Bản Linux nào thích hợp cho người mới bắt đầu?

Thứ năm - 06/07/2017 21:03
Nếu muốn dùng thử Linux, trước hết bạn cần chọn một bản phân phối (distro) phù hợp. Có rất nhiều distro khác nhau, và đây là những distro phù hợp nhất để bắt đầu khám phá Linux.
Bản Linux nào thích hợp cho người mới bắt đầu?
Linux thực chất chỉ là kernel, phần lõi của nền tảng. Giao diện đồ họa, công cụ dòng lệnh và tất cả các thành phần hệ thống khác đều là những dự án riêng biệt không thuộc Linux. Bản phân phối Linux (Linux distribution) tập hợp phần mềm mã nguồn mở từ các dự án khác nhau thành một hệ điều hành hoàn chỉnh để cài đặt, sử dụng.

Theo How-To Geek, việc dùng thử các bản phân phối Linux rất dễ dàng. Chỉ cần tải chúng trên mạng, dùng công cụ tạo USB hoặc DVD có khả năng boot, khởi động lại máy từ USB hoặc DVD rồi lựa chọn chế độ "Live mode" là xong. Trong chế độ này, hệ điều hành được nạp trực tiếp từ USB hoặc DVD mà không ảnh hưởng đến hệ thống chính. Sau thời gian dùng thử, bạn có thể cài nó lên máy tính từ chế độ này.

Trên các máy tính mới, bạn có thể phải tắt Secure Boot để khởi động Linux. Một số phiên bản Linux có thể không cần tắt, nhưng không phải bản nào cũng như vậy.

Có rất nhiều bản phân phối Linux khác nhau đến từ rất nhiều nơi, và đây là những phiên bản phù hợp nhất dành cho người mới bắt đầu.

Ubuntu

Ubuntu có lẽ là cái tên phổ biến và gần gũi nhất trong thế giới Linux dành cho máy tính. Đây là bản Linux tuyệt vời cho cả người mới dùng lẫn người đã có nhiều kinh nghiệm.

Giao diện của Ubuntu rất thân thiện với desktop, cách cài đặt dễ dàng. Trong quá trình cài đặt, Ubuntu sẽ hỏi bạn có muốn cài thêm Flash cùng bộ giải mã đa phương tiện hay không, chỉ cần click vào để xác nhận. Một công cụ có tên Additional Drivers sẽ tự tìm và cài các driver còn thiếu cho người dùng. Những công cụ này không phải lúc nào cũng có trên các bản Linux khác.

Bên cạnh sự đơn giản, Ubuntu còn có cộng đồng hỗ trợ rất lớn. Nếu gặp vấn đề hoặc thắc mắc, chỉ cần tìm kiếm trên website và bạn sẽ thấy các câu hỏi tương tự kèm câu trả lời vì lượng người dùng Ubuntu cực kỳ nhiều.

Do có cộng đồng lớn nên lượng phần mềm cho Ubuntu cũng rất đa dạng, bạn có thể tìm thấy những công cụ cần thiết trong kho ứng dụng của Ubuntu hoặc từ các kho bên thứ ba gọi là PPA. Một số phần mềm trên Windows như Google Chrome hay Microsoft Skype cũng có phiên bản cho Ubuntu. Nếu dùng card đồ họa NVIDIA, bạn có thể cài đặt/cập nhật driver dễ dàng trên Ubuntu mà không gặp nhiều khó khăn như các nền tảng Linux khác.

Ubuntu còn được nhà phát hành hỗ trợ dài hạn thông qua phiên bản LTS (Long Term Support) hỗ trợ vá lỗi bảo mật trong 5 năm từ ngày ra mắt. Phiên bản LTS mới ra mắt mỗi 2 năm, vậy nên bạn chỉ cần tiến hành một đợt nâng cấp trong 2 năm và sử dụng trong 5 năm. Không phải bản phân phối Linux nào cũng được hỗ trợ lâu như vậy.

Ubuntu là một bản phân phối của Linux, nhưng thậm chí còn có nhiều bản phân phối Linux khác dựa trên Ubuntu với giao diện desktop khác, nhiều ứng dụng khác trong cùng một nền tảng Ubuntu. Bạn có thể cài chúng để có những trải nghiệm mới nhưng vẫn đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài từ nhà phát hành, ví dụ Lubuntu với giao diện desktop LXDE nhẹ nhàng dành cho máy tính cấu hình thấp.

Linux Mint

Linux Mint cũng phổ biến không kém gì Ubuntu, nhiều người không thích Ubuntu nhưng lại rất thích Linux Mint. Linux Mint cũng là bản phân phối dựa trên Ubuntu nhưng dùng desktop Cinnamon hoặc MATE, môi trường desktop Linux truyền thống với taskbar hiển thị các cửa sổ đang mở, danh sách ứng dụng dạng pop-up. Nhiều người tìm kiếm một giao diện desktop không hào nhoáng, chỉ đủ dùng thì Cinnamon hay MATE của Linux Mint là lựa chọn tuyệt vời.

Linux Mint có đôi chút khác biệt so với Ubuntu, cài sẵn nhiều codec đa phương tiện cho trải nghiệm giải trí tốt hơn. Vì dựa trên Ubuntu nên sẽ có rất nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ cho Linux Mint.

Fedora

Nếu muốn tìm kiếm sự khác biệt thì Fedora chính là lựa chọn cho bạn.

Có một số khác biệt so với Ubuntu, Mint hay các bản phân phối khác, Fedora chỉ tập trung vào phần mềm mã nguồn mở, không có sẵn bất cứ driver "đóng" nào (ví dụ) vậy nên người dùng buộc phải tìm driver nếu cần. Lập trình viên của Fedora cũng làm việc trực tiếp với các dự án nguồn mở như GNOME, luôn mang đến nhiều công cụ, công nghệ mới nhất từ các dự án này.

Fedora là phiên bản cộng đồng dựa trên cơ sở của Red Hat Enterprise Linux, phiên bản Linux thương mại được hỗ trợ lâu dài. Trong khi mỗi bản RHEL được hỗ trợ trong vài năm thì Fedora lại ra mắt phiên bản mới mỗi 6 tháng, hỗ trợ vá lỗi trong 13 tháng.

Một số bản phân phối khác

Vẫn còn rất nhiều bản phân phối Linux khác để thử, bạn có thể xem bảng xếp hạng các distro trên DistroWatch để tìm ra distro phù hợp với mình nhất.

Nhiều distro được phát triển bởi một nhóm nhỏ, trong đó có Elementary OS với giao diện bóng bẩy, sử dụng môi trường desktop tùy chỉnh mang tên Pantheon. Tất nhiên nếu có nhiều nhu cầu nâng cao thì chỉ nên cài Elementary OS để trải nghiệm "cho vui" thôi. Trước khi tải về trên website, nhà phát triển sẽ yêu cầu quyên góp tiền cho họ nhưng bạn có thể bấm $0, sau đó tải về và cài đặt hoàn toàn miễn phí.

Debian chính là nền tảng tạo ra Ubuntu và nhiều bản phân phối Linux khác. Debian là lựa chọn tốt nếu bạn cần một môi trường ổn định, nhưng sẽ không được cập nhật thường xuyên và tập trung vào desktop như Ubuntu.

Bạn sẽ phải "vật lộn" với ngón tay và bàn phím nếu dùng Arch Linux, nhưng đây là lựa chọn phù hợp nếu thực sự muốn biết cách hoạt động của mọi thứ, vì chính bạn là người làm chủ nó. Nếu đã quen với Ubuntu hay Linux Mint thì Arch Linux là một "làn gió mới" dành cho bạn. Bạn có thể học và áp dụng các dòng lệnh để sử dụng Arch Linux (xem hướng dẫn cài đặt tại đây).

Tails là bản Linux siêu bảo mật được dùng bởi Edward Snowden và nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhà báo cần sự bảo mật tối đa. Bạn sẽ duyệt web với Tor đi kèm các công cụ bảo mật khác. Vì là môi trường chạy trên đĩa CD nên mọi dữ liệu sẽ bị xóa sau khi tắt máy. Tails là lựa chọn cho ai muốn được bảo mật thông tin khi duyệt web, dùng máy tính ở công cộng.

Tác giả: Phúc Thịnh

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây