Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia 1.000 tỉ đồng ra mắt

Thứ ba - 17/03/2015 09:53
Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia là một định chế tài chính mới có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Hằng năm, Quỹ còn được cấp vốn bổ sung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đổi mới KH&CN chính là “giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”. - Ảnh: NGŨ HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đổi mới KH&CN chính là “giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”. - Ảnh: NGŨ HIỆP

Chiều tối 8-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia là một định chế tài chính mới nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ các tổ chức - mà trọng tâm là các doanh nghiệp.

Quỹ sẽ góp phần cho sự phát triển khoa học công nghệ đất nước, đặc biệt đối với việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

“Làm được điều đó thì mới có thể phát triển nhanh, bền vững và đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2015: chỉ tài trợ, chưa cho vay

Theo Quyết định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, vốn điều lệ của Quỹ là 1.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ cấp. Hằng năm, Quỹ còn được cấp vốn bổ sung từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ này.

Tại lễ khai trương, Thủ tướng cũng nhắc những người trực tiếp làm công tác điều hành, quản lý quỹ cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoạt động của quỹ ngày càng hoàn thiện và hiệu quả”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói “một nửa số vốn điều lệ sẽ được dùng để tài trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thậm chí để nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài phục vụ đổi mới công nghệ. Nửa quỹ còn lại sẽ dùng để hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo lãnh vốn vay, cho vay ưu đãi…”.

Tuy nhiên, ông Quân cho biết năm 2015, do tình hình tài chính khó khăn, số tiền ngân sách đầu tư cho Quỹ mới chỉ dừng ở con số 300 tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Quân ở các năm tới sẽ cố gắng bố trí đủ vốn điều lệ cho quỹ là 1.000 tỷ đồng.

“Do nguồn quỹ còn hạn hẹp, nên năm 2015, Quỹ sẽ chỉ tập trung chủ yếu tài trợ các dự án có hợp phần nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tiếp nhận các nghiên cứu từ viện, trường ĐH trong nước hoặc của nước ngoài, chứ chưa hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn hay cho vay ưu đãi các doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại như dự kiến ban đầu”- ông Quân cho biết.

Trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thực tế, ngay khi Quỹ bắt đầu đi vào hoạt động, đã có ý kiến lo ngại Quỹ với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không nhỏ nếu “rót vốn” cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì sẽ tăng bất công trong cạnh tranh kinh tế. Đáp lại băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định trọng tâm ưu tiên đầu tư của quỹ không phải là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

“Quỹ sẽ ưu tiên trước hết đầu tư cho doanh nghiệp KH&CN, trong doanh nghiệp KH&CN lại ưu tiên những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản xuất khẩu để có được những sản phẩm quốc gia công nghệ cao. Lưu ý rằng hiện tại, các doanh nghiệp KH&CN của nước ta đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tất yếu quỹ sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải các tập đoàn lớn”- ông Quân lý giải.

Với sự ra đời của quỹ, Bộ KH&CN hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia trở thành doanh nghiệp KH&CN để được hưởng ưu đãi từ Nhà nước.

“Quan trọng vẫn là số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp biết quan tâm và dựa vào đổi mới công nghệ để phát triển chứ không phải số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận.

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp không đăng ký vì họ cho rằng nếu trở thành doanh nghiệp KH&CN được miễn một chút thuế, nhưng thủ tục quá phiền hà nên rốt cục họ đành đóng thuế như bình thường để không bị “vướng” vào các thủ tục ấy”- ông Quân chia sẻ.

Theo ông Quân, hiện tại, số doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí là doanh nghiệp khoa học công nghệ là hơn 2.000, nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp được cấp phép là doanh nghiệp khoa học công nghệ mới chỉ đạt chưa đến 1/10 với tổng số hơn 100 doanh nghiệp trên cả nước. 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vừa là tổ chức tài chính Nhà nước, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Đối tượng hỗ trợ của Quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ tài chính cho các hoạt động:

1) Nghiên cứu phát triển công nghệ của doanh nghiệp,

2) Chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ hoặc phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia,

3) Ươm tạo doanh nghiệp KHCN,

4) Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,

5) Đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. 

Tác giả: NGỌC HÀ

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay6,045
  • Tháng hiện tại378,640
  • Tổng lượt truy cập32,635,883
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây