CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA)

https://vfossa.vn


Doanh nghiệp phần mềm nguồn mở muốn hợp tác Công - Tư

ICTnews - Các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở (PMNM) đã đề xuất phương thức hợp tác Công - Tư để đảm bảo kinh phí đầu tư cho việc làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Doanh nghiệp phần mềm nguồn mở muốn hợp tác Công - Tư

Phóng viên ICTnews có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Thái, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) xung quanh vấn đề phát triển PMNM.

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành Nước mạnh về CNTT-TT. Theo ông, PMNM có vai trò gì trong việc đưa một quốc gia trở thành nước mạnh về CNTT-TT?

Chúng ta đã làm được rất nhiều trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT bằng việc phủ sóng điện thoại, sóng 3G, Internet trên phạm vi cả nước trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ mạnh mua, mạnh đầu tư trên những nền công nghệ mà thế giới đã cung cấp sẵn. Đã qua cái thời kỳ buôn bán, lắp ráp rồi mơ ước sản xuất máy tính, qua thời kỳ kéo và nối dây mạng rồi. Bây giờ máy tính bảng, điện thoại smartphone, máy tính xách tay… tràn ngập trên thị trường. “Sân chơi” sẽ là quá hẹp nếu cứ tiếp tục loay hoay với những câu chuyện mua sắm, đầu tư như vậy.

Muốn trở thành nước mạnh về CNTT thì Việt Nam phải mạnh về ứng dụng CNTT, mạnh về làm chủ công nghệ. Và muốn làm chủ công nghệ thì không thể chỉ “xài” phần mềm thương mại (nguồn đóng) mà cần đầu tư phát triển cho PMNM.

Cần lưu ý là trong cộng đồng PMNM cũng có vô vàn các công ty thương mại hay “nguồn đóng”. Rất có thể một ngày nào đó, một phiên bản PMNM mà chúng ta đang sử dụng bỗng nhiên bị người ta đóng lại để phục vụ nhu cầu kiếm tiền hay mục đích an ninh chính trị. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực làm chủ công nghệ để không bị lệ thuộc nếu gặp phải tình huống này.

Tại Việt Nam, câu chuyện PMNM thường được nhắc tới với giọng điệu bi quan. Sang năm 2012, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn. Ông có đồng tình với nhận định này?

Suốt thời gian dài, phần lớn các doanh nghiệp đổ dồn đi làm máy tính thương hiệu Việt (thực tế là công nghệ lắp ráp giản đơn), đổ dồn vào kéo và lắp đường truyền Internet (thực chất là mua thiết bị từ nước ngoài) hoặc đổ đi làm game (cũng mua nước ngoài). Còn rất ít chỗ cho các doanh nghiệp PMNM phát huy khả năng. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, ngành CNTT-TT cũng phải chuyển hướng.

Từ đầu năm 2012 trở lại đây, Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ KH-CN đã có những thay đổi về chính sách. Những gợi ý, định hướng triển khai thực sự đi vào cuộc sống đã giúp cho các địa phương mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, phát triển và nắm bắt công nghệ để ứng dụng CNTT. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tìm đến với PMNM với mong muốn tiết giảm chi phí đầu tư và tăng khả năng làm chủ công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp PMNM. Thực tế, các doanh nghiệp thuộc VFOSSA cũng đã có những bước chuyển mạnh mẽ.

Dẫu sao thì con đường phát triển của PMNM còn khó khăn. Một số cơ quan Nhà nước khối Bộ, ngành vẫn chưa dùng PMNM vì còn thiếu nhiều phần mềm đáp ứng nhu cầu chuyên ngành. Ông nghĩ sao?

Các ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành thì các cơ quan Nhà nước phải chủ động thuê các đơn vị, doanh nghiệp phần mềm viết ra hoặc bán lại chứ không thể mong muốn tải về miễn phí từ những nguồn có sẵn. Không nên mặc định cứ PMNM là miễn phí và có sẵn những người sẵn sàng làm việc không công. Nếu coi PMNM như một “bàn đạp” giúp nhanh chóng triển khai ứng dụng CNTT, làm chủ công nghệ thì cần chấp nhận trả phí cho PMNM. Rất nhiều đơn vị sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho việc mua phần mềm nguồn đóng nhưng lại băn khoăn khi phải trả phí sử dụng PMNM.

Đã có nhiều địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí cho việc sử dụng PMNM song vẫn ngại ngần về việc đội ngũ hỗ trợ sử dụng PMNM tại Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có phải doanh nghiệp PMNM khó "hút" được nhân tài?

Gần 10 năm lao đao với chuyện sinh tồn, phần lớn các doanh nghiệp PMNM không thể trả cho nhân lực trình độ cao mức lương, thưởng hậu hĩnh, hấp dẫn như là các doanh nghiệp CNTT lớn. Tuy nhiên, những người đang làm PMNM là những người tài năng và đam mê CNTT. Chúng tôi không cạnh tranh bằng “đãi ngộ” mà cạnh tranh bằng sự “chia sẻ” và “đam mê”.

Quay lại câu chuyện làm chủ công nghệ, doanh nghiệp PMNM có tính tới chuyện hợp tác Công - Tư (PPP) để có thêm nguồn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ hay không?

Mong muốn quá đi chứ, nhưng vấn đề là làm như thế nào? Nếu Nhà nước cứ kêu gọi “doanh nghiệp đầu tư đi” và “tôi sẽ tạo cơ chế cho ông thu tiền” thì dĩ nhiên là chỉ có các doanh nghiệp lớn “vỗ tay”. Nếu Nhà nước muốn “tạo sân chơi”, tạo cơ chế để phát huy tối đa tính sáng tạo, sự đổi mới, tính cạnh tranh thì phải cân nhắc việc đầu tư trực tiếp theo cơ chế “Nhà nước rót vốn, doanh nghiệp triển khai” và “cổ phần hóa dự án”. Theo đó, doanh nghiệp có ý tưởng hay có thể mang đến cơ quan Nhà nước đánh giá, sau đó Nhà nước sẽ cấp vốn đầu tư triển khai ý tưởng và cổ phần hóa khi triển khai thành công, giống như cách làm của quỹ đầu tư mạo hiểm.

Không ít quỹ đầu tư nước ngoài đã đầu tư thành công vào các doanh nghiệp trong nước và sau đó, quỹ đầu tư đã sở hữu hoặc hưởng lợi từ sự thành công đó. Tại sao Nhà nước ta không làm được như vậy? Đối với các doanh nghiệp PMNM, đã có khá nhiều hệ thống đang hoạt động hiệu quả. Nếu Nhà nước sẵn sàng triển khai theo hướng cổ phần như vừa nêu thì chúng tôi cũng không ngại chia sẻ.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: ictnews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây