Sinh viên ĐH Bách khoa HN hướng tới sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho xã hội

Thứ ba - 27/09/2016 23:12
(ICTPress) - Tạo các sản phẩm hữu ích và khởi nghiệp là những mục tiêu chính trong hoạt động của hai câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong khuôn khổ Ngày hội phần mềm tự do nguồn mở (Software Freedom Day) 17/9/2016 được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hai Câu lạc bộ sinh (CLB) viên nghiên cứu và sáng tạo (AI Club) của Viện CNTT-TT và Câu lạc bộ nghiên cứu sáng tạo của Viện Điện tử - Viễn thông đã ra mắt.

GS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa trao Giấy chứng nhận cho 2 CLB
 

Giới thiệu về CLB sinh viên nghiên cứu và sáng tạo (AI Club) của Viện CNTT-TT, TS. Đinh Việt Sang, Bí thư Liên chi đoàn Viện CNTT-TT cho biết CLB được thành lập nhằm hỗ trợ sinh viên nghiên cứu chuyên sâu cũng như là tạo ra các sản phẩm sáng tạo có ý tưởng độc đáo, tạo ra các hoạt động nền để tăng cường khả năng nghiên cứu của sinh viên, tạo ra những sản phẩm CNTT phục vụ cho xã hội. CLB cũng nhằm mục đích xây dựng một môi trường nghiên cứu năng động dành cho các bạn sinh viên Viện CNTT-TT.

CLB sẽ có 1 Chủ nhiệm là cán bộ, có 2 Phó Chủ nhiệm là hai ủy viên là sinh viên, trực thuộc Chi đoàn cán bộ của Viện, và dưới sự điều hành trực tiếp từ Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện.

Định hướng hoạt động của CLB là sẽ triển khai các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các chủ đề rất quan trọng, “hot” hiện nay về AI như: dữ liệu lớn (big data), đang nghiên cứu những hệ lưu trữ phân tán, và xử lý dữ liệu phân tán; điện toán đám mây (cloud computing), trong đó nghiên cứu hiệu năng cao như tính toán lưới, tính toán phân tán, lập trình trên các đồ họa đa dụng GPU và một hướng đang được chú trọng nghiên cứu hiện nay là khoa học dữ liệu (data science) với chủ đề liên quan đến học máy, khai phá dữ liệu, thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… CLB hy vọng có thể áp dụng những kết quả nghiên cứu trí tuệ nhân tạo kết hợp với IoT để áp dụng vào các bài toán thực tế để tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, CLB AI cũng tổ chức các buổi đào tạo về kỹ năng mềm, những kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo để trang bị cho các sinh viên kỹ thuật, CNTT những hành trang cần thiết cho công việc sau này.

CLB cũng dự kiến sẽ tổ chức định kỳ sinh hoạt theo các chuyên đề nhằm mục đích để trao đổi định hướng công nghệ,  trao đổi về mặt chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm, giải quyết các bài toán thực tế.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Minh Đức, Phó Bí thư Liên chi đoàn Viện Điện tử Viễn thông đã giới thiệu về CLB nghiên cứu sáng tạo Điện tử - Viễn thông, hướng tới tất cả các bạn sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và muốn phát huy ý tưởng sáng tạo. Mục tiêu, hoạt động của CLB là phát huy sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên Điện tử Viễn thông để tạo ra các sản phẩm hữu ích từ ý tưởng các bạn sinh viên. CLB với các bạn sinh viên sẽ cùng tham gia với các thầy cô nghiên cứu các sản phẩm.

Bên cạnh đó, CLB cũng hỗ trợ sinh viên học tập, định hướng cho sinh viên nghiên cứu gì, để xác định mục tiêu rõ ràng hơn về ngành nghề, cũng như định hướng học tập. CLB cũng làm cầu nối để trao đổi học tập, nghiên cứu khoa học giữa các sinh viên và Ban giám đốc, lab nghiên cứu.

CLB gần đây đã tham gia thực hiện trực tiếp một số đề tài như gần đây nhất là nghiên cứu điều khiển máy bay không người lái UAV, phát triển các ứng dụng IoT trong tưới tiêu…; tổ chức các khóa học kỹ năng mềm, các khóa học ngắn hạn như điện tử cơ bản, thiết kế lệnh in, sử dụng matlab, lập trình vi điều khiển… để định hướng cho các bạn mới vào học Điện tử Viễn thông; tổ chức CLB tiếng Anh chuyên ngành, các cuộc thi thường niên...CLB cũng góp phần tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học của Viện như tổ chức Hội nghị sinh viên khoa học, hay tuyển tham gia lab…

Định hướng của CLB trong thời gian tới là tổ chức các lớp học nghiên cứu sâu để các bạn sinh viên có khả năng nghiên cứu sâu, tốt và khi được tuyển vào lab có thể làm việc ngay.

Để đạt những mục đích trên, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà trường, cả hai CLB đều cho biết cần tài trợ của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác kết nối khoa học, tổ chức lớp học để có kiến thức sâu rộng hơn, có những buổi chuyện sinh viên để có định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp…

Tại buổi lễ ra mắt hai CLB, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng KHCN, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hoạt động nghiên cứu và sáng tạo ở ĐH Bách khoa Hà Nội đã có lịch sử hơn đã có hơn 30 năm. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của các thế hệ sinh viên và thầy cô. Mỗi năm trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 1000 sinh viên và 500 cán bộ tham gia 400 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nếu với tỷ lệ thành công 10 – 15% thì mỗi năm sẽ có 40 – 50 start-ups thành công.

Với xuất phát điểm tuyệt vời này, từ năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trương hỗ trợ phát triển các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu và sáng tạo với mục tiêu chính là thúc đẩy hoạt động sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho xã hội và có khả năng khởi nghiệp. Do đó, nhà trường sẽ tạo một không gian làm việc với nhau và với xã hội cũng như tổ chức các hoạt động nền để hỗ trợ kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên, đồng thời tài trợ về mặt cơ bản cho một số đề tài được chọn”.

“Hai CLB ra mắt là được đề xuất bởi hai ngành có hoạt động start-up rất mạnh mẽ hiện nay ở Việt Nam”, bà Minh nhấn mạnh.

 

Tác giả: QA

Nguồn tin: ictpress.vn

 Từ khóa: vfossa, sfd, software freedom day

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay7,538
  • Tháng hiện tại414,635
  • Tổng lượt truy cập32,671,878
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây