Dự thảo
Mục tiêu và Phương hướng hoạt động của CLB VFOSSA nhiệm kỳ II
Trong nhiệm kỳ I, VFOSSA đã bước đầu tạo dựng được hình ảnh là người đại diện cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Bước đầu chuyển tải được thông điệp PMTDNM một xu thế tất yếu không thể bỏ qua, một hệ sinh thái mới đầy tiềm năng có thể góp phần đem lại phồn vinh cho đất nước và cộng đồng. VFOSSA bước đầu đã có tiếng nói và đã tạo được tiếng vang trên các diễn đàn, Hội thảo của ngành CNTT&TT, có một số đóng góp cho Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT và một số cơ quan Ban ngành của Nhà nước.
Mục tiêu
- Khẳng định vai trò, vị thế của PMTDNM trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội đất nước, có đóng góp tích cực cho đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT, đem lại lợi ích và phồn vinh cho đất nước, trong đó có các thành viên của VFOSSA.
- Góp phần hình thành lực lượng lao động có kỹ năng cao về PMTDNM, có hiểu biết về tư duy, phương pháp luận và hệ sinh thái PMTDNM, có khả năng tham gia thực hiện các dự án CNTT lớn trong nước và đóng góp trở lại cho cộng đồng PMTDNM thế giới.
- Đẩy mạnh truyền bá tư tưởng «Nguồn mở» (Open Source), không chỉ bó hẹp ở PMNM, vào cuộc sống, đến từng người dân để khơi nguồn «Sáng tạo mở» (Open Innovation) trong cộng đồng, đặc biệt trong đối tượng học sinh, sinh viên, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá về Sáng tạo mở của Việt Nam trong tương lai.
- Xây dựng VFOSSA trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp mạnh, có tư cách pháp nhân, độc lập, đại diện cho cộng đồng PMTDNM Việt Nam, trong nước và trên thế giới.
Phương hướng hoạt động
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, trong nhiệm kỳ II này, VFOSSA cần tập trung nỗ lực vào các hoạt động chính sau:
- Tiếp tục duy trì và nâng cao ảnh hưởng, hình ảnh và vị thế của VFOSSA đã đạt được trong nhiệm kỳ I, thông qua việc duy trì đều đặn các hoạt động tuyên truyền, quảng bá PMTDNM và tư tưởng « Nguồn mở » tại các cuộc Hội nghị, Hội thảo về CNTT, cấp Quốc gia và địa phương. Chủ động đề xuất và tổ chức các Hội thảo chuyên đề PMNM với sự tham gia của các chuyên gia PMTDNM quốc tế.
- Đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về PMTDNM, tư duy và cách tiếp cận « Nguồn mở » trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, từ phổ thông đến Đại học, thông qua các hoạt động truyền thống như xê-mi-na, thi tìm hiểu PMTDNM, tạo các sân chơi bổ ích và hấp dẫn SV và học sinh đến với PMTDNM (MHST, OLP OSS, …). Phối hợp với các nhà trường và khoa CNTT thành lập và duy trì hoạt động CLB PMTDNM cho sinh viên, học sinh. Thúc đẩy sự gắn kết giữa các DN thành viên của VFOSSA với các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Cùng với Viện Tin học Nhân dân của VAIP xây dựng và triển khai dự án « Trung tâm Đào tạo và Phát triển PMNM », với mục tiêu xây dựng các chương trình dạy học và cấp chứng chỉ PMNM của VFOSSA. Vận động các thành viên DN và ĐH cùng một số cá nhân tham gia, VAIP hỗ trợ xúc tiến tạo thị trường phía các cơ quan Nhà nước. Tạo nguồn thu cho CLB và tư cách pháp nhân có thể dùng trong một số giao dịch.
- Duy trì và đẩy mạnh hoạt động tư vấn chính sách về CNTT cho Nhà nước, nội dung liên quan đến PMNM và dịch vụ PM, nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho PMTDNM với các PM đóng. Tham gia các Hội đồng thẩm định và đánh giá PMNM, khuyến cáo PMNM sử dụng diện rộng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá PMNM và nhãn hiệu « VFOSSA certified » cho các sản phẩm nguồn mở đạt chuẩn mực nguồn mở theo thông lệ quốc tế.
- Thúc đẩy và hỗ trợ việc tham gia đóng góp vào các dự án PMTDNM.
- Duy trì và nâng tầm ảnh hưởng của các sự kiện trong nước do VFOSSA chủ trì như Ngày tự do phần mềm quốc tế (SFD), cuộc thi Mùa hè sáng tạo sinh viên viết PMNM (MHST), Hội thảo, triển lãm quốc gia về PMNM, …, một mặt vừa để củng cố thương hiệu VFOSSA và quảng bá các doanh nghiệp thành viên, mặt khác tạo nguồn thu tài chính đảm bảo cho các hoạt động và chi tiêu của CLB.
- Đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, hiệp hội PMNM của các nước ASEAN và quốc tế. Chủ động tham gia hoặc đề xuất với Chính phủ cho phép VFOSSA đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức PMNM khu vực và quốc tế. Khi điều kiện cho phép, chủ động đề xuất và điều phối việc đưa một số sự kiện PMTDNM lớn trên thế giới làm tại Việt Nam hoặc mời các chuyên gia hoặc nhân vật nổi tiếng của các cộng đồng PMTDNM đến thăm và thuyết trình tại các sự kiện do VFOSSA chủ trì.
- Tiếp tục mở rộng qui mô CLB, tăng cường kết nạp thêm hội viên mới. Cải tiến qui chế hội viên, qui trình kết nạp chặt chẽ nhưng phải minh bạch, dễ làm, khuyến khích mọi người, chỉ cần yêu thích PMTDNM hoặc tư tưởng NM, tán thành Điều lệ, đều có thể dễ dàng trở thành thành viên của VFOSSA.
- Xây dựng cổng thông tin vfossa.vn trở thành diễn đàn thông tin và trao đổi hữu ích cho cộng đồng và là điểm qui chiếu về PMTDNM của người Việt. Xây dựng mô hình vận hành và quản lý CLB hợp lý và bền vững. Đảm bảo nguồn tài chính tối thiểu để vận hành CLB thông qua Hội phí và các nguồn thu từ các sự kiện do VFOSSA chủ trì.
- Xây dựng văn hóa chia sẻ trong nội bộ các thành viên VFOSSA. Tận dụng và chia sẻ nguồn lực và sức mạnh của mỗi thành viên. Phát triển thị trường ưu đãi nội bộ VFOSSA trên cơ sở các bên cùng có lợi. Hình thành mối liên kết, liên minh giữa các DN để tăng cơ hội đấu thầu và thắng thầu các dự án lớn.
- Xúc tiến vận động để thành lập Hiệp hội PMNM Việt Nam hoặc Hiệp hội Nguồn mở Việt Nam là tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân, khi đủ điều kiện.
- Xây dựng thương hiệu và giá trị cốt lõi hay nói cách khác là « văn hóa VFOSSA ». Trong giai đoạn hiện nay, giá trị đó có thể thể hiện qua khẩu hiệu « Đoàn kết - Hợp tác - Chia sẻ - Sáng tạo - Cùng phát triển ».
BCH VFOSSA nhiệm kỳ II căn cứ vào mục tiêu và phương hướng này đề xuất chương trình hành động cụ thể của CLB cho từng năm.