CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA)

https://vfossa.vn


Doanh nghiệp phần mềm nguồn mở “khoe” các dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số

Ngày hội Phần mềm tự do nguồn mở - Software Freedom Day 2019 vừa được Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA) tổ chức theo format mới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thành viên giới thiệu các dịch vụ, giải pháp phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty FDS FDS giới thiệu về Phần mềm nguồn mở OpenCPS dành cho dịch vụ công trực tuyến tại Software Freedom Day 2019.

Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty FDS FDS giới thiệu về Phần mềm nguồn mở OpenCPS dành cho dịch vụ công trực tuyến tại Software Freedom Day 2019.

Ngày hội Phần mềm tự do nguồn mở - Software Freedom Day (SFD) 2019 vừa diễn ra tại gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là sự kiện thường niên của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở nhằm mục đích biểu dương sức mạnh của cộng đồng, tôn vinh giá trị của phần mềm tự do nguồn mở; tổ chức các buổi huấn luyện, cài đặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở… dưới nhiều hình thức phong phú.

Cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam đã hưởng ứng ngày SFD từ năm đầu tiên (2004) và đến nay vẫn duy trì đều đặn hằng năm. Từ năm 2012, VFOSSA nhận trách nhiệm tổ chức và quảng bá ngày SFD với đối tượng chính là sinh viên công nghệ của các trường đại học.

Với sự kiện năm nay tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề “Ứng dụng nguồn mở cho chuyển đổi số tại Việt Nam”, Software Freedom Day 2019 đã được tổ chức theo hình thức mới, dưới dạng tọa đàm bàn tròn chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái dịch vụ của các doanh nghiệp thành viên VFOSSA”.

Theo đó, trong suốt cả ngày diễn ra Software Freedom Day 2019 mới đây, hơn 60 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hội viên VFOSSA đã giới thiệu 30 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ hoặc doanh nghiệp; đồng thời trao đổi, thảo luận về việc hình thành hệ sinh thái dịch vụ, giải pháp trên nền nguồn mở từ các doanh nghiệp hội viên VFOSSA. “Điểm quan trọng trong cuộc giao lưu bàn tròn này chính là sự mở trong tư duy, trong kết nối và chia sẻ”, đại diện VFOSSA nhấn mạnh.

Cụ thể, các doanh nghiệp thành viên VFOSSA như FDS, NetNam, iWay, VINADES, CMC TS, ePacific, Nhân Hòa, GTO Software, IZI Solutions, Linagora Việt Nam, VHT… đã giới thiệu các dịch vụ, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số trên nền tảng nguồn mở do đơn vị mình cung cấp như: Phần mềm nguồn mở OpenCPS dành cho dịch vụ công trực tuyến; phần mềm làm việc cộng tác Mobilink Enterprise; giải pháp giám sát mạng; dịch vụ vận chuyển tài sản số; dịch vụ Automation Email Marketing; hệ sinh thái đấu thầu (gồm phần mềm DauThau.info và hệ thống đấu thầu dành cho tư nhân); Autoweb - giải pháp kinh doanh phần mềm dựa trên nền tảng NukeViet cho phép nhân bản và phân phối cho hàng ngàn khách hàng cùng lúc…

Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty VINADES giới thiệu 2 sản phẩm phục vụ chuyển đổi số của VINADES gồm Hệ sinh thái đấu thầu và giải pháp Autoweb tại tọa đàm bàn tròn "Xây dựng hệ sinh thái dịch vụ của các doanh nghiệp thành viên VFOSSA".

Nói thêm về ý nghĩa, mục tiêu của Software Freedom Day năm nay, trong chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch VFOSSA Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trào lưu đã và đang diễn ra lặng lẽ nhưng vô cùng mạnh mẽ trên khắp thế giới và đó là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Trong quá trình này, CNTT giữ vai trò nền tảng và không thể thiếu trong mọi hoạt động của nền kinh tế và xã hội.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng và không thể thiếu của phần mềm nguồn mở trong công cuộc chuyển đổi số, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang cho hay, nghiên cứu “Nguồn mở thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp” được Forester công bố từ năm 2016 đã chỉ ra rằng: “Nguồn mở không chỉ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp hiện đại cần nắm lấy các khả năng nguồn mở để tăng tốc các nỗ lực chuyển đổi số của mình và các thành phần nguồn mở ngày càng củng cố các thị trường công nghệ lớn ngày nay. CIO phải coi các công nghệ nguồn mở là một phần của chiến lược công nghệ kinh doanh rộng lớn hơn của họ”.

Báo cáo tháng 5/2019 với tiêu đề “Lót đường cho chuyển đổi số với Nguồn mở” của hãng nghiên cứu 451 Research cũng khẳng định “Phần mềm nguồn mở đang cố thủ trong lĩnh vực CNTT cho phát triển ứng dụng và các hoạt động CNTT” với tỷ lệ ứng dụng nguồn mở trung bình trong tất cả các công ty được hỏi lên đến 73%. Sách trắng tựa đề “Chuyển đổi số, con đường của nguồn mở” năm 2018 của hãng phần mềm nguồn mở tỷ USD RedHat cũng nhấn mạnh “Sử dụng các nguyên tắc nguồn mở để hợp nhất các nhóm, công nghệ và quy trình”.

Theo nhận định của Chủ tịch VFOSSA, Việt Nam đang trong trào lưu Chuyển đổi số và đây là công việc được Chính phủ hết sức coi trọng với việc sắp công bố “Chiến lược quốc gia về Chuyển đổi số”. Hàng loạt các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế về Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh… đã được Chính phủ chủ trì tổ chức trong thời gian gần đây. “Với VFOSSA câu hỏi đặt ra là: các doanh nghiệp thành viên của VFOSSA đang ở đâu trong trào lưu Chuyển đổi số này? Chúng ta có thể, cần và sẽ làm gì để đem các giá trị của nguồn mở, nền tảng chung của các doanh nghiệp thành viên VFOSSA, đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam?”, ông Quang đặt câu hỏi.

Chủ tịch VFOSSA cũng cho biết thêm, cuộc giao lưu bàn tròn chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái dịch vụ của các doanh nghiệp thành viên VFOSSA” của SFD 2019 là sự kiện mở đầu của một chuỗi sự kiện hướng tới một sự kiện lớn, có qui mô toàn quốc là Hội thảo quốc gia thường niên về phần mềm nguồn mở do Bộ TT&TT chủ trì và VFOSSA phụ trách nội dung.

“Chúng tôi cũng dự kiến sau cuộc tọa đàm bàn tròn này sẽ đề xuất với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo quốc gia phần mềm nguồn mở 2019 với chủ đề “Làm chủ công nghệ để chuyển đổi số bền vững bằng Nguồn mở” theo mô hình được hình dung ban đầu như một thứ “chợ dịch vụ/sản phẩm nguồn mở” dành cho 2 đối tượng khách hàng khác nhau là Chính phủ và Doanh nghiệp”, đại diện lãnh đạo VFOSSA chia sẻ.

Tác giả: Vân Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây