Người tạo ra bước nhảy vọt về điện toán đám mây ở Việt Nam

Thứ năm - 09/05/2019 13:49
Báo Dân Trí vừa có bài viết về anh Lê Quang Hiếu - ủy viên thường vụ VFOSSA - vì những đóng góp của anh tại tập đoàn Viettel về lĩnh vực điện toán đám mây. VFOSSA đăng lại nguyên văn bài viết.
(Ghi chú của BBT website VFOSSA.vn: Bài viết sai về thuật ngữ "phần mềm nguồn mở" thành "mã nguồn mở". Tuy nhiên để đảm bảo nội dung nguyên văn theo đúng bài viết gốc, BBT sẽ không sửa chữa).

Được giao trọng trách xây dựng hạ tầng điện toán đám mây cho Viettel, chỉ sau 3 tháng, Lê Quang Hiếu - người nổi tiếng trong cộng đồng điện toán đám mấy mã nguồn mở, đã cùng đồng đội hoàn thành công việc mà thông thường mất 3 năm. Điều này cũng đưa tổng tài nguyên tính toán của Viettel lên vị trí số 1 Việt Nam.

Người tạo ra bước nhảy vọt về điện toán đám mây ở Việt Nam - 1

Lê Quang Hiếu là một cái tên rất nổi tiếng trong cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở OpenStack

Trước khi rời Nhật Bản trở về Việt Nam và gia nhập Viettel, Lê Quang Hiếu là một cái tên rất nổi tiếng trong cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở OpenStack. Từng đạt giải Nhất Olympic Tin học quốc gia, và là sinh viên xuất sắc ngành CNTT trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2013, Hiếu là một trong 3 người thành lập và đại diện cho cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam.

Số lượng thành viên hiện tại của cộng đồng này là hơn 3000 người. Đây cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên trên tổng số hơn 120 cộng đồng mã nguồn mở được công nhận chính thức trên toàn thế giới. Hiếu đã đại diện cho cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở ở Việt Nam tham gia nhiều hội nghị lớn như Hội nghị Điện toán đám mây nguồn mở OpenStack Summit, Hội nghị Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Apricot…

Anh còn là một trong những kỹ sư tham gia đóng góp thiết kế và mã nguồn mở về điện toán đám mây của thế giới với các cộng đồng như OpenStack, Prometheus song song cùng các tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Google, HPE, Nokia, Ericsson.

Trong thời gian làm việc ở Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản), Hiếu có cơ hội được tham gia nhiều hội thảo do cộng đồng mã nguồn mở thế giới tổ chức. Tại đây, anh đặc biệt ấn tượng với hình ảnh sáng rực của Nhật Bản trên bản đồ các nước đóng góp mã nguồn, con người, thiết kết trong sản phẩm mã nguồn mở.

“Ngày đó bản đồ mã nguồn Việt Nam thì tối mịt, không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đóng góp mã nguồn, con người vào sản phẩm ấy”, Hiếu nhớ lại. Và đó cũng là một trong những lý do anh quyết định nghỉ việc ở Fujitsu và quay trở về Việt Nam.

Khi thông tin nghỉ việc của Hiếu được công khai, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng mời Hiếu nhưng anh từ chối. Cựu nhân viên của Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel đã chọn trở lại nơi mình từng làm việc theo lời mời của 2 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn này.

Hiếu chia sẻ: “Đây là nơi xứng đáng nhất ở Việt Nam để tôi vào làm vì tầm nhìn của ban bãnh đạo. Viettel chịu đầu tư mạo hiểm và có bài toán cực khó”.

Bài toán cực khó mà Hiếu nói ở đây là việc tự làm chủ công nghệ và xây dựng hệ thống điện toán đám mấy với chuyên gia của chính Viettel. Vì thế, với cơ sở dữ liệu, hạ tầng CNTT, viễn thông trên 11 quốc gia của Viettel, Hiếu đã có một “sân chơi” khổng lồ. Đây là một cơ hội hấp dẫn, tạo động lực lớn với những người đam mê khám phá và chinh phục những bài toán khó như Hiếu. Chàng kỹ sư này có cơ hội lớn trong việc tạo ra thực tại mới về chuyển đổi số ở Tập đoàn lớn nhất Việt Nam.

Trọng trách đặt lên vai những 9x

Điện toán đám mây bắt đầu được nhắc đến nhiều trên thế giới vào những năm 2007, bắt đầu nở rộ và được triển khai mạnh mẽ từ những năm 2012 trên thế giới và tại Việt Nam. Đây là nền tảng để triển khai các xu hướng công nghệ sau này như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…

Tại Viettel, điện toán đám mây đã triển khai năm 2014, nhưng phải đến năm 2018 (khi Lê Quang Hiếu gia nhập) mới được đẩy mạnh nhằm tối ưu hóa công tác vận hành khai thác. Đây cũng là thời điểm mà Viettel đẩy rất mạnh công cuộc chuyển dịch số, đặc biệt với cơ sở hạ tầng của Tập đoàn. Một số nhà mạng khác ở Việt Nam đã triển khai điện toán đám mây trước đó nhưng đều đi mua của đối tác, không xác định việc tự làm chủ.

Bắt đầu với việc xây dựng hạ tầng cloud tại VTNET, Hiếu được ban lãnh đạo tin tưởng và giao quyền quyết định. “Thời gian đầu, các sếp chưa hiểu hết về điện toán đám mây nhưng vẫn sẵn sàng đầu tư, tạo mọi điều kiện cho tôi làm”, Hiếu tiết lộ một trong những lý do khiến anh có thể làm được nhiều việc lớn trong thời gian ngắn ở Viettel.

Dù mới về và còn trẻ (29 tuổi) nhưng Hiếu đã được giao nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn là xây dựng kiến trúc công nghệ và nền tảng phục vụ chiến lược Điện toán đám mây cho hạ tầng CNTT và Viễn thông lộ trình 2019-2021. Hiếu và các cộng sự (đa phần là 9X) hào hứng bắt tay vào công việc. Đối với nhiều bạn trẻ, chỉ có ở Viettel họ mới được giao những trọng trách đặc biệt như vậy.

Chỉ sau 3 tháng, Hiếu và các cộng sự đã hoàn thành triển khai hạ tầng điện toán đám mây cho VTNet, chuyển dịch các ứng dụng MOSS của Viettel lên trên nền điện toán đám mây. Và mới như vậy, hạ tầng điện toán đám mây với tổng tài nguyên tính toán của Viettel đã lớn nhất Việt Nam. Một hệ thống như vậy, theo cách làm cũ sẽ mất khoảng 3 năm.

Hiện tại, quy mô hạ tầng VTNet hiện đang đứng trong nhóm 19% các hạ tầng điện toán đám mây nguồn mở trên thế giới. Chuyên gia này cho biết, nếu không thể tự chủ hệ thống, với quy mô 300 máy chủ cho điện toán đám mây của Viettel, công ty có thể phải tiêu tốn hàng chục triệu USD

Trước đây, quy trình của một đợt ứng cứu thông tin tại Viettel với rất nhiều công đoạn lắp đặt, bê vác máy chủ, cài cắm hệ điều hành… kéo dài từ 1-2 tuần. Hiện tại, với hệ thống mới do team của Hiếu xây dựng, một máy chủ chỉ cần 5-10 phút. Chuyên gia này tiết lộ: “Một chiến dịch trước đây phải huy động rất nhiều người để hỗ trợ hoàn thiện thông tin cho khách hàng giờ chỉ cần 3-5 người ngồi một chỗ để xử lý thông tin. Đó là sức mạnh mới nhờ hệ thống của Viettel thông minh hơn, công sức vận hành của kỹ sư mạng lưới cũng được giảm thiểu”.

Hiện tại, đội ngũ kỹ sư phát triển và vận hành của Viettel hiện đã có vị trí trong cộng đồng lập trình viên thế giới. Theo công bố từ trang www.stackalytics.com, Viettel đứng top 50 doanh nghiệp trên thế giới và số 1 Đông Nam Á đóng góp mã nguồn, thiết kế vào giải pháp điện toán đám mây nguồn mở.

Và cũng sau chưa đầy 1 năm, Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet). Dưới quyền quản lý của kỹ sư này là hàng trăm nhân viên, đảm nhận nhiều công việc khó, đặc biệt quan trọng của Viettel.

Khi trở lại Viettel đầu năm 2018, đội ngũ kỹ sư về điện toán đám mây tại VTNET gần như chưa có gì thì đến nay đã là 20. Đây là con số ấn tượng bởi nhân sự giỏi về điện toán đám mây ở Việt Nam rất ít, còn bị cạnh tranh bởi các công ty quốc tế.

Giải thích về khả năng tuyển dụng, Hiếu cho biết đó là nhờ mạng lưới những anh em làm kỹ thuật về cloud rộng lớn khi anh tham gia cộng đồng mã nguồn mở và cả những người mà anh hỗ trợ, đào tạo từ khi còn là sinh viên - lúc họ vẫn là “tay mơ” về cloud. Hiếu tiết lộ, sắp tới, một số kỹ sư chuyên ngành điện toán đám mây đang làm việc ở nước ngoài cũng sẽ về đầu quân cho Viettel.\

Ngọc Anh/ Dân Trí

 Từ khóa: OpenStack, Lê Quang Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay22,930
  • Tháng hiện tại39,995
  • Tổng lượt truy cập32,297,238
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây