Công bố đề thi nội dung Phần mềm nguồn mở - Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam 2023

Thứ năm - 16/11/2023 07:08
Công bố đề thi nội dung Phần mềm nguồn mở - Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam 2023
Công bố đề thi nội dung Phần mềm nguồn mở - Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam 2023
Công bố đề thi nội dung Phần mềm nguồn mở - Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam 2023

Phát triển ứng dụng hỗ trợ tra cứu, hỏi đáp tri thức pháp luật dựa trên Bộ pháp điển và CSDL văn bản QPPL

 

Đặt vấn đề

Pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, từ Thông tư trở lên và trừ Hiến pháp (Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư). Pháp điển Việt Nam được xây dựng theo phương pháp hình thức. Cơ quan có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp đầy đủ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý và thường xuyên, kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới hoặc loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực mà không sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật để thay thế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (có khoảng hơn 10.000 văn bản QPPL sử dụng để pháp điển).

Theo quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng chính phủ, Bộ pháp điển Việt Nam gồm có 45 chủ đề (bộ phận cấu thành của Bộ pháp điển) và 271 đề mục (bộ phận cấu thành chủ đề). Mỗi chủ đề chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Trong một chủ đề có một hoặc nhiều đề mục trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Trong mỗi đề mục có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều và nội dung của các Điều.

Bộ Pháp điển Việt Nam được xây dựng và công bố trên Cổng thông tin điện tử Pháp điển do Bô Tư pháp vận hành (https://phapdien.moj.gov.vn). Người dùng có thể tra cứu khai thác trực tuyến hoặc tải về máy toàn bộ nội dung của Bộ pháp điển đã được xây dựng theo từng đề mục. Người dùng cũng có thể tìm kiếm các điều của QPPL theo từ khóa. Với phương thức khai thác này, Bộ pháp điển có ưu điểm hơn so với CSDL văn bản QPPL (https://vbpl.vn/) là tập hợp được nội dung của nhiều văn bản pháp luật khác nhau thuộc cùng một lĩnh vực để trình bày theo một trật tự hợp lý trong một chủ đề. Qua đó người dùng sẽ dễ nắm bắt được tổng thể xuyên suốt toàn bộ các quy định pháp luật trong cùng lĩnh vực.

Tuy nhiên, Bộ Pháp điển có một nhược điểm lớn là không có tính cập nhật thường xuyên, kịp thời so với việc ban hành các văn bản QPPL có hiệu lực thi hành. Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Do đó theo quy định về xây dựng pháp điển, Đề mục “Bảo vệ môi trường” đã được xây dựng theo Luật cũ phải được hủy bỏ. Tuy nhiên cho đến nay đề mục này vẫn còn để trống trong Bộ Pháp điển, chờ được xây dựng và Chính phủ thông qua. Từ đó người dùng sẽ không thể khai thác được các nội dung pháp luật về Bảo vệ môi trường thông qua Bộ Pháp điển hiện hành.  
 

Mục đích yêu cầu

Xây dựng ứng dụng hỗ trợ người dùng tra cứu, hỏi đáp tri thức pháp luật dựa trên nguồn dữ liệu được khai thác từ Bộ Pháp điển Việt Nam và CSDL văn bản QPPL. Ứng dụng phải mang lại được các tiện ích tốt hơn cho người dùng so với các dịch vụ hiện đang được cung cấp trên mạng Internet. Nó khắc phục được điểm yếu hiện nay của Bộ Pháp điển Việt Nam là không được cập nhật kịp thời các văn bản QPPL mới đã có hiệu lực thi hành. Áp dụng các công nghệ tiên tiến về xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tự động phân tích nội dung văn bản. Từ đó tạo ra các dịch vụ hỗ trợ người dùng tra cứu, hỏi đáp tri thức nằm trong văn bản QPPL. Dưới đây là một số gợi ý về các chức năng cần có (nhưng không giới hạn) của phần mềm ứng dụng mới.

  1. Hỗ trợ tra cứu, xem các nội dung văn bản QPPL đang có hiệu lực theo trật tự sắp xếp về chủ đề, đề mục, chỉ mục và các điều giống như Bộ Pháp điển Việt Nam. Phần mềm tự động tạo liên kết giữa các điều khoản, chỉ mục được tham chiếu lẫn nhau trong nội dung của văn bản QPPL. Nó cho phép đánh dấu phân biệt các nội dung đã được và chưa được pháp điển hóa. Các nội dung chưa pháp điển hóa thì được sắp xếp theo một trật tự do phần mềm tự động tính toán gợi ý từ việc phân tích nội dung văn bản phù hợp. Người dùng có thể thực hiện phản hồi lại thông tin về mức độ chính xác của các gợi ý sắp xếp để phần mềm có thể ghi nhớ và đưa ra các cải tiến về sắp xếp phù hợp hơn cho các lần tiếp theo.

  2. Phần mềm tự động trích rút các thuật ngữ, từ ngữ được định nghĩa và sử dụng trong các văn bản QPPL. Nó thực hiện đánh dấu tất cả các từ ngữ và cho xem nhanh định nghĩa được sử dụng khi tra cứu nội dung của từng điều khoản. Phần mềm cho phép tra cứu nhanh bảng chỉ mục (index) tất cả các từ ngữ và định nghĩa tương ứng của nó trong văn bản.

  3. Cho phép người dùng tìm kiếm nhanh để xem các nội dung văn bản QPPL liên quan theo các gợi ý về từng nhóm vấn đề và từ khóa chính hay được sử dụng trong hệ thống tri thức pháp luật của Việt Nam. Hỗ trợ sắp xếp, tìm kiếm các bảng, biểu mẫu được quy định trong các văn bản QPPL theo các nhóm thủ tục hành chính để người dùng có thể dễ dàng khai thác theo nhu cầu.

  4. Hỗ trợ trả lời các câu hỏi của người dùng về pháp luật dựa trên việc trích rút tri thức từ các văn bản QPPL hiện đang có hiệu lực. Phần mềm phải hiển thị nguồn tham chiếu trích dẫn các điều khoản trong văn bản nhằm trả lời cho câu hỏi của người dùng. Khi đặt câu hỏi, người dùng có thể nhận được một số gợi ý về các câu hỏi tương tự hoặc liên quan để có thể tự khám phá sâu hơn về các tri thức của pháp luật.

 

Phát triển phần mềm

Phần mềm được xây dựng để có thể cung cấp dịch vụ cho người dùng trên môi trường mạng Internet. Áp dụng mô hình kiến trúc microservice trong thiết kế phát triển phần mềm qua đó tách biệt các mô đun thành phần dịch vụ (backend) và các mô đun thành phần giao diện người dùng (frontend). Ưu tiên việc lựa chọn, khai thác các công nghệ sử dụng mã nguồn mở trong lập trình phát triển phần mềm. 

Các đội tham gia có thể sử dụng một khung phát triển (framework) sẵn có hoặc tự tạo để lập trình phần mềm. Tuy nhiên cần đảm bảo được một số yêu cầu cơ bản (nhưng không giới hạn) sau đây trong quy trình phát triển phần mềm.

  • Trừu tượng hóa thiết kế dữ liệu để lưu trữ trong các loại CSDL SQL và NoSQL 

  • Xác thực, phân quyền truy cập dữ liệu theo người dùng đối với các API cung cấp dịch vụ

  • Lập trình kiểm thử đơn vị tự động đối với các chức năng dịch vụ cung cấp bởi phần mềm

  • Tự động hóa quy trình đóng gói, triển khai (CI/CD) phần mềm để chạy trên các môi trường vận hành 

Đảm bảo có đầy đủ tài liệu mô tả thiết kế phần mềm và hướng dẫn giúp các lập trình viên có thể cùng tham gia để sửa lỗi và phát triển mở rộng các tính năng mới trong tương lai.   

 

Gửi bài thi

Các đội tuyển tham gia gửi kết quả bài dự thi về cho BTC cuộc thi PMNM năm 2023 bằng hình thức thư điện tử theo quy cách và thời hạn dưới đây.

Tiêu đề thư: BÀI THI PMNM 2023 - [Tên Đội] - [Tên Trường]

Nội dung thư:

Kính gửi BTC cuộc thi PMNM 2023,

Đội thi [Tên Đội] - [Tên Trường] đã hoàn thành bài thi và xin gửi BTC kết quả như sau 

Thành viên đội

  1. Tên thành viên 1, năm sinh, ngành đào tạo

  2. Tên thành viên 2, năm sinh, ngành đào tạo

  3. Tên thành viên 3, năm sinh, ngành đào tạo

Người hướng dẫn: Tên Thầy/Cô - Khoa/Viện

Kho mã nguồn dự thi: [đường dẫn truy cập kho mã nguồn chứa đầy đủ nội dung kết quả dự thi]

Đội thi đã hoàn thành việc đăng kí dự thi theo đúng quy định của BTC thông qua [Tên Trường]. Chúng tôi cam kết toàn bộ bản quyền sử dụng đối với sản phẩm dự thi tuân thủ theo đúng các quy tắc của phần mềm tự do nguồn mở.

Địa chỉ nhận bài: olpvietnam@vaip.vn, thuky@vfossa.vn 

Thời hạn gửi bài: 17:00 Thứ 2 ngày 04/12/2023.

Sau thời hạn gửi bài các đội vẫn có thể tiếp tục cập nhật kho mã nguồn, BTC xem toàn bộ dữ liệu trên kho tại thời điểm thực hiện đánh giá chính là kết quả của bài thi.  

 

Buổi thi chung kết

Tại buổi thi chung kết các đội thi cần chuẩn bị một hệ thống chạy thử nghiệm để trình diễn sản phẩm dự thi. Khuyến khích việc thử nghiệm vận hành trên môi trường Internet để người dùng có thể truy cập sử dụng và đưa ra các phản hồi đối với các chức năng của phần mềm ứng dụng.

Mỗi đội thi được trình bày trước Ban Giám khảo trong 15 phút cho sản phẩm của mình bao gồm các nội dung sau:

  • Phương pháp tiếp cận, giải pháp kĩ thuật chính trong việc áp dụng mô hình ngôn ngữ lớn vào xây dựng các tính năng của sản phẩm

  • Kiến trúc ứng dụng và công nghệ sử dụng để phát triển phần mềm ứng dụng

  • Kết quả đã đạt được đến thời điểm hiện tại và trình diễn sản phẩm

  • Các mở rộng, cải tiến trong giai đoạn tiếp theo và phương hướng duy trì phát triển PMNM 

 

Tiêu chí chấm điểm

 

STT

Tiêu chí

Điểm

Ghi chú

I

Dự án PMNM

5

Chấm trước buổi chung kết

1

Mã nguồn và phần mềm sẵn sàng trên Internet

1

Có thể cài đặt phần mềm từ mã nguồn hoặc bằng các gói đóng sẵn (binary, docker,..)

2

Phát hành theo giấy phép OSI-approved và đúng yêu cầu đầu bài

1

Sản phẩm có giấy phép mở và giải quyết đúng đầu bài của đề thi

3

PoF không vượt quá 60

1

<= 60 = 1đ / <= 100 = 0.5đ / > 100 = 0đ

4

Sử dụng các công cụ phát triển dùng mã nguồn mở

0.5

Git, Docs, CSDL,...

5

Giấy phép phải đảm bảo tính tương thích

0.5

Trong trường hợp sử dụng nhiều thành phần nguồn mở sẵn có để xây dựng phần mềm

6

Có tài liệu hướng dẫn biên dịch và cài đặt

0.5

Tài liệu rõ ràng, thực hiện được

7

Có kênh công khai để giao tiếp, liên lạc

0.5

Mailing list, bug tracker, irc...

II

Sản phẩm phần mềm

5

Chấm trong buổi chung kết

8

Tính nguyên gốc của giải pháp kĩ thuật

1

Dựa trên kết quả trình bày về sự sáng tạo của đội thi

9

Mức độ hoàn thiện của sản phẩm 

1

Dựa trên kết quả chạy trình diễn sản phẩm

10

Mức độ sử dụng thân thiện của sản phẩm

1

Dựa trên các tiện ích của sản phẩm đối với người dùng

11

Khả năng phát triển bền vững của sản phẩm 

1

Dựa trên các tài liệu kĩ thuật, công cụ hỗ trợ công bố kèm theo

12

Phong cách trình bày và khả năng thu hút cộng đồng người dùng

1

Dựa trên showcase trình diễn sản phẩm tại cuộc thi

 

Gợi ý thiết kế cấu trúc CSDL

Các văn bản QPPL được lựa chọn theo các lĩnh vực để đưa vào các đề mục của pháp điển. Văn bản QPPL được cấu trúc hóa từ nội dung toàn văn của một văn bản thành một cây chỉ mục bao gồm: Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều, Phụ lục, Bảng, Biểu mẫu,.... Mỗi văn bản QPPL sẽ được sắp xếp vào một đề mục pháp điển tương ứng với lĩnh vực chuyên ngành của nó. Tương tự như cây chỉ mục văn bản, mỗi đề mục pháp điển cũng được cấu trúc hóa thành một cây chỉ mục bao gồm: Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều,... (không có Phụ lục, Bảng Biểu). Từ ngữ pháp luật được trích rút trong văn bản để xác định được nội dung giải thích và vị trí sử dụng tài các điều.

     

luoc do csdl phap dien va van ban qppl
Lược đồ CSDL pháp điển và văn bản QPPL

 

Mỗi điều trong đề mục pháp điển phải được trích dẫn nguyên văn từ một điều trong văn bản QPPL gốc. Trong trường hợp điều này đã được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ bởi một văn bản khác, thì nội dung pháp điển được xây dựng dựa trên nguyên tắc của văn bản được hợp nhất. Chỉ mục pháp điển phải đồng thời tham chiếu tới các điều đã quy định việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Các bảng, biểu nằm trong phụ lục của văn bản QPPL phải được sắp vào vị trí của một điều có tham chiếu sử dụng đầu tiên trong trật tự sắp xếp nội dung của pháp điển. Ngoài ra. một điều trong đề mục pháp điển có thể được tạo chỉ dẫn tham chiếu tới các điều khác có liên quan trong văn bản QPPL.

Tác giả: Tiến Phạm Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay8,377
  • Tháng hiện tại182,561
  • Tổng lượt truy cập32,862,853
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây