Thảo luận về dự thảo chương trình hành động của VFOSSA

Thứ năm - 05/01/2012 23:09
Dự thảo Chương trình hành động của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam vừa được đăng lên website của VFOSSA, BBT Website hy vọng sẽ nhận được đóng góp của các thành viên quan tâm và tâm huyết với sự phát triển của nguồn mở Việt Nam
Thảo luận về dự thảo chương trình hành động của VFOSSA

Dự thảo Chương trình hành động

Tác giả: Lê Trung Nghĩa      Đăng vào: Thứ tư, 04-01-2012
 
Dự thảo Chương trình hành động của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam

Mục lục

1. Lời nói đầu

2. Các căn cứ pháp lý

3. Phân tích các cơ sở cho chương trình hành động của Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam

3.1. Đặc thù của PMTDNM và các cộng đồng của nó

3.1.1. Định nghĩa về PMTDNM

3.1.2. Các loại giấy phép của PMTDNM và tài liệu mở

3.1.3. Các mô hình cộng đồng và hệ sinh thái PMTDNM

3.1.4. Các mô hình kinh doanh của PMTDNM

3.2. Quan điểm về phát triển công nghệ mở

3.2.1. Phát triển công nghệ mở là gì?

3.2.2. Những lợi ích của PTCNM

3.2.3. Những điều kiện tiên quyết chủ chốt đối với PTCNM

3.2.3.1. Các quyền trí tuệ

3.2.3.2. Tính đơn giản

3.2.4. Làm sao để có được một dự án phần mềm PTCNM thành công

3.2.5. Giải nghĩa một số khái niệm trong PTCNM

3.2.5.1. Định nghĩa chuẩn mở

3.2.5.2. Giao diện mở

3.2.5.3. Thiết kế mở

3.2.5.4. Công cụ trực tuyến cộng tác và phân tán

3.2.5.5. Tính lanh lẹ của công nghệ

3.3. Hiện trạng về ứng dụng và phát triển PMTDNM

3.3.1. Tổng quan về sự phát triển PMTDNM trên thế giới

3.3.2. Hiện trạng ứng dụng và phát triển PMTDNM tại Việt Nam

3.3.2.1. Thời kỳ trước năm 2007

3.3.2.2. Từ 2007 tới nay

3.3.3. Kết luận rút ra từ hiện trạng

3.4. Phân tích SWOT về PMTDNM

4. Chương trình hành động của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam

4.1 Quan điểm

4.2. Mục tiêu

4.3. Nội dung kế hoạch

4.4. Dự kiến về tổ chức của CLB PMTDNM VN

4.5. Các vấn đề khác

Phụ lục

Điều lệ Hội Tin học Việt Nam


File đính kèm: VFOSSA Action Plan.odt (139,4 KB)
Để tiện theo dõi, BBT Website xin tóm tắt phần 4:

Chương trình hành động của CLB PMTDNM VN được xây dựng dựa vào:

1.Điều lệ của Hội Tin học Việt Nam
2.Một số quan điểm chủ đạo được nêu bên dưới.
3.Dựa vào đặc thù của PMTDNM như được nên trong phân tích SWOT được trình bày ở trên, những đặc thù của PMTDNM và PTCNM, những đặc thù phát triển của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới.


4.1 Quan điểm  

 1.Đối với công nghiệp phần mềm:

 a)Công nghiệp phần mềm là nền công nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số, không phải sản phẩm và dịch vụ theo công nghiệp truyền thống. Vì vậy không thể áp dụng y nguyên những phương thức phát triển của công nghiệp truyền thống cho công nghiệp phần mềm.

 b)An ninh và chủ quyền của một quốc gia đòi hỏi phải có một nền công nghiệp phần mềm tự chủ, không bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, không thể nhất nhất tuân theo sự “phân công lao động” từ các tập đoàn độc quyền nước ngoài, trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 c)Khu vực tư nhân, sử dụng các phần mềm/hệ thống thông tin đóng hay mở là tùy vào túi tiền của họ. Đối với khu vực nhà nước, sử dụng các phần mềm/hệ thống thông tin mặc định phải là mở.

 d)Phải tạo ra được một trường cạnh tranh lành mạnh, một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp phần mềm, cho nền công nghiệp phần mềm.

 2.Đối với hệ điều hành

 a)Phải xây dựng được hệ điều hành tự chủ của Quốc gia, mà để làm được nó trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, không có cách nào khác ngoài việc phải dựa vào hệ điều hành phần mềm tự do nguồn mở GNU/Linux.

 b)Trên cơ sở hệ điều hành tự chủ quốc gia mới có thể xây dựng các dịch vụ Web tự chủ được. Mà dịch vụ web chính là những dịch vụ của tương lai.

 c)Phát triển hệ điều hành tự chủ chính là tiền đề để phát triển CPU tự chủ.

 d)Đối với một quốc gia, thị trường phần mềm trong giáo dục không được để mất quyền tự chủ, dù các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng “giúp” cho không phần mềm, đặc biệt là phần mềm hệ điều hành, để chiếm đoạt lấy tương lai của quốc gia đó.

 e)Sự can thiệp của các thế lực độc quyền ở mức cao nhất của một quốc gia, thông qua các thỏa thuận dạng “xây dựng chính phủ điện tử”, với phần mềm hệ điều hành và/hoặc các nền tảng sở hữu độc quyền khác để trói buộc các quốc gia.

4.2. Mục tiêu

1.Tập hợp, xây dựng, mở rộng, củng cố và duy trì các cộng đồng PMTDNM, PTCNM trong các chi hội của Hội Tin học Việt Nam và các thực thể khác trong xã hội theo phương châm “PMTDNM đi tới đâu, cộng đồng PMTDNM được xây dựng tới đó”.

2.Vận động, phối kết hợp trong xây dựng cơ chế chính sách để phát triển CNTT-TT nói chung, PMTDNM, PTCNM nói riêng.

3.Quảng bá, phổ biến, nâng cao nhận thức, thúc đẩy PMTDNM, PTCNM trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam.

4.Tiến hành thường xuyên các hoạt động đào tạo về PMTDNM, PTCNM trong các thành viên của CLB PMTDNM, trong các chi hội thành viên của Hội Tin học Việt Nam và bất kỳ đối tượng nào khác có quan tâm.

5.Thường xuyên phối hợp, tư vấn và hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các đối tượng khác trong việc triển khai PMTDNM, PTCNM.

6.Hợp tác quốc tế với các tổ chức bảo vệ PMTDNM, PTCNM trên thế giới, cả ở khía cạnh kỹ thuật và pháp lý để đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho toàn bộ hệ sinh thái PMTDNM, PTCNM tại Việt Nam.

4.3. Nội dung kế hoạch

Dưới đây là những nội dung gợi ý dự kiến CLB PMTDNM VN nên thực hiện. Một số nội dung là xuyên suốt mọi thời gian, một số nội dung có những ấn định khoảng thời gian thực hiện. Để thực hiện được tốt, cần có sự phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khác và phải được chi tiết hóa hơn nữa.

 1.Tập hợp, xây dựng, mở rộng, củng cố và duy trì các cộng đồng PTCNM, PMTDNM, các LUG tại các tỉnh thành, bộ - ngành theo phương châm “PMTDNM đi tới đâu, cộng đồng PMTDNM được xây dựng tới đó”, liên tục theo thời gian, nhấn mạnh theo thứ tự trong:

 a)Các hội thành viên của Hội Tin học Việt Nam.

 b)Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm - dịch vụ về phần mềm/các hệ thống thông tin đã, đang và sẽ là thành viên của Hội Tin học Việt Nam.

 c)Các cơ sở giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước như được nêu trong Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 về “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng”.

 d)Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trực thuộc Bộ TTTT, là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về CNTT-TT.

 e)Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan tới CNTT-TT, tới việc mua sắm - xây dựng - đào tạo - nghiên cứu phần mềm/các hệ thống thông tin tại các Bộ Quốc phòng, Bộ Công An.

 f)Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan tới CNTT-TT, tới việc mua sắm - xây dựng - đào tạo - nghiên cứu phần mềm/các hệ thống thông tin tại các Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và các Bộ - Ngành khác.

 2.Vận động, phối kết hợp trong xây dựng cơ chế chính sách để phát triển

 a)Vận động các cơ quan hữu quan để cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ đưa ra cam kết lâu dài cho ứng dụng và phát triển PMTDNM, PTCNM tại Việt Nam. Trong năm 2012.

 b)Vận động, phối kết hợp với các cơ quan hữu quan trong Chính phủ và Quốc hội sửa đổi luật sở hữu trí tuệ, bản quyền và bằng sáng chế đối với phần mềm/các hệ thống thông tin theo hướng tạo sự bình đẳng giữa đóng và mở, loại bỏ bằng sáng chế phần mềm ra khỏi danh mục được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Từ nay tới năm 2015.

 c)Vận động, phối kết hợp với các cơ quan hữu quan trong Chính phủ và Quốc hội để có lộ trình để hướng tới việc Chính phủ phải có quyền trí tuệ không hạn chế đối với các phần mềm/hệ thống thông tin được sử dụng trong Chính phủ. Từ nay tới năm 2015.

 d)Vận động, phối kết hợp với các cơ quan hữu quan trong Chính phủ có lộ trình sửa đổi chính sách mua sắm phần mềm/hệ thống thông tin theo hướng chuyển từ mặc định là mua sắm sản phẩm sang mặc định là mua sắm dịch vụ và dựa vào các tiêu chuẩn mở. Bằng cách này sẽ thay đổi dần chính sách mua sắm như hiện nay thành chính sách mua sắm mặc định theo PTCNM. Hiện trạng CNTT-TT của Việt Nam chỉ cho thấy: Không thay đổi chính sách mua sắm công thì không thể phát triển được PMTDNM, CNM. Từ nay tới năm 2015.

 e)Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong Chính phủ chỉnh sửa lại các văn bản quy phạm pháp luật trong việc thi tuyển công chức, nâng bậc, nâng lương, bổ nhiệm chức vụ có đề cập tới kiểm tra các kỹ năng về CNTT-TT để loại bỏ hết tất cả những chỗ chỉ định đích danh tên sản phẩm và/hoặc tên công ty sản xuất ra các sản phẩm sở hữu độc quyền, nếu có, và thay thế vào đó bằng bất kỳ sản phẩm nào dựa vào các PMTDNM, PTCNM, không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp cụ thể nào, không phụ thuộc nền tảng hệ điều hành nào. Trong năm 2012.

 f)Các văn bản pháp luật liên quan khác.

 3.Hoạt động quảng bá, phổ biến, nâng cao nhận thức, thúc đẩy PMTDNM, PTCNM trong các thành viên của CLB PMTDNM, trong các chi hội thành viên của Hội Tin học Việt Nam và bất kỳ đối tượng nào khác có quan tâm.

 a)Các hoạt động của Hội THVN
  • Cung cấp và chia sẻ các thông tin của thế giới và trong nước về các hoạt động liên quan tới PMTDNM, PTCNM đưa lên website của CLB.
  • Tích cực tham gia triển khai cuộc thi MHST thường niên cho sinh viên CNTT-TT các trường đại học, nhấn mạnh tới khía cạnh đóng góp mã nguồn trở ngược lại cho các cộng đồng PMTDNM, PTCNM trong và ngoài nước đối với các giải pháp, sản phẩm sẵn có.
  • Tích cực tham gia các hoạt động thường niên khác của Hội THVN như các cuộc thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc, Tuần lễ tin học...
  • Tích cực tham gia các Hội nghị toàn quốc và Quốc tế về PMTDNM, PTCNM.
  • Các hoạt động khác.

 b)Các hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo - đài.
  • Tham gia viết bài và xây dựng các chương trình để tuyên truyền về PMTDNM, PTCNM trên các phương tiện TV, báo đài, trên các báo - tạp chí chuyên ngành, nhất là trên tạp chí của Hội THVN như Tin học & Đời sống, Tin học Nhà trường, Thế giới số và các báo - tạp chí chuyên ngành khác.
  • Xây dựng các bài giảng về các sản phẩm, giải pháp PMTDNM, PTCNM trên truyền hình, có kết hợp các thông tin khác có liên quan.
  • Các hoạt động tuyên truyền khác trên báo - đài.

 c)Các hoạt động phối hợp với các cơ sở giáo dục của Bộ GDĐT
  • Tổ chức các cuộc thi hàng năm sử dụng các công cụ PMTDNM, PTCNM trong dạy và học, cả trong các trường đại học, cao đẳng, lẫn trong hệ thống giáo dục phổ thông.
  • Thành lập các đội tuyên truyền thường xuyên tổ chức nói chuyện, giới thiệu về PMTDNM, PTCNM và các vấn đề liên quan tại các trường đại học và hệ thống giáo dục phổ thông trong toàn quốc. Lấy lực lượng nòng cốt trong các cộng đồng LUG tại các tỉnh và/hoặc các trường đại học.
  • Thành lập các câu lạc bộ PMTDNM, PTCNM trong các trường đại học, cao đẳng có các khoa CNTT.
 d)Phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các cuộc thi sử dụng các công cụ PMTDNM, PTCNM trong các công chức các tỉnh - bộ - ngành hàng năm. Dự kiến sử dụng các đề bài thi tuyển công chức để thực hiện.

 e)Tổ chức các buổi nói chuyện về PMTDNM, PTCNM và các vấn đề liên quan với các tỉnh - bộ - ngành. Dự kiến mỗi tháng 1 lần.

 f)Phối hợp với Đoàn Thanh niên đưa nội dung PMTDNM, PTCNM vào các chương trình “Thanh niên tình nguyện” về nông thôn trong các dịp hè.

 g)Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đưa các nội dung về PMTDNM, PTCNM vào trong các hoạt động về CNTT-TT của Phòng, thông qua các đối tượng là các hội, hiệp hội ngành nghề khác, không phải là CNTT-TT, tới được các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước.

 h)Phối hợp với các công ty PMTDNM, PTCNM, các cộng đồng LUG và cơ quan liên quan thường xuyên xây dựng, tổ chức, triển khai các hoạt động như:
  • Ngày Hội Cài đặt (Install Fest) tại các trường đại học, các trường phổ thông
  • Ngày PMTDNM, PTCNM với các nội dung giáo dục, trình diễn, trò chơi... sử dụng PMTDNM, PTCNM.
  • Các ngày hội khác của giới PMTDNM, PTCNM: ngày tự do cho phần mềm SFD, ngày tự do cho tài liệu DFD, và các ngày hội khác của cộng đồng PMTDNM.

 i)Các hoạt động khác liên quan tới PMTDNM, PTCNM.

 4.Tiến hành thường xuyên các hoạt động đào tạo về PMTDNM, PTCNM trong các thành viên của CLB PMTDNM, trong các chi hội thành viên của Hội Tin học Việt Nam và bất kỳ đối tượng nào khác có quan tâm.

 a)Văn hóa và các công cụ chia sẻ trong cộng đồng PMTDNM, PTCNM, các cách thức xây dựng, duy trì và phát triển cộng đồng PMTDNM, PTCNM.

 b)Với các nội dung về PMTDNM, PTCNM được khuyến cáo trong các văn bản pháp qui của các Bộ TTTT, Giáo dục Đào tạo...

 c)Với các giải pháp về PMTDNM, PTCNM có sự tham gia của các thành viên CLB PMTDNM và các cộng đồng tại Việt Nam.

 d)Với các nội dung pháp lý của PMTDNM, PTCNM như sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm, bằng sáng chế phần mềm, các vụ kiện phần mềm, các giấy phép của PMTDNM, tài liệu mở ...

 e)Với các nội dung liên quan khác.

 5.Thường xuyên phối hợp, tư vấn và hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các đối tượng khác trong việc triển khai PMTDNM, PTCNM.

 a)Phân biệt rõ việc hỗ trợ từ cộng đồng và hỗ trợ chuyên nghiệp từ các công ty cung cấp các dịch vụ xung quanh PMTDNM, PTCNM.

 b)Tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật, trước hết, cho các sản phẩm đã được nêu trong các văn bản qui phạm pháp luật của Bộ TTTT, Bộ GDĐT. Lưu ý là ỏ bước khởi đầu, khi chưa có nhiều các tùy biến, chúng thuần túy đều là những PMTDNM cộng đồng.

 c)Bản địa hóa PMTDNM, PTCNM và các tài liệu bản địa hóa đi kèm là trọng tâm.

 d)Một số hình thức hỗ trợ kỹ thuật bằng các công cụ làm việc cộng tác mà CLB PMTDNM VN sẽ phát triển và một số khác như:
  • Thông qua việc hỏi - đáp bằng các công cụ giao tiếp trên Internet như các danh sách thư điện tử (mailing lists), các nhóm thảo luận (forums).
  • Thông qua các chỉ dẫn trên các trang web, wiki và các công cụ mạng khác.
  • Thông qua các tài liệu điện tử như sách điện tử, các video clip, các đĩa DVD/CD, các đầu USB và các công cụ điện tử khác.
  • Phối hợp với các đối tác, xây dựng các xuất bản phẩm, các bài viết theo lối truyền thống như sách, tài liệu hướng dẫn, báo, tạp chí.
  • Phối hợp với các đối tác, xây dựng các chương trình trên đài, TV.
  • Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác.
6.Hợp tác quốc tế. Là một hoạt động quan trọng của CLB PMTDNM VN trong môi trường toàn cầu hóa, cả về kỹ thuật công nghệ lẫn pháp lý. Đây chính là nơi để Việt Nam có được những người bạn mới trong các hoạt động PMTDNM, PTCNM.

 a)Các mục tiêu hợp tác quốc tế:
  • Hoạt động PMTDNM, PTCNM trong một môi trường pháp lý quốc tế với các tổ chức pháp lý và bảo vệ PMTDNM, PTCNM.
  • Tận dụng được tri thức và trí tuệ của cộng đồng PMTDNM, PTCNM trên thế giới cho ứng dụng và phát triển trong thực tế triển khai ở Việt Nam.
  • Tham gia vào mạng lưới các hiệp hội, cộng đồng về PMTDNM, PTCNM để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về PMTDNM, PTCNM.
  • Nâng cao trình độ đội ngũ chuyên gia về PMTDNM, PTCNM ở Việt Nam, hợp tác, chia sẻ về việc phát triển nguồn nhân lực về PMTDNM, PTCNM.
  • Thu hút các nguồn lực của nước ngoài cho đầu tư ứng dụng và phát triển PMTDNM, PTCNM ở Việt Nam.
b)Gợi ý các đối tác trong hợp tác quốc tế về PMTDNM, PTCNM

Quỹ Phần mềm Tự do FSF và Tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở (OSI): 2 tổ chức bảo vệ PMTDNM lớn nhất thế giới. Đây là 2 tổ chức đưa ra các định nghĩa về PMTD và PMNM một cách tương ứng. Đây cũng là 2 tổ chức phê chuẩn hầu như tất cả các giấy phép của PMTDNM trên thế giới. Vào tháng 03/2010, khi xảy ra sự kiện Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ Quốc tế IIPA (mà Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp BSA là một trong 7 cơ quan trực thuộc) đệ trình lên Đại diện Thương mại Mỹ “Báo cáo đặc biệt 301” yêu cầu Chính phủ Việt Nam (và một số chính phủ quốc gia khác) “Dừng chính sách ưu tiên nguồn mở được Chính phủ phê chuẩn vì nó đang hạn chế sự lựa chọn công nghệ tại Việt Nam”, thì chính 2 tổ chức này là 2 tổ chức đầu tiên phản đối kịch liệt quan điểm của IIPA.

Trung tâm Luật Tự do cho Phần mềm SFLC (Software Freedom Law Center). Là tổ chức bảo vệ PMTDNM về mặt pháp lý trên thế giới, có quan hệ mật thiết với FSF và OSI.

Quỹ Linux (Linux Foundation) và Quỹ Tài liệu (Document Foundation) là các tổ chức phát triển nhân của hệ điều hành GNU/Linux và bộ phần mềm văn phòng tự do nhất thế giới hiện nay LibreOffice một cách tương ứng. Đây là những phần mềm mà các cơ quan, đơn vị trong cả khu vực nhà nước và tư nhân, thậm chí cả người dân đều có thể sử dụng hàng ngày.

Các tổ chức mang tính liên minh mạnh về PMTDNM, PTCNM của khu vực và thế giới:
  • Tổ chức Giám sát và Kho Nguồn mở cho các nền hành chính nhà nước châu Âu - OSOR (Open Source Observatory and Repository for European public administration), nơi có những quốc gia hàng đầu thế giới về PMTDNM, PTCNM như Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Qua đó có thể thiết lập được với những trung tâm mạnh như CENATIC của Tây Ban Nha... Rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn tốt về các công nghệ mở có thể học hỏi được từ OSOR.
  • Mạng Nguồn mở Quốc tế IOSN (International Open Source Network) do UNDP thành lập và của Trung tâm Phần mềm Nguồn mở châu Á - AOSSC (Asian Open Source Software Center) với 12 nền kinh tế là: Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Macau, Malaysia, Philippines, Pakistan, Singapore, Thái Lan và Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang tham gia). Một số Trung tâm năng lực mạnh trong khu vực như Trung tâm Năng lực Nguồn Mở (OSCC) của Malaysia.
  • Tổ chức Phần mềm Nguồn Mở vì nước Mỹ OSFA (Open Source for America). Nhiều hãng phần mềm nổi tiếng thế giới là thành viên của tổ chức này như Google, Red Hat, Canonical, Novell, .... và tổ chức này cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt IIPA trong vụ “Báo cáo đặc biệt 301” được nêu ở trên.
  • Học viện Công nghệ mở FTA (Free Technology Academy), Viện Linux Chuyên nghiệp LPI (Linux Professional Institute). Đây là những tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ PMTDNM, PTCNM hàng đầu thế giới.
  • Các trường đại học có các khoa chuyên ngành khoa học máy tính có sử dụng các PMTDNM, PTCNM nổi tiếng trên thế giới.
  • Các hãng hàng đầu thế giới về PMTDNM: Red Hat, Canonical, Google, HP, Intel ... Các hãng hàng đầu thế giới về PMTDNM, PTCNM. Nhiều hãng trong số này đã có mặt tại Việt Nam.
  • Các quốc gia hàng đầu về PMTDNM, PTCNM trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Úc, Brazil và trong khu vực như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Malaysia, Thái Lan.
4.4. Dự kiến về tổ chức của CLB PMTDNM VN

Để có khả năng thực hiện được các nội dung kế hoạch nêu trên, CLB PMTDNM VN cần hoạt động theo mô hình của một Quỹ PMTDNM, có một cơ cấu tổ chức phù hợp để thực hiện. Gợi ý thành lập một số ban trong CLB như:

1.Ban Phát triển Cộng đồng
2.Ban Pháp lý, chính sách
3.Ban Quảng bá Phổ biến (Ban Tuyên truyền)
4.Ban Đào tạo
5.Ban Tư vấn, Hỗ trợ triển khai
6.Bạn Quan hệ Quốc tế
7.Ban Hành chính Quản trị

Nhân sự của tất cả các ban này đều là những người tình nguyện, có uy tín, được bầu từ cộng đồng theo nguyên tắc đại diện.

4.5. Các vấn đề khác

 1.Bên cạnh những công việc được nêu ở trên, CLB PMTDNM VN, với tư cách là Chi hội của Hội Tin học Việt Nam, có những hoạt động như được nêu trong Điều lệ của Hội Tin học Việt Nam, như phụ lục kèm theo.

 2.Theo Điều 13 của Điều lệ Hội Tin học Việt Nam về Chi hội:

 a)Đại hội toàn thể của Chi hội 05 năm họp một lần.
 b)Đại hội toàn thể hội viên của Chi hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
  • Thông qua báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành Chi hội;
  • Quyết định phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch công tác của Chi hội;
  • Bầu Chi hội trưởng và Chi hội phó;
  • Cử đại biểu đi dự hội nghị cấp trên.
  • Các Chi hội được Hội giúp đỡ để tổ chức các cơ sở hoạt động khoa học và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT, tự hạch toán và quản lý các cơ sở này theo quy định của pháp luật, các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định của Hội. Hội giúp đỡ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những cơ sở này.
Để có nội dung đầy đủ, xin tải file đính kèm: VFOSSA Action Plan.odt (139,4 KB)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay4,635
  • Tháng hiện tại199,985
  • Tổng lượt truy cập32,880,277
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây