Bộ TTTT họp báo cáo kết quả Xây dựng 7 phần mềm dùng chung nguồn mở

Thứ ba - 19/03/2013 14:12
Cuộc họp xem xét và khuyến cáo sử dụng các sản phẩm Phần mềm nguồn mở trên máy chủ do Bộ TT&TT chủ trì có sự góp mặt của Câu lạc bộ PMNM Việt Nam (VFOSSA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục Ứng dụng CNTT.
Cuộc họp xem xét và khuyến cáo sử dụng các sản phẩm Phần mềm nguồn mở trên máy chủ (được xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) diễn ra ngày 07 tháng 3 năm 2013 do Bộ TT&TT chủ trì có sự góp mặt của Câu lạc bộ PMNM Việt Nam (VFOSSA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục Ứng dụng CNTT.
 

Tại buổi họp, các bên tham gia nghe Báo cáo tóm tắt của Vụ Công nghệ thông tin và trình bày của đại diện 1 trong các nhà thầu tham gia xây dựng phần mềm. Tham dự buổi họp, 2 đại diện tiêu biểu cho các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở là ông Trương Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin) và ông Nguyễn Thế Hùng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam) đồng thời cũng là hội viên CLB phần mềm nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đã có nhiều ý kiến góp ý, thảo luận.

Báo cáo tóm tắt của Vụ Công nghệ thông tin về kết quả triển khai dự án “Hỗ trợ địa phương xây dựng, hoàn thiện một số sản phẩm phần mềm nguồn mở theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ”

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2011 cho Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xây dựng một số phần mềm nguồn mở để chuyển giao sử dụng và nhân rộng cho các địa phương trong cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai dự án này với 07 sản phẩm gồm:
  1.     Phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở (Công ty Cổ phần Phần mềm Việt Vietsoftware) - Quảng Nam;
  2.     Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở (Công ty Cổ phần Giải pháp tích hợp mở iNet Solution) - Phú Yên;
  3.     Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở (Liên danh Trung tâm CNTT-TT Hải Dương và Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Trí Tuệ Việt) - Hải Dương;
  4.     Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành (Trung tâm CNTT-TT Bắc Giang) - Bắc Giang;
  5.     Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện (Trung tâm CNTT-TT Tây Bắc) - Phú Thọ;
  6.     Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở, ngành (Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Tâm Hợp Nhất và Trung tâm CNTT-TT Nghệ An) - Nghệ An;
  7.     Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện (liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Tâm Việt và Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ và ứng dụng ITS) - Yên Bái.  

Theo báo cáo của Vụ Công nghệ thông tin, dự án xây dựng phần mềm đã kết thúc, 7 sản phẩm của dự án đã được hoàn thành. Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông thụ hưởng đã nghiệm thu và sản phẩm đã được bàn giao cho các Sở quản lý để triển khai sử dụng tại địa phương. Kết quả của dự án bao gồm 7 sản phẩm, mỗi sản phẩm gồm 2 CD với những thành phần: phần mềm (bản cài đặt), cơ sở dữ liệu, tài liệu hướng dẫn cài đặt và tài liệu hướng dẫn; mã nguồn và tài liệu thiết kế. Tất cả các sản phẩm này đã được Sở Thông tin và Truyền thông của các địa phương thụ hưởng chạy thử, đánh giá và nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định tại các văn bản của Bộ ban hành và yêu cầu của địa phương thụ hưởng.

Đại đại diện một trong các nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Tâm Việt Báo cáo đánh giá khả năng triển khai, nhân rộng sản phẩm phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện: Giới thiệu một số thông tin chung về dự án (phần mềm sử dụng ngôn ngữ PHP, cơ sở dữ liệu MySQL...), giấy phép sử dụng (GNU/GPL và GNU/LGPL), tính năng phần mềm (tùy biến cấu hình luồng công việc...)...

Sau khi nghe trình bày từ nhà thầu, hai đại diện được mời đến từ các doanh nghiệp thành viên của VFOSSA đã đặt nhiều câu hỏi và góp ý cho các phần mềm. Ông Nguyễn Thế Hùng đã đặt câu hỏi về khả năng tương thích của phần mềm khi sử dụng trên các phần mềm nguồn mở khác cũng như độ an toàn, bảo mật của phần mềm. Tính mở của phần mềm cũng là vấn đề được quan tâm khi ông Nguyễn Thế Hùng đặt ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề giấy phép của phần mềm, việc tái sử dụng các phần mềm nguồn mở khác và kho code của phần mềm.

Ông Trương Anh Tuấn cũng đồng quan điểm khi cho rằng trong phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM) thì một dự án PMNM tiêu chuẩn phải có đủ 3 yếu tố: Giấy phép đúng của PMNM, Có kho code được cung cấp và truy xuất công cộng, Có cộng đồng tham gia.

Trước băn khoăn về tính an toàn của phần mềm sau khi được công bố, ông Trương Anh Tuấn cho rằng mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết ổn thỏa nếu các dự án được triển khai theo đúng cách phát triển PMNM. Theo quy trình này thì việc phát hiện, góp ý và sửa lỗi đều trở thành một quy trình liên tục và khép kín, giúp nhanh chóng hoàn thiện phần mềm ở mức độ cao, luôn tốt hơn giải pháp giấu lỗi bằng cách giấu kín mã nguồn.

Về lo ngại liên quan đến việc một phần mềm ngay cả khi phát hành dưới dạng phần mềm nguồn mở vẫn có thể bị lãng quên, ông Nguyễn Thế Hùng nêu ý kiến cho rằng việc này hoàn toàn có thể xảy ra vì một phần mềm nguồn mở sống hay chết nó phụ thuộc vào việc mức độ thu hút cộng đồng của nó tới đâu. PMNM rất có thể bị chết nếu nó không đủ độ quan tâm của cộng đồng và bị tác giả bỏ rơi. Trong trường hợp này, phần mềm nguồn mở do nhà nước đặt hàng và có trả tiền, tác giả của nó phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho đứa con mình sinh ra (về việc sửa các lỗi trong quá trình lấy ý kiến, được mọi người phát hiện nhưng không có người vá lỗi).

Ông Hùng cũng bác bỏ ý kiến cho rằng cộng đồng thì vô tổ chức, không có người chịu trách nhiệm trong việc cung cấp và duy trì dịch vụ bởi vì cộng đồng có nhiều doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân. Cộng đồng ở đây không chỉ có các cá nhân mà nó bao gồm nhiều thành phần như cộng đồng người/tổ chức sử dụng (là các cơ quan nhà nước, sở, bộ, ban, ngành...) cộng đồng các nhà phát triển và các đơn vị hỗ trợ (là các doanh nghiệp và các lập trình viên).

Về ý kiến cung cấp kho code hay chỉ cung cấp một phiên bản mã nguồn như dự định, ông Hùng cho rằng để PMNM hoạt động hiệu quả, cần thiết phải có một kho code được duy trì công cộng chứ không chỉ một bộ code (thực chất là một revision nào đó của phần mềm được chọn để đóng gói) được đưa lên mạng. Nhật ký của kho code chính là nhật ký thi công (chứ không thể sử dụng nhật ký thi công ghi chép theo kiểu thông thường như thi công xây dựng), nó chính là công cụ và là cơ sở để giám sát quá trình phát triển phần mềm do đó là yếu tố không thể bỏ qua của phần mềm nguồn mở. Ông Trương Anh Tuấn cũng cùng quan điểm này và góp ý về việc có thể đưa kho code các dự án này lên Github để nhận được sự quan tâm đóng góp nhiều hơn từ cộng đồng. Trong một gợi ý khác, ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc VNCERT - cũng gợi ý sử dụng github như một công cụ quản lý code nhằm giúp cộng đồng dễ dàng "soi" code của dự án nguồn mở nhằm đảm bảo tính an toàn của PMNM như đặc tính vốn có của PMNM.

Trước ý kiến cho rằng những gì bộ TT&TT công bố theo quy định phải được cung cấp từ chính website của Bộ, ông Hùng đề xuất giải pháp dung hòa, đó là Bộ TT&TT vẫn có thể giữ cách làm theo đúng quy định còn việc duy trì và phát triển phần mềm trên Github hay bất cứ công cụ nào khác, chẳng qua là công cụ của nhà phát triển nhằm hỗ trợ việc tiếp nhận các đóng góp của cộng đồng. Các tác giả phần mềm có quyền tiếp nhận hoặc từ chối các đóng góp này thông qua github và vì thế đương nhiên họ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình giống như việc họ đang sử dụng bất cứ công cụ quản lý mã nguồn nội bộ nào khác.

Trước vấn đề lo ngại rằng sẽ không có doanh nghiệp nào quan tâm hỗ trợ cho phần mềm sau này. Ông Tuấn cho rằng phải mở hoàn toàn để tránh việc chuyển độc quyền theo kiểu nguồn đóng sang độc quyền mã mở. Và với số lượng các sở, ban, ngành lớn như ở Việt Nam hiện nay, thị trường nhà nước là một thị trường rộng lớn đủ để rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm. Nếu phát triển theo đúng con đường PMNM, không chỉ một doanh nghiệp tự xây dựng và cung cấp dịch vụ cho sản phẩm của mình mà sẽ có vô số các doanh nghiệp khác tham gia cung cấp các dịch vụ cài đặt, bảo trì, sửa lỗi với mức giá vô cùng cạnh tranh. Khi đó Bộ sẽ không phải lo việc giá cả dịch vụ cao hay thấp hoặc ai sẽ phải chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ cũng như duy trì phần mềm sau này.

Ông Tuấn cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng cục Ứng dụng CNTT - khi cho rằng vì phần mềm này chưa từng được công khai nên rất cần có sự tham gia góp ý rộng rãi, công khai mã nguồn theo đúng cách làm của PMNM trước khi Bộ TT&TT có thể ra khuyến nghị sử dụng rộng rãi các phần mềm này.

Sau khi các bên cùng thảo luận/tranh luận, hỏi/đáp và đóng góp nhiều ý kiến khác xoay quanh việc làm sao để 7 phần mềm này trở thành PMNM đúng nghĩa, quyền tác giả của PMNM, quy trình, cách thức lấy góp ý như thế nào cho hiệu quả... Cuối cùng, thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã có kết luận chỉ đạo với một vài nội dung chính như sau:

1. Gửi công văn cùng toàn bộ kết quả dự án cho các đơn vị và DN để lấy ý kiến. Đặt tên phiên bản phần mềm lấy ý kiến là 1.0.01 để tiện phân biệt.

2. Việc lấy ý kiến góp ý rộng rãi, bằng nhiều phương tiện từ nay đến cuối tháng 5.

3. Yêu cầu các đơn vị liên quan (VNISA, Viện CNPM&ND Số, Bộ Nội Vụ, VNCERT, VFOSSA...) phối hợp kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra quy trình và trình tự thủ tục hành chính được xây dựng trong phần mềm.

4. Đề nghị các nhà thầu sửa chữa, fix lỗi được phát hiện và tiếp thu các góp ý được thu thập.

5. Phát hành phiên bản chính thức (ví dụ đặt tên 2.0.01) để cung cấp sử dụng rộng rãi sau đó.

VFOSSA sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sau khi có văn bản chỉ đạo chính thức do Bộ TT&TT công bố trong vài ngày tới.

Tác giả: Administrator

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay8,377
  • Tháng hiện tại180,012
  • Tổng lượt truy cập32,860,304
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây