Kỳ vọng đưa VN bứt phá xếp hạng chính quyền điện tử

Thứ hai - 10/08/2015 14:29
“Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm để chúng tôi đưa VN bứt lên trong xếp hạng về chính quyền điện tử” - ông Nguyễn Thế Trung -Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hanel DTT trao đổi về xây dựng chính phủ điện tử nguồn mở ở VN.

Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) được xem là bước đi quan trọng trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển của nước ta. Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/5, Bộ GTVT đã chính thức khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đăng kiểm tham gia cơ chế một cửa quốc gia. Đây là hệ thống được xây dựng trên nền tảng chính phủ điện tử nguồn mở (Open Egov Platform) của Liên danh Hanel DTT.

- Được biết, hệ thống MT Gateway do Hanel - DTT xây dựng dựa trên nền tảng nguồn mở phát triển chính quyền điện tử OEP. Xin ông cho biết thêm về ưu, nhược điểm của hệ thống này?

MT Gateway được thiết kế với tiêu chí là điểm truy cập duy nhất cho các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải với toàn bộ các thủ tục hành chính công ngoài các thủ tục tham gia cơ chế Một cửa Quốc gia. MT Gateway cũng là điểm trung chuyển các thông tin từ NSW tới các hệ thống nghiệp vụ và ngược lại.

Toàn bộ MT Gateway sử dụng nền tảng OEP. Ưu điểm chính bao gồm khả năng sẵn sàng về công nghệ, sử dụng chung các thành phần như đăng nhập một lần, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, quản lý danh mục dữ liệu dùng chung, tích hợp chữ ký điện tử, thanh toán trực tuyến, quản lý quy trình nghiệp vụ, giám sát và thống kê…

Ưu điểm tiếp theo là hiệu năng sử dụng đáp ứng số lượng người sử dụng lớn, ổn định, bảo mật dữ liệu. OEP sử dụng nguồn mở nên hoàn toàn không mất chi phí bản quyền, tiết kiệm chi phí rất lớn cho Nhà nước.

Còn về nhược điểm thì có thể nói rằng OEP được tích hợp từ nhiều công nghệ nguồn mở phức tạp nên việc làm chủ nó cần có trình độ nhất định về nhiều công nghệ khác nhau. HANEL-DTT đã và đang chuyển giao công nghệ cho khách hàng của mình để dần có thể làm chủ hoàn toàn hệ thống.
 

ss
Ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hanel DTT

- Được biết giải pháp OEP mà Hanel- DTT cung cấp là giải pháp nền tảng nguồn mở duy nhất do VN xây dựng. Xin ông cho biết giải pháp này đã được ứng dụng thành công trong những lĩnh vực nào, địa phương nào và mang lại hiệu quả ra sao?

OEP đã được sử dụng là nền tảng cho các hệ thống của toàn bộ Chính quyền điện tử TP.Đà Nẵng, Quận Ngô Quyền (Hải Phòng), Cổng thông tin điện tử và các quận của TP. Hà Nội, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, Bộ Giao thông và hệ thống kiểm soát TTHC của Bộ Tư pháp. OEP cũng được sử dụng cho hệ thống thu thập số liệu qua thiết bị di động của Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn.

Một trong những hệ thống sử dụng OEP sắp khai trương là hệ thống trao đổi bệnh án điện tử HL7 CORE của Bộ Y tế. Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một trong những “cuộc cách mạng” trong việc hiện đại hóa dịch vụ Y tế tại Việt Nam.

Những hệ thống trên đã chứng minh hiệu quả về tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và giảm thời gian thụ lý hồ sơ cho cơ quan Nhà nước. Có thể lấy một ví dụ là một doanh nghiệp ở TP.HCM làm 1 hồ sơ tiết kiệm ít nhất 10 triệu đồng bao gồm chi phí đi lại, ăn ở cho cán bộ làm thủ tục khi phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Hà Nội. Đến nay, đã có hơn 19.000 hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến cho các thủ tục này.

- Ông đã có kế hoạch gì trong việc thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở nước ta chưa?

Với độ chín muồi về công nghệ và kinh nghiệm triển khai thành công ở các Bộ và địa phương, Hanel-DTT tự tin rằng chúng tôi có thể thực hiện xong một dịch vụ công mức độ 3-4 chỉ 2 tuần đến 1 tháng và có đủ đội ngũ trong liên minh thành viên OEP để triển khai song song 20 dịch vụ công nếu được chính phủ đặt hàng. Chính vì thế, chúng tôi rất mong nhận được cuộc gọi của các lãnh đạo Bộ Ngành hay Địa phương quyết tâm mong muốn triển khai quyết liệt các dịch vụ công mức 3-4.

ss
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm để chúng tôi đưa Việt Nam bứt lên trong xếp hạng về chính quyền điện tử như Hàn Quốc và Pháp đã làm trong 5 năm vừa qua (nhờ ứng dụng công nghệ nguồn mở mà lên top 5 thế giới), và quan trọng nhất đó là cùng chính quyền cải cách hành chính hỗ trợ người dân và đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần xây dựng một nền kinh tế vận động hài hòa và bền vững qua đó nâng cao niềm tin vào chính quyền.

Tác giả: Vĩnh Phú

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây