Liên danh nhà thầu thực hiện dự án triển khai dịch vụ công cho Cục đường thủy nội địa Việt Nam gồm: Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC Software, thành viên cộng đồng OpenCPS và Công ty hợp danh công nghệ tầu thủy (STC). Nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, thành viên VFOSSA và thành viên sáng lập cộng đồng OpenCPS.
OpenCPS là sản phẩm được phát triển bởi cộng đồng OpenCPS theo đúng mô hình phát triển phần mềm tự do nguồn mở,OpenCPS là phần mễm lõi phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ 2, 3, 4 phù hợp với quy định của nhà nước về thủ tục hành chính và các quy định của Bộ TT&TT về dịch vụ công trực tuyến các cấp độ. Đây là sản phẩm nguồn mở đầu tiên được phát triển nhằm mục tiêu hiện thực hóa Nghi quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
“Các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể sử dụng OpenCPS cho mục đích kinh doanh của mình và tuân thủ giấy phép AGPL, trong đó điểm quan trọng nhất là buộc phải mở mã nguồn nếu sửa phần core và đóng góp cho OpenCPS, còn bản quyền được sử dụng miễn phí. Việc phát triển kinh doanh tùy thuộc vào thị trường và chiến lược của từng doanh nghiệp và mức chi phí theo dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp, chúng tôi khẳng định OpenCPS sẵn sàng cho triển khai dịch vụ công ở mức độ cao nhất (mức 4) cho các đơn vị thực hiện dịch vụ hành chính công ở cấp Bộ và cấp địa phương. Hiện tại, đã có 16 doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ trên OpenCPS”, đại diện cộng đồng OpenCPS cho hay.
Hệ thống phần mềm OpenCPS hoạt động theo đúng chuẩn mực của cộng đồng nguồn mở thế giới và được phát hành theo giấy phép nguồn mở AGPL v3+. Dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) và các công ty nguồn mở hàng đầu thế giới như Redhat và MariaDB, cùng với sự tham gia của 19 Công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như hạ tầng CNTT, an ninh mạng, phần mềm, dịch vụ chữ ký số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và tổng đài hỗ trợ đã dần đưa ra thị trường sản phẩm về Dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện tại.
Ông Nguyễn Thế Hùng, tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (là đơn vị phát triển chính của phần mềm nguồn mở
NukeViet, sản phẩm được coi là phần mềm nguồn mở lâu đời nhất Việt Nam) cho rằng:
"Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam sau nhiều năm được vận động và thúc đẩy ở Việt Nam vẫn chưa thể phát triển rộng rãi thì nay, sự ra mắt của Công ty Cổ phần phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS và phần mềm dịch vụ công trực tuyến OpenCPS cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh bằng phần mềm nguồn mở đã thực sự thay đổi.
Trước đây doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phần mềm nguồn mở để phục vụ công việc kinh doanh nhiều, tuy nhiên trường hợp của FDS thì khác: lần đầu tiên, dưới sự giúp đỡ của VFOSSA, một doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt tay xây dựng cộng đồng, xây dựng và phát triển một phần mềm nguồn mở mới theo đúng cách làm phần mềm nguồn mở theo chuẩn của thế giới, mà sự hình thành của phần mềm không phải từ yêu thích công nghệ mà hoàn toàn là một chiến lược kinh doanh: chiến lược kinh doanh phần mềm dựa trên phương pháp phát triển phần mềm nguồn mở.
Hiện tượng này cho thấy độ chín về công nghệ, về hiểu biết, về phương pháp luận trong việc phát triển và kinh doanh phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đối với phần mềm nguồn mở. Nó dần thay thế cho phương thức kinh doanh và phát triển phần mềm cũ theo kiểu độc quyền và phù hợp với xu thế chung của thế giới: làm việc cộng tác, chia sẻ giá trị và tri thức, chia sẻ công nghệ.
Theo cách kinh doanh phần mềm nguồn mở, tất cả tinh hoa công nghệ, thành quả sản phẩm sẽ được công khai hoàn toàn trên internet, chia sẻ tự do cho tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Một khi tinh mọi thành quả và tinh hoa công nghệ được chia sẻ và hội tụ, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khi đó mọi người dân đều được lợi, quốc gia sẽ được lợi.
Lựa chọn phương thức phát triển phần mềm nguồn mở để kinh doanh sẽ có nhiều thách thức, tuy nhiên hệ sinh thái kinh doanh của phần mềm nguồn mở sẽ là một hệ sinh thái bền vững, một khi doanh nghiệp đã thiết lập được nó một cách hoàn chỉnh, rất khó để phá vỡ nó.
Tôi hy vọng tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ nhận thức được cơ hội của họ đối với phần mềm nguồn mở như công ty FDS, nhiều công ty phát triển mềm nguồn mở sẽ ra đời để thúc đẩy phần mềm nguồn mở ở Việt Nam phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Công nghệ thông tin nói chung, xóa bỏ tình trạng muốn tiến lên nước công nghiệp hóa công nghệ thông tin mà "bói" không ra một phần mềm có thương hiệu nổi tiếng!"
Xem tin chi tiết trên trang web của CMC Software và báo điện tử ICTNEWS