Mùa hè sáng tạo 2009 - bước khởi đầu cho một sự thay đổi căn bản?

Thứ bảy - 23/06/2012 06:23
Bài viết tổng kết MHST 2009 đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 11/2009, trang 69-71.

Xuất xứ

Ai là ông vua trên Internet trong kỷ nguyên thông tin kết nối mạng ngày nay? Câu trả lời mà bất kỳ ai trong thế giới CNTT TT đều biết: Google. Hãng phần mềm Internet nguồn mở 11 tuổi này đạt được vị thế số 1 thế giới trên không gian mạng một phần chủ yếu là vì hãng đã và đang được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ sinh thái của phần mềm tự do nguồn mở (FOSS). Google là nơi mà toàn bộ hạ tầng cơ sở hệ thống với hơn 10 triệu máy chủ nằm trong ít nhất 36 trung tâm dữ liệu trên khắp toàn cầu đều dựa trên FOSS, là nơi quản lý hàng trăm dự án FOSS, là nơi cung cấp các phần mềm như một dịch vụ (SaaS) dựa trên FOSS với số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới (như Google Mail, Calendar, Documents, Reader, Blog, News Group và hàng tá những thứ ngon lành khác), là nơi mà từ vài năm nay đóng góp trở lại cho các cộng đồng FOSS hàng triệu dòng lệnh mỗi năm, là nơi mà sự đổi mới sáng tạo xuất phát từ những ý tưởng táo bạo được chắp cánh và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để được thực hiện một cách nhanh nhất có thể và cuối cùng nhưng chưa phải là tất cả, là nơi sản sinh ra một cuộc thi đình đám mang tên Google Summer of Code - Mã nguồn mùa hè của Google, một cuộc thi hàng năm dành cho các sinh viên, học sinh trên toàn thế giới tham gia lập trình, đóng góp mã nguồn cho hàng trăm dự án FOSS do Google quản lý trong thời gian 3 tháng hè - ý tưởng mà dựa trên đó, cuộc thi Mùa hè sáng tạo 09 của Việt Nam vừa được tổ chức và đã có được thành công tốt đẹp.

Khúc dạo đầu

Tại Hội thảo Quốc gia lần thứ năm về PMTDNM tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2008, TS. Nguyễn Hồng Quang, giảng viên Viện Tin học Pháp ngữ (IFI), thay mặt một nhóm thành viên tâm huyết với FOSS của HanoiLUG đã trình bày sáng kiến về việc tổ chức một cuộc thi tương tự như GSoC, nhưng ở một mức độ nhỏ hơn, chỉ dành cho các học sinh và sinh viên Việt Nam.

Tên theo tiếng Anh được đặt ra cho cuộc thi là Vietnam Summer of Code, viết tắt là VNSoC. Thể lệ của cuộc thi này cũng được phỏng theo điều lệ của GSoC, được cải biên cho phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Sáng kiến đã lập tức nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của Hội Tin học Việt Nam, Văn phòng Công nghệ thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ. Hội Tin học Việt Nam, được sự hỗ trợ kinh phí của Văn phòng Công nghệ thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty truyền thông Việt Nam, đã đứng ra phát động cuộc thi VNSoC'09 với tên tiếng Việt là “Mùa hè sáng tạo - Sinh viên viết PMNM 2009”, viết tắt là MHST09, và thông báo rộng rãi cho tất cả các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước. Theo lịch của BTC, cuộc thi được phát động từ đầu tháng 6/2009 và sẽ về đích nhân dịp cuộc thi Olympic Tin học thường niên của Hội Tin học Việt Nam cho các Đại học và Cao đẳng, vào đầu tháng 10/2009 tại Đại học Nha Trang.

Tuân thủ tuyệt đối tinh thần FOSS và các chuẩn mở, không có ngoại lệ

Đây là một cuộc thi chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, vì bản chất của nó là lập trình dự án FOSS, vì thế tất cả mọi thể lệ cuộc thi, kể từ hồ sơ phát động cho đến sản phẩm cuối cùng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của phong trào FOSS, không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Trước tiên, tất cả mã nguồn kết quả của các dự án dự thi đều phải được công bố dưới dạng một giấy phép FOSS được phê chuẩn bởi 2 tổ chức hàng đầu thế giới về FOSS là Quỹ Phần mềm Tự do FSF (Free Software Foundation) và tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở OSI (Open Source Initiative), thông qua bản cam kết về quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm dự thi của các đội và/hoặc cá nhân tham gia cuộc thi. Cần biết rằng bất kỳ FOSS nào, cũng có một giấy phép đi theo nó và cho dù hiện nay có tới trên 70 giấy phép FOSS các loại, nhưng điểm chung nhất của các giấy phép này, là chúng đều phải tuân thủ định nghĩa về Phần Mềm Tự Do của FSF và/hoặc định nghĩa về Phần mềm nguồn mở của OSI.

Thứ hai, bất kể dự án nào tham gia cuộc thi cũng đều phải cung cấp không chỉ phần mềm đã được biên dịch thành các gói, mà còn cả tài liệu và mã nguồn theo đúng các qui định của thế giới FOSS, như việc phải chỉ ra được phần mềm và mã nguồn là theo giấy phép nào, có thể tải về mã nguồn và các gói của phần mềm ở đâu, kể cả mã nguồn của phần mềm gốc cũng như mã nguồn của phần mềm dẫn xuất sau khi mã nguồn của phần mềm gốc được đóng góp thêm vào bởi các đội và/hoặc cá nhân dự thi.

Thứ ba, quy định bắt buộc đối với mọi tài liệu được sử dụng trong các phần mềm và/hoặc trong giao tiếp về bất kỳ việc gì trong cuộc thi đều phải sử dụng định dạng tài liệu mở ODF theo tiêu chuẩn ISO/IEC 26300 (như các tài liệu văn bản phải sử dụng tiêu chuẩn định dạng ODT) và/hoặc chuẩn mở cho các tài liệu không có sự soạn thảo tiếp sau là PDF và việc trao đổi thông tin trên mạng Internet được thực hiện qua một website dành riêng cho cuộc thi, được xây dựng từ một SaaS dựa trên FOSS của Google.

Thứ tư, giống như GSoC, mỗi dự án được chấp nhận dự thi đều có người hướng dẫn (mentor) được BTC cuộc thi chấp nhận. Mentor phải cam kết làm hướng dẫn viên tự nguyện, trung thực và không đòi hỏi thù lao. Mentor có trách nhiệm hướng dẫn các sinh viên tuân thủ phong cách làm dự án FOSS (phong cách “Chợ – bazzard” trong tác phẩm “Thánh đường và Chợ” của E. Raymond, sáng lập viên của OSI). Mỗi dự án đều phải có website riêng do đội trưởng dự án quản lý, cộng đồng được phép truy cập và có thể tham gia trong và cả sau cuộc thi.

Cuộc thi

Một khối lượng không nhỏ các công việc về tổ chức cho một cuộc thi đã được triển khai thực hiện bởi các nhà tổ chức một cách khẩn trương, từ những thủ tục cần đệ trình tới các cơ quan nhà nước hữu quan; huy động các nhà tài trợ; huy động sinh viên các trường đại học tham gia cuộc thi; lập website của cuộc thi; huy động các công ty và các trường đại học cung cấp các đề thi; huy động lực lượng các chuyên gia từ các trường đại học, khối doanh nghiệp và trong cộng đồng FOSS làm mentor cho các dự án; lên qui chế Hội đồng giám khảo, thang điểm và cách chấm dự án; huy động thành viên Hội đồng giám khảo - những người có hiểu biết chuyên môn và có thiện chí tham gia cuộc thi đầu tiên về FOSS một cách tình nguyện hiện nay để tìm trong toàn quốc là không nhiều; liên hệ địa điểm tổ chức cuộc thi vòng chung khảo, và nhiều công việc không tên khác. Cũng may là Ban tổ chức, mà nhất là Hội Tin học Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm với công việc tổ chức các cuộc thi quy mô toàn quốc như OLP Tin học, cho dù cuộc thi MHST09 lần này là chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay.

Cuộc thi đã được phát động chính thức từ đầu tháng 6/2009 cho tới ngày kết thúc vòng chung khảo tại trường Đại học Nha Trang vào ngày 09/10/2009 và được chia làm 3 vòng: vòng 1 sơ loại chọn ý tưởng - sản phẩm, vòng 2 thực hiện các sản phẩm và vòng chung khảo dành cho các sản phẩm có tiềm năng được nhận giải thưởng. So với GSoC, thời gin lập trình thực sự của các dự án của MHST09 lần đầu tiên này chỉ bằng 2/3, tức là có vỏn vẹn 2 tháng chứ không phải 3 như của GSoC.

Kết quả cuộc thi

Sau buổi bảo vệ chung khảo ngày 9/10/2009 tại Đại học Nha Trang kéo dài suốt từ 9 tới 15 giờ, trước Hội đồng chung khảo gồm 6 thành viên, vượt qua bốn dự án khác, dự án LiveParaOS của nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội do sinh viên Nguyễn Thành Trung làm đội trưởng với cố vấn dự án Nguyễn Việt Huy đã đoạt giải nhất. Với thành công này đội dự án LiveParaOS đã đoạt CUP Vô địch cùng giải thưởng trị giá 30 triệu đồng. Lễ trao giải MHST09 đã diễn ra vào tối cùng ngày, cùng với lễ tổng kết và trao giải của OLP Tin học 2009.

TT

Tên dự án

Đơn vị

Đoạt giải

1

LiveParaOS

Đại học Bách khoa Hà Nội

Nhất

2

Xây dựng công cụ giải bài toán quản lý y tế tuyến cơ sở VNHIS (Vietnam Hospital Information System)

Đại học Bách khoa Hà Nội

Nhì

3

POMA - Position Manager

Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Ba

4

Phần mềm hỗ trợ dạy và học toán - Math Assistance Software

Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Khuyến khích

5

Mạng xã hội cho các tổ chức - SNORG

Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Khuyến khích

 

Hướng tới MHST2010

Trong buổi gặp mặt mừng công và rút kinh nghiệm của MHST09 lần đầu tiên do Hội Tin học Việt Nam tổ chức dành cho các mentor, thành viên giám khảo và BTC ở Hà Nội tối ngày 21/10/2009 và Tp Hồ Chí Minh trưa ngày 24/10/2009, mọi người đều thống nhất rằng dù MHST09 đã thành công, nhưng là lần đầu tiên thực hiện theo phong cách FOSS nên vẫn còn có một số việc còn khiếm khuyết, rất cần được rút kinh nghiệm cho kỳ thi MHST2010 được tốt hơn, bớt cập rập hơn về thời gian, chu đáo hơn trong các khâu tổ chức và làm sao để những sản phẩm - giải pháp dự thi bám sát hơn được vào thực tế.

Một thực tế rõ ràng là tất cả các dự án được chấp nhận vào vòng 2 đều do các nhóm sinh viên tự đề xuất ý tưởng và trực tiếp thực hiện. Các ý tưởng phát triển dự án PMNM do các công ty đề xuất chưa nhận được sự hưởng ứng của sinh viên. Đây là một hạn chế lớn cần được khắc phục để có được các dự án PMNM phục vụ nhu cầu thực tế, có tính bền vững và giúp các doanh nghiệp phát hiện các tài năng PMNM trong sinh viên phù hợp với nhu cầu phát triển của mình.

Đội ngũ mentor, mặc dù nhiệt tình, trung thực, song nhìn chung vẫn thiếu kinh nghiệm trong dẫn dắt các dự án theo phong cách FOSS. Chủ yếu vẫn là các thầy trực tiếp hướng dẫn sinh viên của mình theo phong cách cổ điển. Thói quen làm việc trực tuyến, chia sẻ tài liệu, phương pháp và công cụ giao tiếp hiện đại thông qua Internet chưa được tận dụng tối đa.

Đội ngũ giám khảo cho các vòng thi chưa đủ đông nên mỗi giám khảo phải làm nhiều việc. Thời gian dành cho giám khảo chấm bài cần rộng rãi hơn. Các giám khảo cũng chưa có hiểu biết đầy đủ và đồng đều về phong cách dự án FOSS. Quy chế cho giám khảo cũng như các thang điểm cần chi tiết và cụ thể hơn.

Trên tinh thần đó, một số gợi ý đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp về những chủ đề có thể làm nguồn cho các ý tưởng của dự án cho MHST2010 như:

1. Các phần mềm FOSS phục vụ cho giáo dục đào tạo, có thể lấy ý tưởng từ “55 cách đưa nguồn mở vào giáo dục”, một bài viết trên Internet đúc rút ra 55 phần mềm FOSS trải rộng trong khắp các môn học trong các trường phổ thông, từ việc dạy gõ bàn phím 10 ngón cho tới những trợ giúp cho các môn học như toán, lý, hóa, sử, địa, nhạc, họa... cho đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 tới lớp 12.

2. Các phần mềm FOSS phục vụ cho các cơ quan nhà nước như những sản phẩm FOSS mà Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian vừa qua đã đưa ra khuyến cáo sử dụng trong các cơ quan nhà nước hoặc trong tương lai sẽ đưa ra khuyến cáo.

3. Các phần mềm FOSS cho doanh nghiệp, như phần mềm kế toán, ERP, CRM ... và/hoặc từ một số công ty đang triển khai các phần mềm - giải pháp FOSS có nhu cầu tích hợp, tùy biến (các) module phục vụ cho nhu cầu thực tế hiện nay tại VN cả cho khối doanh nghiệp lẫn cho khối các cơ quan nhà nước.

4. Các công ty PMNM cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường Đại học để ra ý tưởng và chuẩn bị cho các sinh viên tiếp cận sớm sân chơi này ngay từ năm thứ 2-3 của Đại học. Trong điều kiện có thể, đưa ra các phần thưởng vật chất ngoài phần hỗ trợ của BTC để lôi cuốn sinh viên.

5. Các Đại học phát động sớm ngay từ kỳ một và có thể tổ chức sơ tuyển nội bộ.

Lời kết

Thông qua các cuộc thi như MHST chuyên về FOSS này, hy vọng một cộng đồng các lập trình viên FOSS trẻ tuổi sẽ dần được hình thành từ các trường đại học của Việt Nam, dần trở thành một lực lượng chính, chủ chốt và đông đảo trong đổi mới sáng tạo về CNTT TT những năm sắp tới. Một cộng đồng không thể thiếu trong hệ sinh thái FOSS Việt Nam, nơi mà nó, cùng với các cộng đồng FOSS khác tại Việt Nam, như cộng đồng bản địa hóa FOSS, cộng đồng các doanh nghiệp FOSS, cộng đồng các nhà đầu tư cho FOSS (mà trong đó không thể không kể tới sự tham gia của nhà nước) và cộng đồng rộng lớn những người sử dụng FOSS, sẽ tạo ra một hệ sinh thái FOSS Việt Nam mạnh, biết kết hợp và tận dụng sức mạnh của những người khổng lồ là các cộng đồng trong hệ sinh thái FOSS toàn cầu. Cộng đồng đó sẽ tạo nên sức mạnh thực sự cho nền công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam bằng chính trí tuệ của mình, tạo ra nhiều sản phẩm và giải pháp FOSS đáp ứng được các nhu cầu trước hết là trong nước của cả khối các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Trên đà đó, chúng ta dần tiến tới làm chủ công nghệ, khẳng định và bảo vệ được chủ quyền quốc gia đối với hạ tầng các hệ thống thông tin và bản thân các thông tin, dữ liệu trong các hệ thống đó, hướng tới việc bảo vệ được chủ quyền quốc gia về không gian mạng - điều mà ngày nay được ví như một loại đường biên giới mới trong chủ quyền quốc gia cần được bảo vệ, hệt như những đường biên giới truyền thống về địa phận, không phận và hải phận - trong kỷ nguyên số.

Không làm chủ được CNTT trong kỷ nguyên số sẽ dẫn quốc gia tới sự lệ thuộc lâu dài và/hoặc vĩnh viễn về mọi mặt.

MHST09 - bước khởi đầu cho một sự thay đổi căn bản? Hy vọng sẽ là như vậy.

Trần Lê - Nguyễn Hồng Quang

PS: Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 11/2009, trang 69-71.

Nguồn tin: vnfoss.blogspot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay9,965
  • Tháng hiện tại195,856
  • Tổng lượt truy cập32,193,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây