CNTT cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển PMNM, cùng với việc đưa PMNM vào nội dung thi tuyển cán bộ công chức và vào nội dung, chương trình đào tạo CNTT trong các trường đại học, cao đẳng, về mặt cơ chế chính sách, một nội dung quan trọng nữa là triển khai nội dung PMNM trong các chương trình phát triển công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT.
Cụ thể như, tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển PMNM trong các chương trình phát triển công nghiệp CNTT của Chính phủ và các địa phương; tăng cường sử dụng PMNM trong các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của các bộ ngành địa phương; PMNM cho các sản phẩm CNTT trọng điểm như firmware, apps cho thiết bị di động như điện thoại, wireless router…
Tác giả: M.T
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc