Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam là sáng kiến của Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm động viên phong trào học tập tin học và khuyến khích các tài năng tin học trẻ. Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 1992 và được duy trì tổ chức hằng năm cho đến nay. Diễn ra xuyên suốt 31 năm, Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam được đánh giá là cuộc thi sôi động, thiết thực với sinh viên các trường Đại học & Cao đẳng, Qua đó phát hiện sớm các tài năng trí tuệ của lớp trẻ Việt Nam bổ xung nguồn lực CNTT-TT phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 31 có sự tham gia của 71 trường Đại học, Cao đẳng và Học viện cả nước với 74 sinh viên dự thi khối Siêu Cup, 177 sinh viên khối Chuyên Tin, 142 sinh viên khối Không chuyên tin, 12 sinh viên Khối cao đẳng, 45 sinh viên dự khối Phần mềm nguồn mở và 49 sinh viên tham dự Procon Việt Nam.
Hội đồng giám khảo do PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Hồ Sĩ Đàm chủ trì vẫn tiếp tục khẳng định Hội đồng giám khảo thi lập trình hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, còn có ông Lê Đôn Khuê, Phó Giám đốc ICPC Vietnam, Thành viên HĐGK; PGS.TS Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch CLB VFOSSA, Chủ tịch HSGK nội dung Phần mềm nguồn mở; Ông Dương Lê Minh, Chủ tịch HSGK PROCON VN; Ông Trần Quang Lộc, Chủ tịch Hội đồng chọn đề ICPC.
Phần thi Phần mềm nguồn mở là một trong những hạng mục thi chính trong cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 31, với số lượng thí sinh tham gia nhiều hơn so với kỳ thi OLP Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 30, trong đó có 45 thí sinh (tạo thành 15 đội) đến từ 13 trường Đại học đăng ký tham gia. Cũng như những năm trước, VFOSSA vẫn tiếp tục là đơn vị đứng ra tổ chức, ra đề và chấm thi cho hạng mục này.
Hội đồng giám khảo khối thi Phần mềm nguồn mở năm nay gồm có ông Ngô Hồng Sơn - Chủ tịch CLB VFOSSA; 03 thành viên trong VFOSSA cũng là những người giàu kinh nghiệm về Phần mềm nguồn mở: ông Trương Anh Tuấn, anh Tạ Tuấn Anh, anh Lê Quang Hiếu; anh Phan Tấn Dũng (thành viên phát triển nhân hệ thống NukeViet).
Phần thi Phần mềm nguồn mở thi theo mô hình Hackathon diễn ra trong vòng 8 tiếng liên tục. Chủ đề thi năm nay có 12 chủ đề cho các đội thi lựa chọn đăng ký tham gia thi. Cách thức chấm điểm dựa theo thang điểm chấm cho toàn bộ quá trình thí sinh tham gia lập trình, từ kỹ năng code, kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc nguồn mở,.....
Sau 4 ngày diễn ra kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 31 (OLP’22), Procon Việt Nam và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC Asia Hồ Chí Minh City, lễ bế mạc và trao giải đã diễn ra vào ngày 09/12/2022.
Kết quả khối thi Phần mềm nguồn mở của Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 31 như sau:
Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Hội đồng Ban Giám khảo, các Mentor đã hỗ trợ nhiệt tình các đội thi trong suốt thời gian qua, các thầy cô và các bạn sinh viên đã quan tâm và hưởng ứng cuộc thi và các bộ phận hỗ trợ khác để tạo nên thành công của Khối thi Phần mềm nguồn mở - cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 31.
Hẹn gặp lại OLP’23, Procon và ICPC Asia Hue City năm 2023 tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với sự bùng nổ và thành công hơn nữa.
Ý kiến bạn đọc