CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA)Website chính thức của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) - Chi hội của Hội Tin học Việt Nam (VAIP)
Tham luận của VFOSSA tại Đại hội toàn quốc lần VIII Hội Tin học Việt Nam (VAIP)
Thứ sáu - 17/02/2017 01:13
Toàn văn Tham luận của VFOSSA tại Đại hội VIII Hội Tin học Việt Nam (VAIP) do ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch VFOSSA - trình bày.
Từng bước xây dựng hệ sinh thái nguồn mở bền vững
Kính thưa Đoàn Chủ tịch.
Kính thưa Đại hội
Tôi rất vinh dự được BTC Đại hội mời thay mặt cho CLB PMTDNMVN (VFOSSA) đọc tham luận tại Đại hội này. Đầu tiên, thay mặt cho các thành viên của VFOSSA, tôi xin trân trọng gửi lời Chúc mừng năm mới Đinh Dậu sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng PMTDNM Việt Nam đến các quí vị khách mời, các đại biểu dự ĐH và chúc ĐH thành công tốt đẹp.
Kính thưa ĐH,
Thực tế trên thế giới, qua nhiều nguồn thu được từ Internet, nhất là theo các kết quả điều tra thường niên về tương lai nguồn mở trong 10 năm gần đây của các hãng điều tra quốc tế uy tín đã chỉ ra răng nguồn mở, trong đó có PMTDNM, điểm khời nguồn của tư tưởng nguồn mở, đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược của ngành CNTT-TT. Càng ngày càng nhiều Tập đoàn, Công ty lớn nhỏ trên thế giới tham gia sâu và đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển sản phẩm và ứng dụng PMNM. Từ nhiều năm nay, PMNM đã khẳng định giá trị hàng đầu của nó không còn là miễn phí bản quyền nữa mà là ở chất lượng vượt trội, khả năng phản ứng nhanh với các lỗi và lỗ hổng bảo mật, khả năng thích nghi, khả năng thu hút nhân tài Tin học, tôn trọng chuẩn mở, hạn chế lệ thuộc hệ thống thông tin vào một hay vài nhà cung cấp giải pháp, v.v...
Cộng đồng PMTDNM Việt Nam đã hình thành từ đầu những năm 2000 và trong thập niên đầu của thế kỷ 21 đã làm được một số việc như phổ biến hiểu biết và kiến thức về PMTDNM, tiếp đến nâng cao nhận thức, Việt hóa và phổ biến, hướng dẫn sử dụng và triển khai một số PMTDNM tiêu biểu cho cộng đồng người sử dụng Việt Nam. Tuy nhiên những kết quả đạt được trong giai đoạn này vẫn còn rất khiêm tốn. Cộng đồng PMNM Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với thế giới trên mọi phương diện và chưa có tổ chức đại diện chính thức để đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA), tổ chức đại diện chính thức cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam đã ra đời trong bối cảnh này. Cách đây vừa tròn 5 năm, VFOSSA đã được thành lập và trở thành Chi hội trung ương của Hội THVN bắt đầu từ Đại hội VII, tháng 11/2011. Trong bài tham luận này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ với các đại biểu tham dự ĐH một số kinh nghiệm và bài học mà chúng tôi đã rút ra được trong 5 năm đầu tiên hoạt động của VFOSSA, đặc biệt nhấn mạnh về làm thế nào để xây dựng hệ sinh thái nguồn mở bền vững.
Kính thưa ĐH,
Để có thể ứng dụng, phát triển PMNM thành công và bền vững trong mọi tổ chức, cơ quan, thực tế trên thế giới đã chỉ ra rằng cần phải dựa vào cộng đồng và cần xây dựng được một hệ sinh thái để liên kết các thành phần của cộng đồng để tạo nên một bức tranh liên kết hoàn chỉnh.
Điểm đặc sắc của PMNM, đồng thời là nguồn gốc sức mạnh của nó là cộng đồng. Cộng đồng PMNM rất đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau, từ người sử dụng cuối đến doanh nghiệp phát triển giải pháp, các chuyên gia tích hợp hệ thống, các lập trình viên, kiểm thử viên, kiến trúc sư hệ thống, các nhà sáng tạo ý tưởng, v.v... Sự khác biệt của cộng đồng PMNM là mọi thành viên cộng đồng đều có thể và được khuyến khích tham gia trực tiếp vào mọi khâu trong vòng đời của sản phẩm hoặc hệ thống, từ những chuyện đơn giản như hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hoặc phát hiện lỗi đến những khâu đòi hỏi kỹ năng, công nghệ cao như sửa đổi, cải tiến, vá lỗi, tăng cường chức năng, thậm chí cả kiến trúc tổng thể. PMNM làm được việc này bởi vì mọi thông tin liên quan đến PM đều là mở và được chia sẻ công khai trên Internet. Thành viên cộng đồng không còn thu hẹp trong một cơ quan, doanh nghiệp hay vùng miền mà mở ra trên toàn thế giới. Thực tế PMNM đã được sử dụng ở khắp mọi nơi, cả trong các sản phẩm nguồn đóng, song người sử dụng Việt Nam nói chung hầu như không biết đến điều đó, dẫn đến sự thiếu hiểu biết và tôn trọng những giá trị mà PMNM đã và đang đem lại hàng ngày cho mỗi chúng ta, cũng như quyền được tham gia, đóng góp để cải thiện nó.
VFOSSA ý thức được tầm quan trọng nâng cao nhận thức về PMTDNM cho người sử dụng cuối, cộng đồng đông đảo nhất. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhà trường, nhất là các trường Đại học, thông qua các hoạt động thường niên như tổ chức ngày hội quốc tế tự do cho phần mềm, mở các lớp huấn luyện, semina PMNM, tham gia cùng với Hội THVN tổ chức các cuộc thi PMNM trong Olympic Tin học, Mùa hè sáng tạo viết PMNM cho sinh viên đại học cao đẳng. Chúng tôi cũng tham gia tích cực các cuộc Hội thảo CNTT, Hội thảo PMNM do Bộ TTTT chủ trì nhằm tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức về PMNM cho người sử dụng trong khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Mặc dù đã có nỗ lực, song chúng tôi đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm vẫn còn rất nhỏ. Trong thời gian tới, để đạt được kết quả cao, sẽ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống giáo dục và những biện pháp mạnh tay từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt từ Bộ TTTT và Bộ KHCN.
Phía trên sát với người sử dụng và hẹp hơn là cộng đồng các DN phát triển PMNM hoặc giải pháp dựa trên PMNM, trong đó có cả các DN thành viên VFOSSA, cũng còn rất vấn đề cần quan tâm: chúng ta vẫn phổ biến ở mức tận dụng, khai thác triệt để các sản phẩm PMNM, song đóng góp cho cộng đồng (cả trong nước và quốc tế) còn ở mức rất khiêm tốn. Tình trạng DN lấy PMNM về tùy biến rồi đóng lại, biến thành PM đóng rồi bán thu phí bản quyền bất hợp pháp đã xảy ra. Có thể nói thẳng thắn: người Việt chủ yếu mới chỉ tận dụng (« đào mỏ ») PMNM, còn chưa có đóng góp và tiếng nói nào đáng kể trong cộng đồng PMNM quốc tế.
Ngoài ra, bản thân nội bộ cộng đồng và DN PMNM, nhận thức về mô hình kinh doanh và phát triển bền vững bằng PMNM không đồng đều, nói chung còn ở mức thấp. DN vẫn lẫn lộn giữa kinh doanh với cộng đồng, làm nguồn mở nhưng tư duy lại không mở, triển khai dự án PMNM như với PM đóng. DN e ngại không dám mở phần mềm do sợ bị kẻ xấu « nẫng tay trên » trước khi thu hồi được vốn bỏ ra là phổ biến, v.v... Còn thiếu những mô hình phát triển/ứng dụng PMNM thành công và đem lại hiệu quả kinh tế có tính thuyết phục.
Sau một thời gian dài trăn trở và thử nghiệm, VFOSSA mới có trong tay một thí dụ phát triển cộng đồng và ứng dụng PMNM, áp dụng theo đúng mô hình phát triển PMNM quốc tế, do người Việt Nam làm chủ. Cụ thể gần 20 DN đã kết hợp với nhau cùng xây dựng và triển khai bước đầu thành công một PMNM lõi dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho cải cách hành chính và CPĐT tại Việt Nam ( OpenCPS - http://opencps.vn). OpenCPS đã chứng minh được rằng với mô hình phát triển PMNM theo đúng cách quốc tế vẫn làm, có thể kết hợp được nhiều Công ty cùng đóng góp công sức để phát triển một PMNM hoặc triển khai một dịch vụ bằng PMNM trong thời gian ngắn kỷ lục. Mô hình đang hứa hẹn trở thành một hình mẫu có thể áp dụng, tùy biến để tạo ra các cộng đồng và hệ sinh thái PMNM khác. OpenCPS mở từ đầu, công bố mọi thứ từ đầu trên Internet, đang và sẽ tiếp tục mở. Các DN CNTT trong nước quan tâm làm CPĐT vẫn luôn có thể đăng ký gia nhập cộng đồng này.
Do đặc trưng PMNM không bao giờ là sản phẩm may đo và luôn luôn vận động, được cải tiến không ngừng nên triển khai ứng dụng PMNM cần có đội ngũ chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về triết lý PMNM và kỹ năng khai thác các công cụ PMNM và làm việc với các chuyên gia khác trong cộng đồng. Một mạng lưới mở kết nối các chuyên gia PMNM của Việt Nam là cần thiết để thông tin cho các DN đang có nhu cầu triển hệ thống PMNM qui mô lớn cần huy động đội ngũ chuyên gia PMNM đông đảo. VFOSSA đang nỗ lực xây dựng mạng lưới này, thông qua một dự án có tên gọi là OpenTour. VFOSSA cũng có tham vọng thông qua OpenTour có thể cung cấp dịch vụ đánh giá mức độ ứng dụng PMNM cho các DN, cơ quan, theo các tiêu chí của cộng đồng PMNM quốc tế, một thứ « chỉ số PMNM ». OpenTour cũng có thể tư vấn giúp cho DN hoặc cơ quan giải pháp nhằm nâng cao mức độ ứng dụng PMNM, thăng hạng chỉ số PMNM, đem lại lợi ích thiết thực cho DN, cho xã hội và vì lợi ích quốc gia. Chúng tôi hy vọng các DN, cơ quan sẽ sớm nhận thức được lợi ích của OpenTour và sẽ tham gia cùng chúng tôi.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa ĐH,
Thay cho lời kết của bài tham luận này, chúng tôi xin được gửi gắm đến các quí vị đại biểu và đến ĐH một số ý có thể coi như thông điệp của VFOSSA như sau:
PMNM ngày nay đã trở thành một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược trên thế giới. Nếu không muốn bị bỏ rơi và với tham vọng mau chóng trở thành nước mạnh về CNTT, Chính phủ Việt Nam không được một lần nữa bỏ lỡ xu thế này.
Triển khai, ứng dụng PMNM là cần thiết và có lợi cho quốc gia, cho chính phủ, cơ quan Nhà nước và DN. Nếu cơ quan Nhà nước chưa ứng dụng PMNM và chưa thúc đẩy được phong trào ứng dụng PMNM rộng rãi trong cơ quan Nhà nước sẽ là thiệt thòi cho chính phủ và người dân nộp thuế.
Tránh cho rằng việc ứng dụng và thúc đẩy phát triển PMNM là của chỉ doanh nghiệp. Chính phủ/ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy PMNM phát triển, bằng cách ứng dụng và tạo môi trường thúc đẩy phát triển PMNM, không phải ban phát, xin cho. VFOSSA sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình trong việc này.
VFOSSA đã có trong tay một mô hình phát triển cộng đồng và ứng dụng PMNM, áp dụng theo đúng mô hình phát triển PMNM quốc tế, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác theo tinh thần và triết lý nguồn mở. Rất mong nhận được sự đồng tâm, phối hợp của cộng đồng CNTT.