Văn hóa sử dụng nguồn mở ở Việt Nam?

Thứ ba - 15/12/2020 21:48
Mặc dù được hưởng lợi khá nhiều từ những phần mềm nguồn mở khi trở thành một trong 20 quốc gia sử dụng nó nhiều nhất trên thế giới nhưng Việt Nam lại không đóng góp mấy vào sự phát triển của lĩnh vực này. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đi ngược lại với triết lý xây dựng cộng đồng nguồn mở của thế giới, thậm chí chưa xây dựng được văn hóa sử dụng nguồn mở.
Tính mở và kết nối, chia sẻ là triết lý xây dựng cộng đồng nguồn mở trên thế giới.
Tính mở và kết nối, chia sẻ là triết lý xây dựng cộng đồng nguồn mở trên thế giới.

Phía sau thành công của mạng 5G và máy trợ thở

Câu chuyện về phần mềm nguồn mở gắn liền với một hoạt động quan trọng của Bộ TT&TT: Tháng 1/2020, Việt Nam tuyên bố đã làm chủ công nghệ mạng 5G và trở thành một trong 6 nhà mạng đầu tiên trên thế giới thiết kế, sản xuất được thiết bị mạng này. Nhớ lại thời điểm Viettel tuyên bố làm 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng Bộ TT&TT kể lại tại “Diễn đàn công nghệ mở lần thứ nhất” nhiều người cả trong và ngoài nước đều không tin’. Vậy điều gì làm nên thành công này? Đó chính là chuẩn mở OpenRAN – một nền tảng công nghệ liên kết giữa mạng và điện thoại, qua đó giúp các nhà khai thác mạng di động có thể sử dụng thiết bị của nhiều nhà cung cấp mà vẫn đảm bảo được khả năng tương tác, ví dụ khi chúng ta gọi điện thoại hoặc kết nối với máy chủ từ xa để truy cập vào YouTube, tín hiệu được số hóa trong trạm gốc RAN và kết nối vào mạng, sau đó các cuộc gọi điện thoại được định tuyến qua mạng điện thoại chuyển mạch. Điều này cho phép các nhà khai thác tính phí cho các cuộc gọi và sử dụng dữ liệu, đồng thời kết nối người dùng với phần còn lại của thế giới thông qua Internet…

Viettel không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam được hưởng lợi từ nguồn mở. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao thì công ty Medtronic đã công khai thiết kế máy thở PB560 để cho cộng đồng thế giới có thể sử dụng. Nhờ vậy, tập đoàn Vingroup đã có thể sản xuất các loại máy trợ thở theo thiết kế này. Tất cả hoạt động từ việc tải bản thiết kế đến sản xuất thành công đợt hàng đầu tiên của họ chỉ diễn ra trong vòng sáu tháng.

Nhìn vào hai trường hợp này, có thể thấy nếu không có phần mềm nguồn mở thì có thể Viettel hay VinGroup sẽ phải mất nhiều năm với rất nhiều kinh phí để nghiên cứu phát triển và sản xuất thành công thiết bị phát sóng mạng 5G hay máy trợ thở - nay nhờ có nguồn mở mà họ chỉ mất vài tháng là có được với chi phí phù hợp.

Không chỉ riêng Việt Nam mà với nhiều quốc gia còn thiếu nguồn lực thì phần mềm nguồn mở giống như một phép màu cho bài toán công nghệ. Trong thế giới mở, điều tưởng chừng như thách thức đã được giải quyết. Thành công này chứng minh, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm có ý nghĩa trong tương lai nếu tận dụng được ‘phần mềm nguồn mở’ - tri thức chung của thế giới công nghệ được chia sẻ trên các mạng xã hội của cộng đồng này như Github, Slack, Stackoverflow…

Chúng ta đóng góp lại gì cho nguồn mở?

Có một nguyên tắc nằm lòng của cộng đồng nguồn mở thế giới là có đi có lại, có nhận thì phải có hồi đáp. Khi sử dụng một hệ thống mã nguồn mở, người sử dụng ngoài trách nhiệm ghi nhận ‘xuất xứ’ trên sản phẩm nguồn gốc nguồn mở cần có sự đóng góp ngược trở lại cho cộng đồng bằng các bản sửa lỗi hoặc phát triển để các phần mềm này hoàn thiện hơn.

Theo nhận định của chuyên gia mở Lê Trung Nghĩa, để đóng góp ngược trở lại cần hai yếu tố là trình độ và văn hóa. “Mở không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm với phần mềm nguồn mở được công khai trên mạng bởi dù là mở thì nó cũng có nguyên tắc của nó. Khi bạn dựa vào các sản phẩm của cộng đồng nguồn mở trên thế giới để tùy biến thích nghi, sửa đổi hoặc phát triển tiếp thì bạn cần tuân thủ các điều khoản, điều kiện của các giấy phép được gắn vào các phần mềm gốc ban đầu, và phải thừa nhận ghi công các tác giả và/hoặc cộng đồng nguồn mở, những người đã bỏ nhiều công sức ra để tạo ra phần mềm gốc ban đầu đó” – ông Lê Trung Nghĩa nhận định và cho rằng, nhiều người Việt Nam hầu như không biết và không hiểu về các mô hình của nguồn mở, kể cả các lập trình viên phần mềm chuyên nghiệp.

Trên thực tế thì điều đó chưa diễn ra ở Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Đường – Cục Phó Cục tin học hóa, Bộ TT&TT đã đưa nhận xét tổng thể về đóng góp phần mềm mã nguồn mở như vậy: Việt Nam đã có thâm niên 20 năm phát triển phần mềm mở với Hanoi LUG, VFOSSA… nhưng soi lại số liệu đóng góp thì chúng ta hoàn toàn vắng bóng. Ông Lương Tuấn Thành – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC, bổ sung nhận xét: “Khi dùng nguồn mở trên Github, chúng tôi trăn trở vì thấy có hai bức tranh tương phản: chúng ta nằm trong top 20 nước sử dụng Github, tức là sử dụng rất nhiều nguồn mở trên đó nhưng trong bảng xếp hạng những quốc gia có đóng góp ngược lại thì không thấy tên Việt Nam. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ là người sử dụng, không có know-how để đóng góp lại cho các dự án lớn”. Đáng lưu ý là với các cộng đồng nguồn mở, chỉ số đóng góp là một trong những nguyên tắc quan trọng để xếp hạng và đánh giá trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia.

Không chỉ riêng việc thiếu đóng góp với sản phẩm của cộng đồng quốc tế, các lập trình viên, các công ty công nghệ Việt Nam cũng còn thờ ơ với sự đóng góp tương tự vào chính các công nghệ của đất nước. Một doanh nghiệp lớn như FPT đã trải qua một vài bài học xương máu như vậy. “Cách đây 3, 4 năm, FPT đã tiên phong chia sẻ 30 giờ dữ liệu nhận dạng giọng nói với kỳ vọng là cùng cộng đồng chỉnh sửa để hoàn thiện lượng dữ liệu này” – TS. Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT, nhớ lại. Nhưng mọi chuyện không như ông tưởng, dù FPT đã tìm mọi cách để vận động cộng đồng tham gia. “Một số người cũng chỉ ra lỗi nhưng không sửa cũng không đóng góp. Điều này có lẽ xuất phát từ văn hóa ‘thích ăn sẵn’ và không muốn đóng góp cho cộng đồng” – ông Trung nhận định. Vì thế, thành công duy nhất mà FPT nhận được khi tung ra 30 giờ dữ liệu chỉ dừng lại ở việc “làm hình ảnh” chứ không phải “cùng xây dựng cộng đồng phát triển dữ liệu mở” như kỳ vọng.

Hậu quả của việc không ghi công hoặc không đóng góp ngược trở lại đã hiển hiện. “Câu hỏi thắc mắc là tại sao chúng ta cũng dùng mã nguồn mở mà lại chậm hơn nhiều công ty công nghệ trong khi những nền tảng khác đó đều nằm trên Github?”, ông Lương Tuấn Thành nêu thắc mắc mà những ai theo dõi cộng đồng công nghệ thông tin đều rõ. Với kinh nghiệm 5 năm phát triển hai phần mềm nguồn mở, ông phân tích, khi chúng ta chia sẻ thì chúng ta mới có động lực để tạo ra giải pháp và sản phẩm mới, nếu không có đóng góp thì sẽ không thể cập nhật phiên bản mới nhất và sẽ bị lạc hậu sau vài năm. Mặt khác, việc chia sẻ công nghệ đưa lên các nền tảng nguồn mở sẽ tạo điều kiện để cộng đồng quan tâm cũng như đóng góp ý kiến cho sản phẩm tốt hơn.

Xây dựng văn hóa mở

Trước những vấn đề đặt ra của cộng đồng công nghệ thông tin, trong đó có các doanh nghiệp và startup, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:

"Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở mà còn kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở phải là văn hóa mở. Tất cả chúng ta sẽ cùng đóng góp phát triển công nghệ, chia sẻ sử dụng công nghệ và vì thế giá công nghệ sẽ rẻ đi”.

Đây có thể sẽ là điều quan trọng để nâng cao trình độ nền công nghệ thông tin và qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp và startup công nghệ có được những sản phẩm cạnh tranh. Đó cũng là quan điểm của một số doanh nghiệp và chuyên gia có mặt tại hội thảo. “Văn hóa là điểm khác biệt khi sử dụng và xây dựng các sản phẩm công nghệ”, ông Lương Tuấn Thành lưu ý và cho biết thêm, CMC đã áp dụng nguyên lý đó để xây dựng hai sản phẩm CMC Cloud và SOC, ví dụ với SmS Open EcoSystem, “Cách đây hai năm chỉ có bảy dịch vụ chính đa phần là CMC Cloud với hạ tầng nền tảng. Khi chúng tôi chuyển mô hình mở và cho các đối tác phát triển là bên thứ ba tham gia cùng thì hiện tại chúng tôi đã có hơn 30 dịch vụ mở”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT
Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở mà còn kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở phải là văn hoá mở. Tất cả chúng ta sẽ cùng đóng góp phát triển công nghệ, chia sẻ sử dụng công nghệ và vì thế giá công nghệ sẽ rẻ đi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT

Tuy nhiên, văn hóa không phải muốn là có được ngay lập tức mà cần phải được xây dựng một cách bài bản. Ông Lê Trung Nghĩa đề xuất, nên bắt đầu từ giáo dục về phần mềm nguồn mở ngay từ cấp tiểu học và trở thành chương trình bắt buộc ở cấp đại học và cao đẳng. Nếu bắt đầu vào quá trình này, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi từ chính quan điểm mở của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc tùy biến thích nghi sử dụng tài nguyên giáo dục mở… Khi các học sinh và sinh viên được đào tạo trong không khí mở và công cụ giáo dục mở, họ sẽ có được văn hóa và tư duy sẵn sàng tham gia vào việc hình thành nền tảng phần mềm nguồn mở.

Lợi ích của văn hóa mở không chỉ dừng lại ở việc sử dụng và tôn trọng sản phẩm nguồn mở mà còn mở rộng hơn thế. “Không một quốc gia hay một tập đoàn nào có thể tự mình giải quyết mọi bài toán. Vì thế, mỗi quốc gia khi được cung cấp công nghệ lõi sẽ là người tốt nhất giải quyết bài toán của chính mình” như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Việc có được văn hóa mở sẽ là nền tảng để Việt Nam đi theo được xu hướng của thế giới là hàng loạt các phong trào nguồn mở khác trên thế giới đã và đang đi vào dòng chính thống như Truy cập Mở (OA), Giáo dục Mở (OED), Tài nguyên Giáo dục Mở (OER), Dữ liệu Mở (OD), Khoa học Mở (OS), Chính phủ Mở (OpenGOV), các Cơ sở văn hóa Mở (OpenGLAM)...

"Chiến lược phát triển công nghệ mở cho Việt Nam

Xu hướng mở ngày này không đơn thuần là phần mềm nguồn mở mà còn là dữ liệu mở, định dạng mở, chuẩn mở, kiến trúc mở và văn hóa mở. Vì vậy, việc phát triển phần mềm nguồn mở Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột chính: Thị trường (Chính phủ) – Đào tạo nghiên cứu – Phát triển cộng đồng tương ứng với đại diện ba Bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, đại diện của Chính phủ là Bộ Thông tin và Truyền thông có hai nhiệm vụ chính là đánh giá, ra mắt nền tảng số ứng dụng công nghệ mở và khuyến khích chuẩn kết nối mở, định dạng dữ liệu mở; Phát triển hệ sinh thái cộng đồng mở Việt Nam và ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nền tảng số ứng dụng mã nguồn mở, chuẩn mở. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ vừa tạo điều kiện phát triển vừa là đơn vị tiên phong sử dụng để thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

Ở lĩnh vực đào tạo nghiên cứu, Bộ KH&CN đầu tư cho các dự án đề tài lớn nghiên cứu về công nghệ mở và đưa ra tiêu chí đánh giá rõ ràng. Trong đó, kết quả đề tài phải đưa được lên Github hoặc các mạng xã hội tương tự và dựa vào các chỉ số đánh giá, đóng góp của cộng đồng để nghiệm thu, chấm dứt việc tự làm tự nghiệm thu với nhau.

Khi đã có thị trường và đầu tư nghiên cứu thì cần phải xây một cộng đồng nguồn mở Việt Nam mà các thành viên có thể đến từ trường đại học, doanh nghiệp và có tư tưởng văn hóa cởi mở, sẵn sàng đóng góp. Đây là nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện."

Ông Nguyễn Trọng Đường - Cục Phó Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT

Tác giả: Dung Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay25,316
  • Tháng hiện tại360,556
  • Tổng lượt truy cập33,040,848
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây