“Lửa” bản quyền trong hiệp định TPP

Thứ tư - 06/04/2016 23:09
Vấn đề tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định rất rõ và chặt chẽ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên. Sự vi phạm bản quyền lần này được nâng lên thành mức chế tài và hình sự hóa.
“Lửa” bản quyền trong hiệp định TPP
Các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý Việt Nam cần sớm đưa ra đối sách theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và quốc gia. Bản thân các doanh nghiệp cần nắm kỹ những quy định trong TPP để có sự chuẩn bị tốt nhất, nếu không sẽ trở tay không kịp khi Hiệp định chính thức có hiệu lực (dự kiến tháng 6-2017).

Gia nhập TPP, các doanh nghiệp được giảm thuế, thông thương ưu đãi nhưng bù lại bị ràng buộc về sở hữu trí tuệ. Trao đổi với TBKTSG về những tác động của TPP đối với ngành Công nghệ thông tin (CNTT), T.S Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam nhấn mạnh, những quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP là điểm mấu chốt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp CNTT (làm phần mềm, nội dung số, dịch vụ...), tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp ứng dụng CNTT và các tổ chức, cơ quan nhà nước. Không dừng lại ở việc khuyến khích tuân thủ bản quyền phần mềm như một số hiệp định thương mại trước đây, quy định sở hữu trí tuệ trong TPP khắt khe hơn nhiều, bắt buộc các bên không thể không tuân thủ luật chơi.

Doanh nghiệp, chính phủ có thể phải hầu tòa

Trước hết đó là khả năng hình sự hóa, đối tượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị kiện ra tòa, hoặc bị áp dụng các biện pháp chế tài như không được miễn thuế, cấm xuất nhập cảnh, thậm chí người nhà của doanh nghiệp đó không được cấp thị thực để ra nước ngoài làm ăn kinh doanh... Luật chơi mới này cũng cho phép một công ty có thể kiện chính phủ vì quốc gia đó có những công ty, tổ chức vi phạm bản quyền, với khả năng thắng kiện cao. Và để thực thi quy định này, không cần đến tận nơi tiến hành thanh tra, kiểm tra, lập biên bản, mà chỉ cần bằng các biện pháp kỹ thuật, bên nguyên đơn vẫn có thể đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh doanh nghiệp/tổ chức đó đang vi phạm bản quyền. Bởi vi phạm bản quyền là cái không thể giấu và không thể biện minh.

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực làm phần mềm, nội dung số, dịch vụ... - đối tượng sử dụng những công cụ phần mềm để phát triển giải pháp, vấn đề tuân thủ bản quyền đặt ra rất rõ. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp dùng những công cụ phần mềm để phát triển, triển khai những ứng dụng thì doanh nghiệp đó cần phải quan tâm đến việc mình đang sử dụng công cụ gì, đã đảm bảo tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của nhà cung cấp công cụ, nền tảng hay chưa. Sau đó, khi bán phần mềm hay triển khai dịch vụ cho khách hàng, doanh nghiệp phải liệt kê được những công cụ phần mềm và nêu rõ chi phí sử dụng với từng loại để khách hàng biết họ phải trả gì, được gì.

Ông Minh cho biết, việc xác định này là câu chuyện mà trước đây các doanh nghiệp Việt Nam chưa hề đặt ra, họ chỉ quen với cách nghĩ cứ làm phần mềm, còn việc dùng thế nào thì khách hàng tự chịu trách nhiệm. Song lần này tham gia TPP, các doanh nghiệp phải có nhận thức khác, cách làm khác. Cụ thể, doanh nghiệp phải làm rõ được bản quyền của các phần mềm chạy trên hệ điều hành, cơ sở dữ liệu chạy trên phần mềm, những thành phần nhúng lên sản phẩm... một cách minh bạch để không bị mất đi sự tin tưởng của khách hàng, vì sau khi dùng phần mềm khách hàng phát hiện chi phí phát sinh nhiều hơn tính toán ban đầu.

Tuy nhiên xét trên bình diện doanh nghiệp làm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT thì TPP mang lại nhiều cơ hội. Bởi các doanh nghiệp CNTT Việt Nam vốn đã có khả năng tiếp cận những đơn hàng với khối lượng ứng dụng lớn tại nhiều quốc gia từ nhiều năm qua. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp CNTT khi phát triển phần mềm cũng đã tạo ra những sở hữu trí tuệ của riêng mình. Nên nếu làm chặt, hiểu các luật lệ, biết đăng ký thương hiệu, đăng ký giải pháp hữu ích, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ biết cách bảo vệ trí tuệ của mình trong sản phẩm. Vả lại, nhiều phần mềm hiện nay được phát triển theo xu hướng mở, trên nền tảng mã nguồn mở, chúng ta phát triển được theo hướng này để làm chủ công nghệ sẽ giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc.

Đối với các doanh nghiệp ứng dụng CNTT nói chung, câu chuyện tuân thủ sở hữu trí tuệ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trả một khoản phí tương đối lớn để sở hữu các phần mềm bản quyền nếu không muốn bị kiện và phạt tiền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu vào các nước trong nhóm TPP, nếu trong quá trình sản xuất sản phẩm doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm sử dụng liên quan đến sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đó có thể sẽ bị phạt hoặc bị cấm xuất khẩu. Thiệt hại đó quả thật lớn hơn rất nhiều so với việc trốn tránh tuân thủ bản quyền. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, bỏ ra một số tiền lớn để mua bản quyền ban đầu sẽ vô cùng khó khăn. Trước tình thế đó, các doanh nghiệp phải có sự lựa chọn hợp lý, hoặc mua bổ sung phần mềm (không riêng gì của Microsoft), hoặc có bước chuyển đổi từng phần hay toàn phần sang các giải pháp nền tảng nguồn mở để giảm chi phí đầu tư.

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty PAT cho biết thêm, không cần phải đợi đến TPP có hiệu lực, trên thực tế các doanh nghiệp đã và đang bắt đầu bị vướng vào câu chuyện sở hữu trí tuệ, dễ nhận thấy nhất là trong những phiên đấu thầu quốc tế. Những sản phẩm sử dụng cho những công cụ để làm công tác xử lý văn bản, phần mềm, thiết kế... không sử dụng bản quyền sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi ngay từ đầu. Họ cho rằng doanh nghiệp không tuân thủ luật chơi, chào giá rẻ vì giá thành đó chưa tính toán bản quyền phần mềm.

Gấp rút thiết kế đối sách giảm thiểu phí tổn

Tại Việt Nam, trung bình một doanh nghiệp quy mô 300 người, chi phí bản quyền cho riêng các “license” trên máy tính ước tính khoảng trên 1 tỉ đồng/năm. Tương tự với khối cơ quan chính phủ, chi phí ấy được tính tầm 60 triệu đô la Mỹ/năm. Làm sao để giải quyết được bài toán về quyền sở hữu trí tuệ với chi phí phải trả hợp lý là vấn đề lớn đặt ra hiện nay. Đặc biệt khi việc tuân thủ này sẽ diễn ra liên tục và dài hạn, bắt đầu từ lúc chúng ta chuẩn bị tham gia đến ký kết, phê duyệt cho đến lúc thực thi. TPP ảnh hưởng đến doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp ứng dụng CNTT, vì vậy các cơ quan quản lý trong ngành nên sớm có tham mưu, đưa ra những đối sách tốt nhất vừa phát triển công nghiệp CNTT đất nước, vừa phù hợp với luật chơi TPP.

Theo ông Hoàng Lê Minh, để chuẩn bị vào cuộc chơi này chúng ta cần có sách lược. Bắt đầu từ việc phải đánh giá và hiểu được hiện trạng của mình, từ hiện trạng thực tế đó tìm ra những giải pháp thay thế, khắc phục. Trong quá trình khắc phục cần có lộ trình thực hiện, làm sao cho hiệu quả, đàm phán thế nào với đối tác để khi họ kiện, mình có cơ sở chống lại. Chẳng hạn với hệ điều hành Windows 10 hiện Microsoft cho người dùng cài đặt miễn phí đến năm 2017, chúng ta cũng cần phải làm rõ với Microsoft nếu cài đặt hệ điều hành này mà không đăng ký thì có bị vi phạm không (hiện Microsoft không bắt đăng ký), hoặc trong trường hợp chỉ muốn cài đặt mà không dùng thì sao, hoặc nếu cho hệ điều hành này chạy trên máy tính nhưng không kết nối với các dịch vụ của Microsoft thì có phải trả tiền không...?!

Tóm lại các cơ quan nhà nước cần phải lường trước được những điều sẽ xảy ra để có phương án đối phó, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp sử dụng giải pháp thế nào để không bị vi phạm bản quyền, áp dụng những quy định ra sao để có lợi cho mình, chỗ nào cần lách, nên tránh.

Việc chuẩn bị để giảm thiểu phí tổn là điều cần thiết. Thời gian để các nhà hoạch định lập đối sách này chỉ kéo dài từ nay đến khi TPP có hiệu lực, sau đó sẽ không còn cơ hội để chuẩn bị gì nữa, cứ căn theo luật mà làm.

Ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp, vì vậy lần xây dựng đối sách này quan trọng, cần có sự tham vấn của các chuyên gia thương mại, các tổ chức chuyên môn về sở hữu trí tuệ, cơ quan chuyên ngành CNTT và sự vào cuộc tích cực của các đơn vị truyền thông. Song song đó, những văn bản hướng dẫn hy vọng sẽ sớm được ban hành cho doanh nghiệp trong thời gian này.

Bởi theo ghi nhận của TBKTSG, khi được hỏi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành CNTT đều cho rằng TPP có ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình, song cụ thể thế nào thì hầu hết chưa ai có cơ hội để nắm rõ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM cũng cho rằng, ngoài những hội thảo giới thiệu về những quy định khung trong TPP, nên có thêm nhiều chương trình hội thảo chuyên đề dành riêng cho từng ngành, để doanh nghiệp có thông tin, tận dụng cơ hội, cẩn thận giao dịch và hoàn thiện những gì còn thiếu sót.

Tác giả: Bạch Đông

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay8,237
  • Tháng hiện tại87,824
  • Tổng lượt truy cập32,768,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây