Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III và định hướng hoạt động nhiệm kỳ IV của VFOSSA

Thứ năm - 12/05/2022 23:59
Báo cáo của TS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ III tại Đại hội IV. Báo cáo đã nêu bật những thành tích của Ban chấp hành nhiệm kỳ III, đồng thời là những thiếu sót còn tồn đọng. Toàn văn báo cáo như sau:
TS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ III phát biểu Tổng kết nhiệm kỳ. Ảnh: Việt Hoàng.
TS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ III phát biểu Tổng kết nhiệm kỳ. Ảnh: Việt Hoàng.
Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA

Kính thưa các vị khách quý,
Thưa Đoàn chủ tịch,
Thưa Đại hội,


Tôi xin phép thay mặt BCH nhiệm kỳ III của CLB PMTDNM Việt Nam trình bày trước Đại hội báo cáo tổng kết của BCH về những thành quả mà CLB đã thu được trong nhiệm kỳ III (2017-2021), nhiệm kỳ đáng lẽ chỉ có 3 năm qua song vì hoàn cảnh đặc biệt (đại dịch COVID-19) đã phải kéo dài thành 5 năm, những khuyết điểm, vấn đề còn tồn tại, những bài học rút ra được trong nhiệm kỳ này. Trên cơ sở đánh giá bối cảnh chung của Nguồn mở trên thế giới đã có nhiều thay đổi, những mặt được và chưa được của nhiệm kỳ III, chúng tôi nhắc lại những mục tiêu của VFOSSA từ khi thành lập và đề xuất một vài gợi ý định hướng cho hoạt động của CLB trong nhiệm kỳ tới để Đại hội cho ý kiến và cho BCH mới tham khảo và quyết định.


Tổng kết hoạt động của VFOSSA nhiệm kỳ III

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm 2020-2021, với nhiều đợt  phong tỏa kéo dài trên phạm vi cả nước, các hoạt động của VFOSSA cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Phần lớn các sự kiện thường niên phải hủy bỏ hoặc chuyển sang làm online với qui mô và lượng người tham dự rất hạn chế. Những thay đổi và các sự kiện chính mà VFOSSA đã tổ chức hoặc tham gia như sau:


Văn phòng VFOSSA:

Với quyết tâm « chuyên nghiệp hóa » việc quản lý và vận hành của CLB được đề ra tại ĐH III, chức vụ TTK VFOSSA được tái lập, do PCT Trần Kiêm Dũng kiêm nhiệm. Văn phòng VFOSSA được thành lập với 1 thư ký làm việc theo chế độ một phần thời gian dưới sự điều hành của TTK. Công ty FDS đã cho mượn phòng họp của mình làm văn phòng VFOSSA. Mặc dù việc vận hành Thư ký bán thời gian cũng còn một số bất cập trong việc sắp xếp công việc tại một số thời điểm, song việc có một bộ máy vận hành đã làm cho hoạt động điều hành CLB trơn tru và hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi xin cảm ơn Công ty FDS đã tài trợ văn phòng và hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động của VFOSSA, cảm ơn và biểu dương TTK Trân Kiêm Dũng và Thư ký Trần Thị Phương đã rất cố gắng và hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm cao.


Lễ sinh nhật:

Lễ sinh nhật VFOSSA (14/1) vẫn được duy trì đầy đủ và tụ họp được nhiều hội viên tham gia. Đây vẫn luôn là một sự kiện được Hội viên chờ đợi và hưởng ứng tích cực. Địa điểm tổ chức sinh nhật cũng được thay đổi mỗi năm kèm theo những hoạt động văn nghệ sinh động làm tăng tính hấp dẫn và thư giãn cho Hội viên. BCH có báo cáo tổng kết năm, đề xuất chương trình hoạt động năm mới, hội viên đóng góp ý kiến và sau đó là tiệc mừng sinh nhật. Năm 2022 là kỷ niệm 10 năm thành lập VFOSSA, vì dịch bệnh nên lễ sinh nhật được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 2 đầu cầu Hà Nội và Tp HCM và một số Hội viên tham dự từ xa. Báo cáo tổng kết của CT được làm thông qua một chuỗi video hình ảnh kèm thuyết minh nhắc lại lịch sử hình thành VFOSSA và những gì chúng ta đã làm được 10 năm qua.


Ngày hội SFD:

SFD 2017 tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và SFD 2018 tại trường ĐH Cần Thơ đều là những sự kiện được tổ chức hoành tráng và thu hút được rất đông SV tham gia. SFD 2018 đã đưa ra một mô hình tổ chức kết hợp Trường đăng cai, Hội TH địa phương và VFOSSA thành công rất nên được phát huy để duy trì bền vững sự kiện rất có ý nghĩa này dành cho đối tượng SV đại học và cộng đồng địa phương. SFD 2019 được tổ chức nội bộ dành cho các DN thành viên trình bày các sản phẩm và dịch vụ PMNM hoặc dựa trên PMNM và kêu gọi hợp tác cùng kinh doanh. Đây cũng là một hoạt động bổ ích, được các DN hoan nghênh, nên được tiếp tục phát huy. Năm 2020, SFD toàn thế giới bị hủy vì lý do đại dịch. Năm 2021, SFD lại quay trở lại nhưng chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. VFOSSA cũng đã cố gắng kịp thời hưởng ứng và làm được một cuộc hội thảo trực tuyến ngắn gọn nhưng cũng rất bổ ích.


Hội thảo PMNM:

Từ năm 2018, sự kiện Hội thảo PMNM quốc gia thường niên do Vụ CNTT, Bộ TT&TT chủ trì, VFOSSA đồng tổ chức phụ trách nội dung tham luận đã không còn được tiếp tục. Năm 2020, Bộ TT&TT đưa ra sự kiện mới là Diễn đàn Mở Việt Nam (Vietnam Open Summit). VFOSSA đã tham gia tích cực với 3 tham luận và một video giới thiệu lịch sử hình thành cộng đồng PMNM tại VN với VFOSSA là trung tâm. Sự kiện này Bộ dự kiến sẽ được tổ chức hàng năm.

Từ năm 2018, Cộng đồng VietOpenInfra, tiền thân là VietOpenStack, được sự hỗ trợ từ cộng đồng Hạ tầng mở quốc tế, đã có sáng kiến tổ chức một sự kiện PMNM thường niên tại Việt Nam, đó là Ngày Hạ tầng mở Việt Nam (Vietnam Open Infra Day) vào cuối tháng 8. OID’18 và OID’19 đã lần lượt được tổ chức rất thành công tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều diễn giả Hạ tầng mở quốc tế và khu vực trong thời gian 2 ngày. Cùng với Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), VFOSSA là đơn vị bảo trợ sự kiện. Sau 2 năm buộc phải dừng vì đại dịch, được biết OID’22 đã được khởi động trở lại.

Năm 2019, VFOSSA đã chủ động liên kết với tổ chức FOSS Asia (Singapore) nhằm tổ chức một sự kiện thường niên có tên là Vietnam Opentech Summit, dự tính bắt đầu từ năm 2020, với sự tham gia của các diễn giả công nghệ mở quốc tế và khu vực. Đây sẽ là sự kiện nằm trong chuỗi Opentech Summit của FOSS Asia rất thành công trong những năm trước đó ở Đông Nam Á. Rất tiếc đại dịch đã ngăn cản sự kiện diễn ra. Hy vọng với trạng thái bình thường mới hiện nay, chúng ta sẽ có thể mở lại sự kiện này từ năm 2023.


Sản phẩm, dịch vụ là PMNM hoặc dựa trên PMNM

Tại Hội thảo SFD’19, các DN thành viên đã quảng bá hàng chục sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ chuyển đổi số là PMNM hoặc dựa trên PMNM. Có thể kể đến OpenCPS, Flex Digital của FDS ; Digipost, netMeeting của NetNam; SecureMail, Marketing Automation của iWay ; Autoweb, Dauthau.info của Vinades ; Odoo của IZI Solutions; Tổng đài tích hợp của Đỉnh Quang, OSSA của Linagora ; v.v...

Trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, nhu cầu làm việc, hội họp từ xa trở nên cấp bách, nhiều nền tảng PMNM hỗ trợ hội họp, giảng dạy online đã được các thành viên VFOSSA làm chủ và đưa vào ứng dụng. Sáu công ty thành viên VFOSSA là NetNam, FDS, iWay, Đỉnh Quang, CMC TS và CyRadar đã liên kết với nhau lập ra Liên minh CoMeet và đã cho ra đời dịch vụ họp trực tuyến toàn diện, riêng tư và bảo mật xây dựng trên nền PMNM Jitsi. Giải pháp đã được người sử dụng hoan nghênh, được Bộ TT&TT bảo trợ và tổ chức lễ khai trương trọng thể tại trụ sở Bộ từ cuối tháng 3/2020.

Tháng 8-9/2021, một dự án PMNM thiện nguyện của các thành viên VFOSSA gồm FDS, NetNam, iWay, Đỉnh Quang và VINADES có tên gọi VACCOM hỗ trợ tổ chức và quản lý điểm tiêm chủng vắc xin cấp xã, phường đã được thực hiện và ứng dụng thành công, đem lại hiệu quả thiết thực tại phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.


Chủ trì khối thi PMNM tại OLP

VFOSSA vẫn duy trì đều đặn và chịu trách nhiệm ra đề/chấm thi cho khối thi PMNM của sự kiện OLP Tin học hàng năm của Hội THVN. Cộng đồng VietOpenInfra chịu trách nhiệm 2 năm 2017,2018. Tiếp đó nhiệm vụ được giao cho cộng đồng NukeViet trong 3 năm tiếp theo. Tất cả các kỳ thi đều diễn ra suôn sẻ và an toàn. Hội THVN vừa quyết định sẽ nâng cấp nội dung thi này từ mức phong trào trước đây lên thành nội dung có giá trị ngang với các nội dung thi khác của OLP. VFOSSA sẽ tiếp tục hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao.


Truyền thông:

Ngoài 2 kênh truyền thông truyền thống là Website và Fanpage vfossa.vn, trong nhiệm kỳ qua, nhiều diễn giả của VFOSSA đã được mời tham gia các chuyên mục KHCN của các đài truyền hình VTV1, VTV2, VTC2, VOV TV thuyết trình các chủ đề liên quan đến PMNM, Công nghệ mở, Khoa học mở, Dữ liệu mở, Tài nguyên giáo dục mở. Các sự kiện của VFOSSA cũng được nhiều trang thông tin điện tử đưa tin.


Phản biện chính sách, hỗ trợ về Nguồn mở

Đây là mảng công việc nằm trong chức năng nhiệm vụ của VFOSSA. Chúng ta vẫn cố gắng  hưởng ứng những đợt góp ý vào các dự thảo chính sách CNTT do Bộ TT&TT khởi xướng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều lớp học online của VINADES, của anh Lê Trung Nghĩa vẫn được mở hoàn toàn miễn phí để giới thiệu đến mọi người những kiến thức về PMNM, dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở.

VFOSSA cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các dự án, sáng kiến NM tuân thủ Nguồn mở theo đúng thông lệ của cộng đồng. Điển hình là nhóm VietOpenInfra đã tích cực hỗ trợ tuân thủ Nguồn mở cho dự án PMNM Visafe của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng trong năm 2021.


Những hạn chế và thiếu sót tồn đọng

Bên cạnh những thành tích đã đạt được đã nêu trên, trong nhiệm kỳ III, VFOSSA vẫn còn nhiều điểm hạn chế và tồn đọng như sau:


BCH và BTV

BCH NK III khá đông đảo (lúc đầu 27 người, sau bổ sung thêm 2 thành 29) song hoạt động rất ít và không hiệu quả. Nhiều UVBCH gần như không nhớ mình là UVBCH, hoàn toàn thụ động, không mấy quan tâm đến hoạt động của CLB. Mỗi năm vào dịp SN là dịp họp BCH mở rộng, tuy nhiên số lượng UVBCH tham gia không bao giờ được quá nửa, mặc dù đã được Thư ký gọi điện nhắc tận nơi. Nhiều người đã nhận lời tham gia, nhưng đến giờ họp lại « quên mất » và cũng không có thông báo lại. Những kêu gọi đóng góp ý kiến cũng nhận được rất ít phản hồi, đặc biệt ít ý kiến phản biện, phê phán. Mặc dù việc tham gia BCH là tự nguyện, không ép buộc và công việc của UVBCH cũng không đòi hỏi mất nhiều thời gian, sự thờ ơ của BCH với công việc của CLB là việc cần suy nghĩ và tìm hiểu nguyên nhân. Các UVBCH cần phải là những người tích cực hưởng ứng các hoạt động của CLB.

BTV NK III gồm 9 người gồm CT, 6 PCT và 2 UV. So với BCH thì BTV hoạt động tích cực hơn nhiều, sự đóng góp ý kiến cũng nhiều và có chiều sâu hơn. BTV có nhóm thảo luận riêng và thường xuyên trao đổi thông tin trên đó. Tuy nhiên, do BCH không hoạt động nên mọi công việc thường dồn vào một số UVTV gây nên hiện tượng quá tải ở một số thời điểm, nhất là các UVTV đều là những người đứng đầu DN, tổ chức. Rõ ràng ở đây có vấn đề phân công, phân tải không hợp lý và do đó không tận dụng được sức mạnh của BCH. Sự thụ động, thiếu sáng tạo cũng là khá phổ biến ngay ở các UVTV.

Năng lực lãnh đạo của cá nhân Chủ tịch VFOSSA cũng còn nhiều hạn chế. Mặc dù nhiệt tình và có trách nhiệm song CT cũng chưa nắm được hết các băn khoăn của Hội viên và có được sự động viên, khích lệ kịp thời. Hay ôm đồm, can thiệp vào chi tiết cũng là một nhược điểm chậm khắc phục. Đã đến lúc cần một gương mặt Lãnh đạo mới để đem lại sức sống mới cho VFOSSA.


VFOSSA và hội viên

Trong nhiệm kỳ III, có cả thảy 12 hội viên tập thể mới được kết nạp. Con số này là quá khiêm tốn so với lượng DN và tổ chức CNTT đang hoạt động trong cả nước, trong đó có nhiều DN đang ứng dụng PMNM. Điều này cũng chứng tỏ hình ảnh và sức hấp dẫn của VFOSSA còn rất yếu và mờ nhạt. « Vào VFOSSA thì được lợi gì » vẫn luôn là một câu hỏi chưa có được một hoặc một số câu trả lời thuyết phục. Nhiều DN dù đã gia nhập VFOSSA nhưng cũng vẫn  còn băn khoăn về điều này hoặc « mãi chưa thấy được gì, chỉ thấy giục đóng hội phí và mời tài trợ ». Đây là những câu hỏi chính đáng và cần có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả hội viên.

Hội viên cá nhân của VFOSSA hầu như không được để ý tới mặc dù cộng đồng PMNM được hình thành từ các cá nhân đam mê PMNM, các « geeks/hackers ». VFOSSA dường như chỉ quan tâm đến các hội viên tập thể, nhất là các DN, chưa lập được mối liên hệ thăng bằng giữa DN - Trường ĐH (cơ sở đào tạo) - cá nhân/cộng đồng PMNM. Chúng ta dường như đã đánh đồng VFOSSA với một Hiệp hội DN PMNM mà quên mất tính chất cá nhân / cộng đồng làm nên đặc trưng của PMNM. Nếu qui tập được nhiều « geeks/hackers » xuất sắc trong và ngoài nước thì chắc chắn uy tín và hình ảnh của VFOSSA sẽ tăng lên rất nhiều trong con mắt của DN và bạn bè quốc tế.


Truyền thông

Hai kênh truyền thông truyền thống là Website và Fanpage vfossa.vn hoạt động song số bài đăng tương đối ít và thưa thớt, chỉ có rất ít người đăng bài. Cần có chiến lược truyền thông mới cho các kênh thông tin hướng ngoại này.

Các mailing lists của VFOSSA trong thời gian gần đây rất hay bị nghi SPAMS nên việc gửi mail cho các thành viên bị ảnh hưởng rất lớn. Cần có giải pháp khắc phục, kể cả phải chi tiền vì đây vẫn là các kênh thông tin nội bộ quan trọng do tính chất lưu trữ lâu dài và dễ tìm kiếm của nó.

Các thành viên gần đây hay tự phát sử dụng các nhóm chat, đặc biệt trên Telegram. Đây là một kênh truyền thông nội bộ tốt cần được phát huy do tính tiện dụng và tức thời của nó. Tuy nhiên cần có một bộ qui tắc ứng xử và lập ra những nhóm chat chính thức của VFOSSA tuân thủ những qui tắc đó.


Chiến lược phát triển VFOSSA

Trong báo cáo phương hướng hoạt động của Đại hội III của VFOSSA đã xác định Mục tiêu chiến lược của VFOSSA nhiệm kỳ III là: « Xây dựng hệ sinh thái nguồn mở VFOSSA trong xu hướng chuyển đổi số ». BTV VFOSSA đã cử ra một ban nghiên cứu vấn đề này do đích thân CT làm trưởng ban. Tuy nhiên sau nhiều tìm tòi và nghiên cứu tài liệu, chúng tôi đi đến kết luận là mục tiêu chiến lược này phá sản bởi sẽ không có một khái niệm «  hệ sinh thái nguồn mở VFOSSA » trong bối cảnh hiện nay. Hệ sinh thái có thể được hình thành xung quanh một sản phẩm hay cho một ngành, một quốc gia, trong đó có đủ các thành phần, không chỉ nguồn mở và càng không thể có cái gọi là hệ sinh thái VFOSSA. Nên chăng cần xác định lại mục tiêu là chiến lược các DN VFOSSA thích nghi với các hệ sinh thái của các ngành trong tiến trình chuyển đổi số.

Trong năm 2020, đầu 2021, VFOSSA cũng đã khá hứng khởi với triển vọng có thể thành lập Hiệp hội Công nghệ mở với sự vào cuộc của Bộ TT&TT, đặc biệt sau Diễn đàn Vietnam Open Summit tháng 11/2020. Chúng ta cũng đã tiến hành trưng cầu ý kiến hội viên về chủ đề này và đã đạt được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, sau nhiều thăm dò và trao đổi với phia Bộ TT&TT, chúng tôi đi đến nhận định rằng việc thành lập Hiệp hội chưa phải mối quan tâm lớn của Bộ hiện nay, chưa có nơi nào khác ngoài VFOSSA có hào hứng với việc này và mình VFOSSA thì không làm nổi. Ngoài ra, do tính chất Hiệp hội Công nghệ thì chỉ dành cho đối tượng DN công nghệ, nên nếu được thành lập thì VFOSSA cũng sẽ chỉ có thể tham gia với tư cách thành viên tập thể (CLB) và có lẽ sẽ không còn thành viên DN trong VFOSSA nữa. Như vậy, VFOSSA vẫn cần xây dựng chiến lược phát triển cho riêng mình trong những năm tới đây.


Định hướng hoạt động của VFOSSA nhiệm kỳ IV (2022-2025)

VFOSSA vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. 10 năm là một dấu mốc quan trọng của một tổ chức. Một chặng đường phát triển mới cùng một ê kíp lãnh đạo mới cần được bắt đầu từ nhiệm kỳ này. Vì thế trong báo cáo này, chúng tôi không đề xuất phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới mà chỉ đưa ra một số gợi ý cho BCH mới để hỗ trợ cho BCH hoạch định chiến lược cụ thể cho mình.


1. Xác định Mục tiêu của VFOSSA

Xem lại báo cáo tổng kết NK I tại ĐH II cách đây 8 năm, chúng tôi thấy khi đó chúng ta đã xác định mục tiêu của VFOSSA cho NK II và thấy trong bối cảnh hiện nay, những mục tiêu vẫn còn thời sự, xin nhắc lại 3 mục tiêu đầu tiên với một chút sửa đổi phù hợp với bối cảnh:
  1. Khẳng định vai trò, vị thế của Nguồn mở (NM) trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội đất nước, có đóng góp tích cực cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đem lại lợi ích và phồn vinh cho đất nước, trong đó có các thành viên của VFOSSA.
  2. Góp phần hình thành lực lượng lao động có kỹ năng cao về NM, có hiểu biết về tư duy, phương pháp luận và hệ sinh thái NM, và lực lượng doanh nghiệp có đủ năng lực, có khả năng tham gia thực hiện các dự án chuyển đổi số trong nước và đóng góp trở lại cho cộng đồng NM thế giới.
  3. Đẩy mạnh truyền bá tư tưởng «Nguồn mở» (Open Source), không chỉ bó hẹp ở PMNM, vào cuộc sống, đến từng người dân để khơi nguồn «Sáng tạo mở» (Open Innovation) trong cộng đồng, đặc biệt trong đối tượng học sinh, sinh viên, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá về Sáng tạo mở của Việt Nam trong tương lai.


2. Phát huy thành tựu đã có, khăc phục những tồn tại hiện hữu

Trong phần tổng kết những việc chúng ta đã làm được trong nhiệm kỳ III, có những vấn đề còn tồn tại trong mỗi việc đã làm, có những câu hỏi gợi ý cho việc nên tiếp tục hay không và nếu tiếp tục thì kinh nghiệm là gì.

Trong phần Hạn chế và thiếu sót cũng đã có phân tích bối cảnh và một phần nguyên nhân của những hạn chế này. Việc khắc phục các hạn chế này là không đơn giản và phải kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên cầu toàn.


3. Tổ chức các khối hội viên, điều chỉnh mức hội phí

Để tránh mô hình quản lý tập trung « chương trình hành động xuất phát từ BTV » hiện nay  không phát huy được tính chủ động sáng tạo, nên chia hội viên thành các khối/nhóm có chung đặc trưng, mối quan tâm hoặc lợi ích. Chẳng hạn Khối GD-ĐT, Khối Cộng đồng NM, Khối DN, nhóm DN CĐS CQNN, nhóm DN CĐS Doanh nghiệp, nhóm An ninh mạng, … Việc thành lập/giải tán nhóm theo cơ chế linh hoạt, không khiên cưỡng. Mỗi khối/nhóm sẽ do một UVTV hoặc UVBCH phụ trách (tốt nhất do nhóm bầu ra) giữ vai trò moderator và tự đề xuất hoạt động cho mình trong cả năm hay từng quý và thông báo sự kiện cho toàn thể để kêu gọi sự tham gia nếu cần. Các nhóm hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, VFOSSA bảo trợ và hỗ trợ trong khả năng nguồn lực của mình. Nếu sự kiện có thu và có lãi thì sẽ dành một phần đóng góp cho quỹ của CLB để chi tiêu cho VP hoặc hỗ trợ các sự kiện cộng đồng không có thu.

Lấy ý kiến toàn thể để thay đổi mức phí hội viên hợp lý và bình đẳng hơn. Cố gắng để hoạt động của CLB không phụ thuộc vào chỉ một nguồn thu chính là Hội phí.


4. Tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế

Ngoài những tổ chức như OpenInfra hay FOSS Asia mà chúng ta đã có quan hệ, nên tìm hiểu quy chế và đặt mối quan hệ hợp tác hoặc thành viên với các tổ chức NM lớn như Linux Foundation, OSI, … Ngoài lợi ích được tham gia với giá ưu đãi các sự kiện của các tổ chức này, chúng ta còn có cơ hội đưa những sự kiện lớn nằm trong chuỗi sự kiện của các tổ chức này tổ chức tại VN hoặc làm sự kiện PMNM tại VN có sự tham gia của các chuyên gia của các tổ chức này (như cách VietOpenInfra tổ chức Vietnam OID), qua có nâng cao vị thế và uy tín của VFOSSA, tạo nguồn thu cho CLB.

Kính thưa các vị khách quí,
Thưa Đại hội,


Tôi xin phép được kết thúc bản báo cáo của BCH tại đây. Tôi rất mong sẽ nhận được sự góp ý của các vị khách quý và các đại biểu dự Đại hội để tôi có thể hoàn thiện bản báo cáo này. Thay mặt BCH VFOSSA, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn với Hội THVN, đặc biệt TTK Nguyễn Long về những hỗ trợ tích cực và vô tư mà VP Hội đã dành cho chúng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn các PCT, các UVTV của VFOSSA và một số UVBCH đã nhiệt tình giúp đỡ tôi để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Xin cảm các Hội viên VFOSSA, tập thể và cá nhân đã tích cực đồng hành cùng CLB để tạo nên những thành tựu mà tôi đã liệt kê không đầy đủ ở trên. Xin cảm ơn BGH Trường ĐH Phenikaa đã tài trợ địa điểm và hỗ trợ chúng tôi tổ chức Đại hội. Xin cảm ơn các thành viên BTC Đại hội, VP VFOSSA, nhà tài trợ hạ tầng NetNam và các em SV tình nguyện đã đóng góp công sức cho thành công của Đại hội.

Xin kính chúc sức khỏe các vị khách quý và các bạn. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay15,991
  • Tháng hiện tại246,817
  • Tổng lượt truy cập32,504,060
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây