Đẩy mạnh ứng dụng Phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) sẽ tác động đến sự phát triển của Công nghiệp CNTT-TT và nội dung số, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ được xây dựng trên nền tảng cộng đồng và giảm chi phí mua bản quyền phần mềm. Phát triển PMTDNM sẽ có tác động mạnh mẽ đến công tác nghiên cứu và phát triển, là cơ sở hình thành những sản phẩm phần mềm của Việt Nam. Những lợi thế đó của PMTDNM là do xuất phát từ những yếu tố đặc thù của sản phẩm PMTDNM: được hình thành từ những dự án mở, được hậu thuẫn bởi những tập đoàn công nghệ lớn và được sự hỗ trợ của cộng đồng, qua đó từng bước hình thành nguồn nhân lực CNTT-TT có chất lượng.
Phần mềm tự do nguồn mở là một cơ hội tốt cho sinh viên CNTT, tạo cho thế hệ trẻ một sân chơi lành mạnh, bổ ích và khơi gợi tính sáng tạo của tuổi trẻ. Liên tục từ năm 2005 đến nay, một sân chơi sáng tạo quy mô quốc tế về phần mềm nguồn mở (PMNM) có tên “Google Summer of Code” do hãng Google khởi xướng, phát động vào dịp mùa xuân và kết thúc vào cuối mùa hè hàng năm, đã thu hút hàng ngàn sinh viên trên toàn thế giới tham gia. Thông qua cuộc thi, các nhóm sinh viên sẽ được kết nối với các doanh nghiệp và cố vấn công nghệ PMNM, được tham gia các dự án PMNM cụ thể, qua đó được tiếp xúc với thế giới phát triển PMNM, được thuấm nhuần văn hóa và phong cách phát triển PMNM. Cuộc thi cũng là cơ hội cho sinh viên tiếp cận việc làm với các lĩnh vực liên quan đến học tập của mình. Thành công từ các dự án cụ thể với mã nguồn được tạo ra sẽ góp phần phong phú cho kho tàng các sản phẩm PMNM vì lợi ích của tất cả mọi người.
Phỏng theo mô hình “Google Summer of Code”, Hội Tin học Việt Nam, với sự ủng hộ của Văn phòng Công nghệ thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ, cộng đồng PMTDNM Việt Nam, các trường Đại học và Doanh nghiệp tổ chức Giải thưởng “Mùa hè sáng tạo - Sinh viên viết ứng dụng Phần mềm tự do nguồn mở” (MHST-FOSS) lần thứ nhất vào mùa hè năm 2009. Từ thành công bước đầu của cuộc thi này, Hội Tin học Việt Nam quyết định sẽ tổ chức thành cuộc thi hàng năm, với vòng thi chung khảo và trao giải chung với kỳ thi Olympic Tin học Sinh Viên Việt Nam. Từ năm 2012, Hội THVN giao việc toàn bộ việc điều hành và quản lý cuộc thi MHST-FOSS cho CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA).
Nâng cao nhận thức và định hướng sáng tạo cho sinh viên trong lĩnh vực ứng dụng và sáng tạo PMTDNM.
Phát hiện ra nhân tài trẻ với các sản phẩm, giải pháp sáng tạo PMNM tiêu biểu, nhằm tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển và giúp họ đưa các sản phẩm đó vào ứng dụng thực tế nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Gắn kết các Doanh nghiệp CNTT, các Tổ chức - Đơn vị nghiên cứu, các Trường Đại học và Cộng đồng PMTDNM đề xuất các dự án PMNM thiết thực cụ thể cho sinh viên sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia về PMNM.
Tạo cơ hội tiếp cận việc làm với các lĩnh vực ứng dụng PMNM liên quan đến học tập của sinh viên.
Góp phần phong phú cho kho tàng các sản phẩm PMNM vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.
Mọi sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng sau khi xem xét lựa chọn các dự án do BTC công bố đều có thể đăng ký và gửi đề cương dự án tham gia dự giải.
Các trường có thể tổ chức đăng ký và thành lập nhiều đội dự án tham dự và cử giảng viên làm đồng hướng dẫn (co-mentor) cho các nhóm dự án của mình.
31/3/2013 : Khởi động cuộc thi “Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng Phần mềm nguồn mở 2013”. Công bố website của cuộc thi và gửi thư thông báo và kêu gọi đóng góp ý tưởng đến các Công ty, Cộng đồng PMTDNM và Trường Đại học
Từ 01/4 đến 15/5/2013 : BTC nhận và công bố trên website của cuộc thi danh sách các ý tưởng dự án PMNM do các Doanh nghiệp, Cộng đồng PMTDNM, các Đơn vị và Trường đại học đăng ký tham gia hỗ trợ và danh sách các hướng dẫn viên (mentor) cho mỗi dự án.
Từ 1/5 đến 8h 1/6/2013 : BTC nhận (qua email) hồ sơ đăng ký tham gia dự án của các cá nhân hoặc nhóm sinh viên (theo mẫu phiếu đăng ký lấy về từ website của cuộc thi)
Từ 1/6 đến 12/6/2013 : BTC tiến hành đánh giá sơ tuyển các hồ sơ và công bố danh sách các cá nhân/nhóm (sau đây gọi chung là đội) được chọn để thực hiện các dự án. Danh sách các đội được chọn sẽ được công bố trên website chậm nhất vào tối 13/6/2013.
Từ 15/6 đến 15/9/2013: thực hiện dự án (3 tháng) chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (15/6 – 31/7/2013) : Các đội lọt qua sơ tuyển nhận một nửa số tiền tài trợ của BTC và bắt tay thực hiện dự án. Ngày 30/7/2013: hướng dẫn viên chính (mentor) gửi phiếu đánh giá (theo mẫu) tiến độ thực hiện dự án do mình hướng dẫn về cho BTC và kiến nghị về việc có cho đội dự án tiếp tục hay không.
Giai đoạn 2 (1/8 – 15/9/2013) : Nếu nhóm dự án được mentor đánh giá tốt và BTC cho phép tiếp tục, nửa số tiền tài trợ còn lại sẽ được chuyển nốt cho đội. Trước 0h ngày 16/9/2013 : các đội gửi sản phẩm dự thi về cho BTC (theo qui định sẽ được công bố trên website cuộc thi). Mentor cũng gửi phiếu đánh giá cuối cùng của mình cho BTC chậm nhất vào ngày 18/9/2013.
Từ 20/9 đến 30/9/2013 : Hội đồng sơ khảo chấm sản phẩm và đánh giá xếp thứ hạng. Danh sách 5 đội tuyển vào chung khảo sẽ được công bố vào ngày 5/10/2013.
Chấm chung khảo và trao giải sẽ được tiến hành trong kỳ thi và tại Lễ Tổng kết và trao giải Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 22 tại Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng (tháng 10-11/2013). Kết quả cuộc thi, tiêu chí chấm điểm của Hội đồng, danh sách Hội đồng và thứ hạng các sản phẩm cùng mã nguồn sẽ được công bố trên Website cuộc thi.
Đại diện các doanh nghiệp phát triển và cung cấp giải pháp CNTT-TT tham gia hỗ trợ Giải thưởng.
Đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông; Đại diện cộng đồng PMTDNM Việt Nam.
Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông, nghiên cứu viên, giảng viên các Viện nghiên cứu, các Trường đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo CNTT-TT.
Các hướng dẫn viên (mentors) cho các đội dự án.
Mọi thông tin về cuộc thi sẽ được cập nhật theo thời gian và công bố trên website của cuộc thi http://vfossa.vn/vi/mhst/2013/. Mọi ý kiến thắc mắc, liên hệ liên quan đến cuộc thi xin gửi về hòm thư của BTC theo địa chỉ: btc.mhst@vfossa.vn.
Tác giả: Nguyễn Hồng Quang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn