Phỏng vấn Linus Torvalds nhân dịp 25 năm HĐH mở Linux

Thứ bảy - 02/04/2016 09:43
(PCWorldVN) Tác giả của hệ điều hành mã nguồn mở 25 năm tuổi nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của Linux
Linus Torvalds, tác giả của hệ điều hành mã nguồn mở Linux.
Linus Torvalds, tác giả của hệ điều hành mã nguồn mở Linux.

Linus Torvalds tạo ra lõi ban đầu của hệ điều hành Linux vào năm 1991 khi còn là sinh viên khoa máy tính tại Đại học Helsinki, Phần Lan. Linux nhanh chóng phát triển thành hệ điều hành hoàn chỉnh giờ có thể chạy trên smartphone, máy chủ và nhiều loại thiết bị khác. Trong bài phỏng vấn do biên tập viên kỳ cựu Stephen Cass của IEEE Spectrum thực hiện, Torvalds trình bày suy nghĩ về một phần tư thế kỷ qua và những gì 25 năm tới có thể mang lại.

Stephen Cass: Giờ anh từng trải hơn so với 25 năm trước. Có điều gì anh ước mình biết sớm hơn khi còn trẻ không?

Linus Torvalds: Thú thực, tôi nghĩ mình chẳng chuẩn bị gì nhiều cho sự thành công của Linux. Nếu biết mọi việc như hiện nay ngay từ đầu có lẽ tôi đã không có đủ can đảm để bắt tay vào viết một hệ điều hành của riêng mình: Bạn cần một chút ngây thơ để nghĩ mình có thể làm điều đó. Tôi thực sự nghĩ rằng điều đó cần thiết để bắt đầu một dự án và thành công. Sự thiếu hiểu biết về quy mô dự án và nhảy vào làm mà không có nhiều ý niệm về đích đến cũng có ích.

Vì không thực sự biết đích đến nên tôi có thể cởi mở hơn với những gợi ý của người khác, hơn là khi tôi có một ý tưởng rõ ràng về những gì mình muốn thực hiện. Tôi nghĩ sự cởi mở với những tác nhân bên ngoài đó đã làm cho những người khác thấy dễ dàng và thú vị hơn khi tham gia dự án. Mọi người không phải đi theo con đường người khác vạch sẵn mà có thể tự vạch hướng đi. Tôi nghĩ rằng đó chính là điều cuốn hút mọi người.

S.C: Có quyết định kỹ thuật ban đầu nào được trong quá trình phát triển của Linux mà giờ anh muốn làm theo một cách khác?

L.T: Những quyết định kỹ thuật không đúng luôn có thể làm lại. Đúng là những quyết định sai thật đáng thất vọng và rõ ràng làm lãng phí thời gian và công sức. Nhưng dù vậy không hẳn mọi thứ đều vô ích. Có một số lý do khiến bạn quyết định sai, và việc nhận ra nó sai dạy cho bạn điều gì đó. Tôi không nói rằng điều đó là tốt, đưa ra quyết định đúng rõ ràng luôn tốt hơn, nhưng tôi không quá băn khoăn khi lựa chọn quyết định. Tôi thà đưa ra một quyết định mà sau đó hóa ra sai hơn là cân nhắc các phương án quá lâu.

Có một tình huống “tai tiếng” trong hệ thống bộ nhớ ảo Linux khoảng năm 2001 và có sự bất đồng dữ dội về hướng giải quyết. Ngoài ra còn có những vấn đề về cấu hình bộ nhớ. Nhiều mảng lớn của hệ thống phải viết lại vào lúc tưởng chừng như đã ổn định. Mọi người đều không vui.

Cuối cùng mọi việc đều được giải quyết. Quả là một vố đau, tốt hơn nhiều nếu không phải thay đổi khá nhiều giữa chừng, nhưng nó không phải là thảm họa.

S.C: Khi Linux lớn nhanh, việc chuyển từ một người phát triển thành một cộng đồng ra sao?

L.T: Có hai bước chuyển đổi đáng chú ý đối với tôi: Một khá sớm (1992), đó là khi tôi bắt đầu dùng các bản vá của các nhà phát triển khác chứ không phải cái nào cũng tự viết lại. Và một muộn hơn nhiều khi bắt đầu học cách thực sự tin tưởng những người tham gia chỉnh sửa hệ thống.

Bước đầu tiên dễ dàng hơn nhiều vì khoảng sáu tháng đầu viết nhân Linux, tôi hoàn toàn làm một mình, khi mọi người bắt đầu gửi các bản vá tôi thực sự không sử dụng. Tôi xem các bản vá và chỉ quan tâm ý người ta muốn gì rồi sau đó viết lại, đôi khi khá giống, đôi khi theo cách hoàn toàn khác.

Nhưng cách đó nhanh chóng trở nên không ổn. Sau một thời gian ngắn tôi bắt đầu tin tưởng những người nhất định đủ để thay vì viết lại bản vá theo ý họ, tôi dùng luôn bản vá của họ. Nhưng tôi vẫn thường thực hiện một số điều chỉnh, và qua nhiều năm tôi rất thạo việc đọc và chỉnh sửa các bản vá. Và mô hình này thực sự làm việc tốt trong nhiều năm.

Nhưng chính vì mô hình "dùng bản vá của người khác" làm việc rất tốt trong nhiều năm, tôi đã trở nên quen với nó và ngại thay đổi. Khoảng năm 2000, nhân Linux có một bước phát triển lớn (thời điểm đó Linux đã bắt đầu được một số công ty thương mại chú ý). Mọi người bắt đầu phàn nàn “Linus doesn’t scale” (Linus không kham nổi), rằng tôi là một rào cản cho sự phát triển. Lúc đó chúng tôi không có công cụ quản lý mã nguồn tốt.

Cuối cùng dẫn đến việc áp dụng BitKeeper để quản lý mã nguồn. Nó rõ ràng là công cụ thích hợp cho việc này, và nó đã dạy tôi về cách kiểm soát mã nguồn và cách làm việc cộng tác với mô hình phát triển phân tán hơn, theo đó tôi không còn là điểm đồng bộ mã nguồn đơn độc.

Những gì tôi học được về cách kiểm soát mã nguồn phân tán chính là thứ Git cung cấp vào năm 2005. Git trở thành một trong những câu chuyện thành công trong vấn đề kiểm soát mã nguồn, nhưng cũng phải mất nhiều công sức chỉ cho người ta thấy những lợi ích của việc này. Nỗi đau mà nhân Linux trải qua vào năm 2000 là một bài học học lớn.

S.C: Còn có dự án nào khác, tựa như vụ kiểm soát mã nguồn phân tán, khiến anh “ngứa ngáy tay chân”? 

L.T: Không. Và tôi thực sự hy vọng sẽ không có bất kỳ dự án nào khác. Tất cả các dự án lớn của tôi xuất phát từ khoảnh khắc "Chết tiệt, không ai khác làm điều này cho mình". Tôi thực sự hạnh phúc khi ai đó khác giải quyết vấn đề cho mình, nhờ đó tôi không phải mất nhiều công sức tự làm. Tôi thích ngồi ở bãi biển nhấm nháp thứ gì đó hơn là phải giải quyết vấn đề! Đùa vậy thôi chứ sau vài ngày sẽ chán ngay.

Tôi thực sự vẫn còn hứng thú với Linux. Còn về các dự án mới, tôi chưa thấy thoải mái để bắt tay vào làm.

S.C: Tại sao anh nghĩ Linux không bao giờ trở thành một hệ điều hành phổ biến trên máy tính để bàn?

L.T: Tôi vẫn đang làm việc về vấn đề này mà. Và tôi nghĩ rằng Chromebook đang thực sự làm khá tốt, ngay cả khi đó là một môi trường desktop khá hạn chế, không phải là mô hình máy trạm Linux truyền thống.

Về việc tại sao máy tính để bàn lại là bài toán hóc búa, có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do quan trọng đơn giản là thói quen của người dùng. Máy tính để bàn đơn giản là độc nhất trong thế giới điện toán ở chỗ nó vừa rất cá nhân. Bạn tương tác với nó mật thiết mỗi ngày nếu làm việc với máy tính,  nhưng cũng vừa phức tạp theo cách mà nhiều môi trường điện toán khác không có.

Hãy nhìn điện thoại thông minh. Đó cũng là mảng khá gần gũi của công nghệ điện toán và người ta gắn bó (và là môi trường Linux đang làm việc khá tốt, nhờ Android). Xét về nhiều mặt thì máy tính để bàn phức tạp hơn, với nhiều di sản khó xử lý hơn. Đây là thị trường khó thâm nhập. Hơn nữa, với một chiếc điện thoại di động, người ta thực sự có đủ các ứng dụng mà họ quen dùng, và hầu hết mọi người không bao giờ đổi hệ điều hành - số lượng người cài đặt một hệ điều hành khác hệ điều hành cài sẵn theo máy khá thấp.

Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng desktop là thị trường quan trọng, dù ở mức độ nào đó “máy tính để bàn đa năng" dường như đang bị lu mờ, khi các nền tảng khác chuyên hơn và do đó đơn giản hơn, có thể đảm đương nhiều công việc – như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) và Chromebook.

S.C: Ứng dụng nào của Linux khiến anh ngạc nhiên nhất?

L.T: Không nhiều, vì tôi nghĩ rằng Linux đã gần như trở thành môi trường mặc định cho việc thiết kế phần cứng hoặc dịch vụ mới. Nếu bạn có thiết bị chuyên biệt hoặc đang thiết kế hạ tầng Internet mới nào đó hay bất cứ thứ gì khác, tôi sẽ ngạc nhiên khi nó không chạy Linux.

Nhưng những lĩnh vực ứng dụng "kỳ quặc" đó từng khiến tôi ngạc nhiên, vì tôi vẫn nghĩ Linux là hệ điều hành máy trạm và máy chủ. Tại một số hội nghị Linux thương mại đầu tiên khi mọi người khoe những thứ như máy bơm hay tủ lạnh chạy Linux - tôi đã bỏ ngoài tai. Khi TiVo đầu tiên xuất hiện, việc nó chạy Linux tạo hứng thú cũng như tính năng “tua lại truyền hình trực tiếp".

S.C: Thách thức lớn nhất hiện nay Linux phải đối mặt là gì?

L.T: Nhân hệ điều hành thực sự đang làm việc rất tốt. Người ta tiếp tục lo lắng về việc mọi thứ đang trở nên quá phức tạp để hiểu và sửa lỗi. Nỗi lo đó rõ ràng có thể hiểu được. Nhưng cộng đồng Linux có rất nhiều người thông minh. Việc hệ thống phát triển quá lớn và phức tạp và rất nhiều người phụ thuộc vào nó đã buộc chúng tôi phải áp dụng rất nhiều quy trình. Những thay đổi lớn được xem xét rất kỹ lưỡng. Nhưng tôi nghĩ việc phát triển nhân hệ điều hành vẫn hiệu quả. Nhiều dự án mã nguồn mở khác mơ có được nguồn lực như chúng tôi.

Một thách thức thường xuyên mà chúng tôi luôn phải đối mặt là có rất nhiều phần cứng trên thị trường. Chúng tôi hỗ trợ nhiều phần cứng khác nhau - chắc chắn là nhiều hơn bất kỳ hệ điều hành nào khác, nhưng phần cứng mới xuất hiện mỗi ngày. Đặc biệt, lĩnh vực nhúng thường có khung thời gian phát triển nền tảng phần cứng rất ngắn (ví dụ tại Trung Quốc cứ một hay hai tháng lại có một nền tảng điện thoại mới được tạo ra), làm việc trong môi trường như vậy rất khó khăn. Tin tốt đó là có sự trợ giúp của rất nhiều nhà sản xuất phần cứng. Trước đây không được như vậy.

S.C: Những xu hướng kỹ thuật nào hiện nay khiến anh thấy hứng thú? Có xu hướng nào khiến anh lo ngại?

L.T: Tôi luôn quan tâm đến phần cứng lõi, đặc biệt là CPU. Đó là lý do tại sao tôi bắt tay viết hệ điều hành riêng trước tiên, và tôi hiện vẫn hứng thú với các nền tảng mới. Tuy đa phần chỉ là vài thay đổi nhỏ trên phần cứng hiện có (tôi tin rằng đó là cách nên làm), nhưng tôi vẫn thường quan tâm theo dõi.

Trong bức tranh lớn hơn, nhưng không phải là lĩnh vực mà tôi tham gia, thật thú vị nhìn thấy AI (trí tuệ nhân tạo) cuối cùng cũng bắt đầu thực sự xảy ra. AI từng là một trong những thứ vừa “xưa lơ" vừa xa vời. Và tôi chẳng ấn tượng gì với tất cả các mô hình dựa trên quy tắc mà mọi người thường dùng.

Bây giờ, cuối cùng các mạng thần kinh giờ bắt đầu thực sự có chỗ đứng. Tôi thấy rất thú vị. Nó không phải là lĩnh vực tôi làm việc, và cũng không có dự định làm việc, nhưng vẫn thấy hấp dẫn. Không giống như các phương pháp tiếp cận ngôn ngữ LISP và Prolog, mạng thần kinh mà chúng ta biết làm việc theo mô hình tự nhiên. Tôi không hề lo sợ việc AI cuối cùng bắt đầu hiện thực, như một số người.

S.C: Anh có nghĩ Linux vẫn tiếp tục phát triển vào dịp kỷ niệm lần thứ 50? Hệ điều hành khi đó sẽ như thế nào?

L.T.: Tôi không phải là nhà tư tưởng lớn. Tôi chỉ là một kỹ sư và cố nhìn trên mặt đất thật rõ để đi cho vững. Việc dự đoán tương lai 5, 10 hoặc 25 năm tới hãy để cho người khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ổn miễn là chúng ta cố gắng làm tốt nhất có thể những việc nhỏ hàng ngày.

Có thể thú vị hơn nếu thế giới trải qua những cuộc cách mạng lớn và 25 năm tới nhiều thứ khác hẳn. Những vấn đề cơ bản với các hệ điều hành hiện nay, cũng như đã từng có trong những năm 1960, khi bắt đầu có hệ điều hành, rất lâu trước Linux. Tôi nghi ngờ rằng chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi trong cách máy tính làm việc trong 50 năm qua hơn là chúng ta sẽ thấy trong tương lai. Giới làm phần cứng, giống như các nhà phát triển phần mềm, đơn giản đã biết những gì làm việc và những gì không.

Tất nhiên, các mạng nơ-ron, v.v.. sẽ làm thay đổi thế giới, nhưng có điều là bạn không "lập trình" chúng. Chúng tự học. Tôi có thể khá chắc chắn rằng chúng sẽ không thay thế các mô hình điện toán truyền thống. Mọi người đều muốn máy móc thông minh hơn, nhưng cũng muốn máy móc làm chính xác những gì được yêu cầu. Vì vậy, kiểu điện toán "cổ điển" hiện thời không biến mất; nó sẽ chỉ được tăng cường.

Nguồn tin: www.pcworld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây