Theo đó, Tập đoàn VNPT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập đoàn bao gồm văn phòng tập đoàn, các ban chức năng, các tổng cty trực thuộc, VNPT các tỉnh thành... gỡ bỏ toàn bộ phần mềm Microsoft Office được cài ở tất cả các máy tính (bao gồm cả máy để bàn và laptop).
VNPT cũng chỉ dẫn cài bộ phần mềm LibreOffice hoặc một phần mềm nguồn mở khác sử dụng cho văn phòng có thể thay thế và không vi phạm bản quyền phần mềm.
VNPT đã hoàn thành việc tập huấn thay thế bộ phần mềm văn phòng qua cầu truyền hình và ra "tối hậu thư" cho các đơn vị hạn chót chuyển đổi là 29/02/2016. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt theo giá trị phần mềm vi phạm bản quyền và trừ vào quỹ lương.
Sau khi tái cơ cấu, với 15.000 nhân viên (nguồn:
VTC), chỉ riêng VNPT-Vinaphone sẽ cần tới 15.000 máy tính cho nhân viên làm việc, nếu số lượng máy tính này đều cần trang bị bộ phần mềm văn phòng thương mại và chi phí trung bình cho mỗi bộ phần mềm là 1 triệu đồng/năm hoặc 2 triệu đồng/ lần (nếu mua số lượng lớn) thì sẽ cần tới 15 tỷ đồng/ năm hoặc ít nhất là 30 tỷ đồng (nếu mua 1 lần, phần mềm mua một lần thường được hỗ trợ nâng cấp trong vòng 3-5 năm).
Như vậy với việc sử dụng phần mềm nguồn mở LibreOffice, tập đoàn VNPT trước mắt có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đồng thời tránh được án phạt vi phạm bản quyền với mức tiền phạt không hề nhẹ, không những thế chuyện vi phạm bản quyền phần mềm có thể khiến VNPT bị cấm cửa khi kinh doanh tại các thị trường quốc tế do bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nhờ vi phạm bản quyền phần mềm.
Xu hướng chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở có thể là lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam khi việc thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền phần mềm ngày càng được siết chặt. Theo báo
Thể Thao Văn Hóa, vi phạm bản quyền phần mềm có thế bị xử lý hình sự. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân đối đến chuyện sử dụng phần mềm nguồn mở để thay thế.