Đạo luật ngân sách sẽ giúp cơ quan quốc phòng lớn nhất thế giới đẩy mạnh phần mềm nguồn mở

Thứ hai - 20/11/2017 02:03
Một điều khoản trong đạo luật ngân sách năm 2018 sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quốc phòng lớn nhất thế giới gia tăng mạnh mẽ việc phát triển phần mềm nguồn mở.
Theo The Verge, "nguồn mở" (open source) là một thuật ngữ công nghiệp để chỉ mã nguồn có thể truy cập công khai. Tất cả chúng ta đều có thể xem và đọc mã nguồn của ứng dụng mã nguồn mở, trái với các ứng dụng mã nguồn đóng (closed source) hoặc thương mại (proprietary) mà các công ty giữ kín mã nguồn như bí mật thương mại của mình. Về bản chất, nguồn mở là một công cụ có thể chia sẻ, giống với tài sản sáng tạo công cộng (creative commons) hơn bản quyền (copyright). Hai ưu điểm lớn của nguồn mở là các thỏa thuận quản lý phần mềm nguồn mở dễ chịu hơn rất nhiều so với các thỏa thuận phần mềm thương mại, và không đi cùng với chi phí giấy phép. Ví dụ, chi phí để chạy một bản Adobe Photoshop là 348 USD/năm, trong khi phần mềm nguồn mở cũng có khả năng xử lý hình ảnh rất tốt là GIMP (GNU Image Manipulation Program) lại miễn phí.
(Ảnh: Open Source Software)

Không như nhiều người nghĩ, cơ quan quốc phòng lớn nhất thế giới là một môi trường làm việc sử dụng nhiều phần mềm. Văn phòng của Bộ quốc phòng Mỹ là nhà tuyển dụng đơn lẻ lớn nhất thế giới, không chỉ có những công việc như hành quân với súng trường và giày ống mà còn có rất nhiều việc với các báo cáo, họp tổng kết, quản lý dữ liệu, quản lý doanh nghiệp... Trong đời sống quân đội hàng ngày ở đó, công việc chạy slide Powerpoint cũng nhiều như số phiên trực ở một tạp chí đang là mục tiêu của bọn khủng bố.

Theo TechRepublic, nếu điều khoản 886 của đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2018 được thông qua, cơ quan quốc phòng lớn nhất thế giới là Lầu Năm Góc sẽ đầu tư mạnh vào phần mềm nguồn mở trong năm tới. 


Nếu NDAA 2018 được thông qua, phần mềm nguồn mở sẽ được dùng nhiều hơn tại Lầu Năm Góc trong năm tới
(Ảnh: iStockphoto)

Về cơ bản, nội dung điều khoản 886 là bất kỳ phần mềm phát triển theo nhu cầu, chưa phân loại và sản xuất sau khi đạo luật được thông qua 180 ngày phải được quản lý như phần mềm nguồn mở. Sự miễn trừ theo yêu cầu này có thể được người điều hành việc mua bán dịch vụ xem xét.

Một ý quan trọng nữa là Bộ trưởng Quốc phòng được quyền yêu cầu nhà thầu sản xuất bất kỳ phần mềm nào đang tồn tại phải phát hành mã nguồn và dữ liệu liên quan lên một thư viện công cộng do Bộ quốc phòng thông qua. Điều này "tùy thuộc vào một giấy phép mà qua đó, người giữ bản quyền cung cấp các quyền sử dụng, nghiên cứu, tái sử dụng, điều chỉnh, mở rộng và phân phối phần mềm cho bất kỳ ai, bất kỳ mục đích nào", nguyên văn điều khoản 886 được TechRepublic trích dẫn.

Trong trường hợp không có sẵn mã nguồn, một cơ quan nội bộ về chương trình nghiên cứu quốc phòng tiên tiến sẽ được giao nhiệm vụ tìm cách đảo ngược kỹ thuật phần mềm để phát hành mã nguồn của nó như các phần mềm nguồn mở khác.

Ngoài việc yêu cầu phát hành mã nguồn, Bộ trưởng Quốc phòng cũng sẽ đàm phán với các nhà thầu ban đầu để có được giấy phép nguồn mở cho các phần mềm máy tính phát triển theo nhu cầu hiện đang sử dụng.

Cuối cùng, Bộ trưởng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh bằng cách trao một giải thưởng cho các chương trình và phương pháp mới giúp xác định, lưu trữ các công cụ phần mềm theo nhu cầu của bộ và dữ liệu liên quan. Cũng sẽ có một giải thưởng phụ cho việc "cải tiến, đặt mục tiêu mới hoặc tái sử dụng phần mềm để hỗ trợ sứ mệnh của Bộ Quốc phòng tốt hơn".

Hiện nay, ngân sách NDAA 700 tỉ USD đã được biểu quyết tại Thượng viện hồi tháng 9 và được đa số Hạ viện đồng thuận vào hôm thứ ba vừa qua (14/11), chỉ còn chờ chữ ký của tổng thống Donald Trump.

Với việc Kaspersky bị chính phủ Mỹ cấm sử dụng tại các văn phòng liên bang để tránh nguy cơ từ tình báo Nga, đối thoại xoay quanh vai trò quan trọng của phần mềm trong chính phủ Mỹ đã gia tăng. Sử dụng phần mềm nguồn mở sẽ đem lại mức độ minh bạch và kiểm soát cao hơn những gì đang được các cơ quan chính phủ sử dụng.

Đặt trọng tâm vào nguồn mở cũng sẽ giúp chính phủ Mỹ nhanh chóng đưa ra các giải pháp số tiên tiến hơn, trong bối cảnh khu vực tư nhân có xu hướng đổi mới nhanh hơn các tổ chức trong khu vực công. Nguồn mở cũng sẽ tạo ra sự linh hoạt vì các cơ quan có thể yêu cầu thiết kế phần mềm theo nhu cầu mỗi nơi và tối ưu hóa các ứng dụng trong những trường hợp đặc biệt.

Động thái tăng cường phần mềm nguồn mở này cũng sẽ giúp chính phủ Mỹ có thêm cơ hội thu hút các nhà phát triển, dù nhu cầu về chuyên gia nguồn mở đang cao và việc cạnh tranh để giành được các nhân tài sẵn có không phải là chuyện dễ với chính phủ Mỹ.

Tác giả: Steve Trần

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây